20/08/2020 21:52
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Cầu Kè cho biết: hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Huyện ủy Cầu Kè và cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát động nhằm thực hiện hiệu quả mô hình công tác nhân đạo từ thiện; 10 năm qua, Hội CTĐ huyện Cầu Kè đã tích cực tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Cây nhân đạo”, qua đó, huy động nguồn lực sẵn có tại địa phương để trợ giúp thường xuyên, kịp thời cho các đối tượng nghèo, người dễ bị tổn thương tại cộng đồng dân cư.
Khi thực hiện mô hình, Ban Chấp hành Hội trăn trở làm thế nào tạo được nguồn tài chính bền vững tại cơ sở để chủ động triển khai các hoạt động nhân đạo, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Xuất phát từ đặc điểm của địa phương là huyện thuần nông, có trên 80% hộ dân có đất trồng cây ăn trái, ý tưởng mô hình là vận động mỗi gia đình đăng ký tặng cây ăn trái trong vườn nhà và được Hội CTĐ treo bảng “Cây nhân đạo”. Số tiền thu lợi từ “Cây nhân đạo” được quyên góp cho Hội CTĐ xã quản lý để thực hiện công tác nhân đạo từ thiện.
Ban đầu chọn xã Phong Thạnh, Phong Phú triển khai mô hình và được một số cán bộ, đảng viên đăng ký tặng “Cây nhân đạo” nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đến cuối năm 2011, mô hình tiếp tục thực hiện tại xã An Phú Tân và đạt kết quả cao do địa phương là vùng chuyên canh cây ăn trái. Cán bộ Hội từ xã đến các chi hội ấp điều có năng lực vận động và nhiệt tình công tác Hội.
Bước đầu thực hiện hiệu quả và mang lại ý nghĩa và nhân văn sâu sắc, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của mô hình và thực hiện phương châm “Sống vì mọi người”, biết sống, biết nghĩ và biết chia sẻ với người khác. Từ đó, nhiều người hưởng ứng việc hiến tặng “Cây nhân đạo”, nhằm có điều kiện giúp nhiều người vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Một số gia đình không có cây ăn trái mà chỉ có cây kiểng, cây tạp có hiệu quả kinh tế vẫn xin được đóng góp thực hiện mô hình “Cây nhân đạo”.
Hàng năm, mỗi “Cây nhân đạo” đóng góp vào quỹ Hội CTĐ cơ sở từ 50.000-100.000 đồng. Ông Nguyễn Quốc Thắng chia sẻ thêm: mô hình được nhân rộng dần qua các năm tại tất cả các Hội cơ sở trên địa bàn huyện, trong đó, nhiều xã vượt chỉ tiêu được giao hàng năm. Đến nay, mô hình được nhân rộng với tổng số 3.512 cây, hỗ trợ cho hàng trăm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, còn tồn quỹ gởi ngân hàng trên 570 triệu đồng.
Đánh giá hiệu quả thiết thực của mô hình “Cây nhân đạo” của Hội CTĐ huyện Cầu Kè, ông Võ Công Chính, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: mô hình mang lại hiệu quả thiết thực nên được phát huy, nhân rộng tại một huyện. Đến cuối năm 2019 toàn tỉnh đã vận động được 8.630 cây với tổng trị giá đạt trên 08 tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Số tiền hỗ trợ tùy thuộc hoàn cảnh của từng đối tượng và điều kiện nguồn quỹ thu được của từng cơ sở Hội nhưng tất cả đều thực hiện hiệu quả, kịp thời mang đến niềm vui cho người nghèo khó, bệnh tật.
Ông Nguyễn Quốc Thắng phấn khởi thông tin: mô hình “Cây nhân đạo” của Hội CTĐ huyện Cầu Kè đã được báo cáo điển hình tại một số hội nghị cấp tỉnh, cụm thi đua CTĐ các tỉnh Bắc Sông Hậu, hội nghị CTĐ khu vực phía Nam. Nhưng vui nhất với tôi và những người tham gia công tác Hội là mô hình này đã giúp đỡ được nhiều người khó khăn, bệnh tật có niềm tin, động lực vươn lên trong cuộc sống.
NGỌC XOÀN
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.