20/01/2020 08:21
Trong những ngày này, đồng bào Khmer trên 02 sóc nhỏ Bắc Sa Ma đang cùng đồng bào Kinh, Khmer, Hoa toàn huyện nỗ lực trong mọi công tác đưa huyện Cầu Kè đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Trong không khí rộn ràng đó, âm vang của Chiến dịch Cầu Kè diễn ra oanh liệt trên chính mãnh đất Bắc Sa Ma cách đây đúng 70 năm (1949 - 2019) được người dân trên con sóc nhỏ này khơi dậy trong tôi…
- Tôi thấy chú không phải người xứ này, mà chú đến Bắc Sa Ma tìm ai?
- Không tìm ai chị ạ. Tôi đến Bắc Sa Ma để được đứng chân trên vùng đất ngày xưa diễn ra chiến dịch Cầu Kè làm chấn động chính quyền nước Pháp ở Paris thời đó. Chị có biết chiến dịch này không?
- Tưởng gì chớ chiến dịch Cầu Kè tôi biết, bảy chục năm rồi, đâu còn dấu tích gì nữa, hồi đó cả chú và tôi còn chưa sinh ra, mà chú tìm hiểu làm gì?
- Chính vì mình chưa sinh ra nên mới tìm hiểu. Chuyện càng xưa, biết càng hay chị ạ.
- Tôi hiểu rồi, chú ngồi đây uống nước cho khỏe, tôi kể chú nghe - Bằng giọng nói tiếng Việt rành rẽ, chị chủ quán nước bên cạnh chùa Bắc Sa Ma đưa tôi về dĩ vãng:
…Chiến dịch Cầu Kè diễn ra từ ngày 07 - 26/12/1949. Theo mệnh lênh của Bộ Tư lệnh miền, lực lượng vũ trang của Khu 8 đánh vào tuyến phòng thủ của quân Pháp ở Cầu Kè, nhằm diệt một bộ phận sinh lực, phá hệ thống đồn bốt, tháp canh, giải tán bảo an, phá tề điệp, cắt giao thông của địch từ Trà Vinh về Cầu Kè, tạo thế đứng cho bộ đội chủ lực. Lực lượng của ta gồm: 02 tiểu đoàn chủ lực của khu và của Liên trung đoàn 109-111; 03 đại đội địa phương, 04 trung đội độc lập và dân quân các huyện Cầu Kè, Tam Bình, Tiểu Cần. Tư lệnh chiến dịch là ông Nguyễn Hữu Xuyến, Liên Trung đoàn trưởng; ông Phạm Ngọc Hưng, Liên Trung đoàn phó; ông Dương Cự Tẩm, chính ủy; ông Nguyễn Bôn, đại diên Tỉnh ủy Vĩnh Long và ông Đinh Công Dụng, đại diên Huyện ủy Cầu Kè. Chỉ huy lực lượng dân quân phục vụ chiến dịch là ông Nguyễn Thanh Liêm, Tỉnh đội trưởng Dân quân tỉnh Vĩnh Long; Chỉ hủy lực lượng dân quân huyện Cầu Kè là ông Cao Bình An, Huyện đội trưởng Dân quân huyện Cầu Kè.
Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch có gần 700 quân chiếm đóng, 02 tiểu đoàn cơ động.
Chu đáo và bài bản lắm nha chú. Trước khi chiến dịch nổ ra, Bộ Chỉ huy chiến dịch triệu tập hội nghị quân, dân, chính 02 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, huyện Cầu Kè và cán bộ các đơn vị tham chiến để phổ biến kế hoạch và công tác chuẩn bị.
Về trinh sát và liên lạc, Ban Chỉ huy liên trung đoàn cử một trung đội trinh sát nghiên cứu và tổ chức dẫn đường cho bộ đội; tổ chức các đường liên lạc bằng người chạy bộ giữa các mặt trận và Ban Chỉ huy chiến dịch. Bộ phận điện đài chuẩn bị mật mã mới và chuẩn bị vật chất cho máy móc trước ngày nổ súng một tháng.
Bộ Chỉ huy chiến dịch cử một tiểu đội công binh chuyên nghiên cứu địa lôi trên các đường dự kiến tiếp diện của địch. Đồng thời, Bộ Chỉ huy soạn thảo kế hoạch tác chiến, hướng dẫn hành quân, cách đánh, gửi cho các đơn vị tham chiến.
Về chính trị, trong hội nghị ngày 16/11/1949, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã thành lập 02 tiểu ban: Tiểu ban chính trị và Tiểu ban tuyên truyền, thành phần 02 tiểu ban gồm cả quân, dân, chính. Trong đó, phân công cho quân dân chính huyện Cầu Kè chuyên lo công tác dân vận, cụ thể đi sâu vào các tổ chức và dân chúng, mật giao với bảo an và lính Miên - tức là lính người Khmer, hồi đó hay gọi là lính Miên đó chú - (chị giải thích), chú ý nhằm vào vùng Bắc Sa Ma, Ranh Hạt, Ô Tưng, Chông Nô và Sóc Kha. Phân công bộ phận chuẩn bị tiệc để mời xếp bảo an và xếp đồn đến dự nhằm cầm chân chỉ huy ở ngoài sóc khi quân ta tiến công. Vận động trước, binh lính địch sẵn sàng ra hàng khi ta tiên công. Tiểu ban tuyên truyền tiến hành in biểu ngữ, truyền đơn, tổ chức các tổ gọi loa tuyên truyền địch vận.
Tiến hành giáo dục bộ đội về chính sách cụ thể với từng đối tượng khi chiến dịch nổ ra: Đồng bào Miên - tức là người Khmer mình đó, lính Miên, lính bảo an, sư sãi, lính đồn và đối với những tên giặc ngoan cố... Giáo dục kỷ luật dân vận, chính sách chiến lợi phẩm, tổ chức Hội đồng Mặt trận để thực hiện chính sách. Động viên tinh thần thi đua giết giặc lập công của bộ đội và giữa các đơn vị. Tổ chức các chiêu đãi sở để đón tiếp hàng binh.
Về cung cấp: Tổ chức Ban quân y mặt trận và các trạm cứu thương, giải phẫu, chuẩn bị thuốc men, cán khiêng, xuồng ghe và bộ phận dân quân tải thương. Công binh xưởng tiến hành cải tiến đạn Mỹ thành đạn Mas để cấp cho trung liên. Sản xuất lựu đạn ném, lựu đạn gài, địa lôi và đạn súng cối đủ dự trữ. Đạn súng trường mỗi khẩu tối thiểu 50 viên, tối đa 100 viên, trung liên tối thiểu 300 viên, tối đa 500 viên; đại liên tối thiểu 700 viên, tối đa 1.000 viên. Tổ chức dân quân chủ yếu của huyện Cầu Kè, một phần huyện Tam Bình và Tiểu Cần làm nhiệm vụ tiếp tế, phá lộ giao thông và tải thương. Ban quân lương của từng đơn vị phối họp chặt với quân, dân, chính từng xã trên địa bàn lo việc tiếp tế gạo, muối, củi khô, thực phẩm cho các đơn vị.
Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Chiến dịch diễn ra qua 03 đợt:
Bản đồ Chiến dịch Cầu Kè (Theo: “Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Cầu Kè anh hùng 1930 - 1975” - Huyện ủy Cầu Kè ấn hành năm 2001
Đợt 1 (từ ngày 07 đến ngày 09/12): Lúc 15 giờ 45 phút ngày 07/12, Tiểu đoàn 307 tiến công địch và làm chủ sóc Bắc Sa Ma, chỗ mà tôi và chú đang ngồi hiện giờ đây. Sau đó quân ta bao vây và tiến công đồn Bắc Sa Ma và các lô cốt dọc lộ Cầu Kè - Tiểu Cần. Tiểu đoàn 308 chiếm sóc và tiến công đồn Chông Nô. Sau gần 02 ngày chiến đấu, ta diệt gọn 02 cứ điểm, bắt và diệt nhiều địch, thu vũ khí, giải tán hơn 100 bảo an. Sau thắng lợi ban đầu, ta bố trí 02 đại đội chặn viện ở giồng đất Chông Nô từ Sông Hậu lên, Đại đội 889 chặn tàu địch ở sông Bưng Bót. Tiếp đó, 02 trung đội bộ binh và 01 tiểu đội công an xung phong đánh bốt Cò, 01 trung đội và 01 tiểu đội công an xung phong tiến công bốt nhà thương, nhưng cả 02 cánh không thành công, ta liền chuyển sang bao vây buộc địch phải tăng viện từ Trà Vinh, Tiểu Cần lên.
Ngày 09/12, quân Pháp dùng máy bay thả dù tiếp tế cho quân địch tại thị trấn Cầu Kè. 15 giờ, một tàu và 04 sà lan chở hơn 40 quân đổ bộ lọt vào trận địa phục kích, quân ta bắn chìm một sà lan, số còn lại rút lui. Bộ Chỉ huy chiến dịch rút quân ở Chông Nô để tăng cường cho vùng Cây Xanh giữ đường sông Bưng Bót.
Đợt 2 (từ ngày 10 đến ngày 12/12): Bộ Chỉ huy chiến dịch lệnh cho bộ phận liên quân Miên - Việt của ta tiếp tục hoạt động ở Bắc Sa Ma, bố trí Tiểu đoàn 307 triển khai trận địa đánh viện tại Phong Phú. 10 giờ ngày 10/12, địch cho máy bay ném bom vào trận địa ta. Ngày 11/12, một đại đội của tiểu đoàn Ma-rốc địch từ Trà Vinh lên Bắc Sa Ma sục sạo. Bộ Chỉ huy quyết định tập trung 02 tiểu đoàn tiêu diệt cánh quân ở Bắc Sa Ma và kiềm chế địch ở Cầu Kè xuống. 08 giờ, sau đợt pháo kích, dọn đường, địch ở Bắc Sa Ma vận động lọt vào trận địa Tiểu đoàn 307 phục kích, ta bao vây chia cắt diệt 90 tên, bắt 62 tên, thu toàn bộ vũ khí. 9 giờ, cánh quân ở Cầu Kè lọt vào trận địa của Đại đội 933; nhưng người chỉ huy cánh quân này thiếu bình tĩnh, tinh thần tổ chức kỷ luật kém đã có một tiểu đội dao động tự rút lui, ảnh hưởng các bộ phận khác, làm cho địch chiếm lại được địa hình có lợi đánh bật các cánh quân của ta ra. Do đó ta chỉ diệt và làm bị thương 02 tiểu đội địch. Qua đợt 02, đơn vị có kỷ luật kém này bị Bộ Chỉ huy chiến dịch phê bình nặng lắm đó, chú biết không.
Đợt 3 (từ ngày 13 đến ngày 26/12): Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương tiếp tục bao vây tiến công địch ở thị trấn Cầu Kè, kết hợp cắt đứ giao thông để cô lập chúng, đẩy mạnh việc gầy dựng cơ sở vùng mới giải phóng, đánh địa lôi trên đường Trà Vinh - Tiểu Cần, sẵn sàng đánh viện từ Trà Vinh lên. Những ngày đầu đợt 3, lực lượng công binh đã phá hủy hai xe vận tải, diệt và làm bị thương 18 tên. Quân ta phá được thêm một cầu sắt, một cầu bê-tông.
02 giờ đêm ngày 25/12, Tiểu đoàn 308 chia thành 02 cánh đánh chiếm Lò Ngò. Đến sáng ta hoàn toàn làm chủ các sóc bảo an và bố trí lực lượng chặn viện. 9 giờ 30 phút, 07 xe và 02 đại đội địch tiến vào, quân ta nổ súng, địch bỏ lại nhiều xác chết và chạy tán loạn. 14 giờ 30 phút, địch kết hợp cơ giới, máy bay, bộ binh tiến công quân ta một lần nữa, nhưng bị thất bại, quân ta diệt 40 tên và thu một số vũ khí. Suốt buổi chiều, máy bay ném bom vào trận địa ta, xóm làng, nhà cửa nhân dân xơ xát hết. 17 giờ, 7 chiếc may bay Dakota đến thả 01 đại đội quân dù. Khi chúng còn lơ lửng trên không, ta đồng loạt nổ súng. Một số tên chết từ trên cao, một số vướng vào bụi tre bị ta diệt, số còn lại chạy về đồn. Ta diệt trên 20 lính dù, thu một số dù địch. 19 giờ, ta lui quân. Cùng ngày, Tiểu đoàn 307 diệt lô cốt Tân Đại. Một lực lượng của Đại đội 975 và 991 Tiểu đoàn 307 chiếm lô cốt Cầu Tre bằng mật giao. Ta tước 40 súng trường và tập trung bảo an của các sóc giải thích và thả ngay tại chỗ. Chiến dịch kết thúc sáng 26/12/1949.
Sau chiến dịch này, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Cầu Kè đánh giá: Đây là chiến dịch đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ. Bộ Chỉ huy Khu 8 đã xác định được mục đích, mục tiêu đúng, sát hợp. Thành công của chiến dịch là đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách “đánh điểm - diệt viện” và “vây điểm - diệt viện” trên địa hình đồng bằng có nhiều sông kênh rạch. Sau 20 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt Tiểu đoàn Ma-rốc viễn chinh Pháp, Trung đoàn 1 ngụy Gò Công, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn lính lê dương Bến Tre; đánh tan 02 đại đội của Tiểu đoàn lính lê dương Sóc Trăng ở Lò Ngò, làm tan rã đại đội dù, đánh lui đoàn xe lội nước, đánh đắm một sà lan, phá hủy 02 xe vận tải; bắt sống 62 tù binh Pháp và Ma-rốc, tiêu diệt 20 tên lính Miên gian ác; bắt và tha tại chỗ trên 200 lính bảo an; phá tan hệ thống phòng ngự bằng tháp canh, lô cốt của địch trên lộ Tiểu Cần - Cầu Kè gồm: 12 lô cốt và cứ điểm, sáu sóc có bảo an vũ trang, giải giáp hơn 2.000 thân binh phòng vệ. Ta thu vũ khí đủ trang bị cho một tiểu đoàn quân chủ lực.
Lực lượng ta hy sinh và bị thương 50 người.
Chú biết không, thắng lợi của Chiến dịch Cầu Kè có ảnh hưởng lớn lắm về thanh thế, nó nhanh chóng được loan ra trên chiến trường toàn quốc. Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thời đó gởi điện khen. Tại nước Pháp, tờ báo “Liên hiệp Pháp”(L Union Francaise) số 869 ra ngày 28/12/1949 đã viết: Cầu Kè mới đây là một chiến trường bi thảm, trong đó quân đội viễn chinh Pháp đã tổn thất nặng nề. Tờ “Tấm Gương” (Le Figaro) có bài bình luận, viết: Những đơn vị viễn chinh đã mệt mỏi cùng với sự tổn thất biết bao nhiêu vũ khí, quân cụ. Tại sao chúng ta phải hi sinh tính mạng của chúng ta ở đó ? Biên giới nước Pháp không phải là sông Cửu Long. Chiến tranh ở Việt Nam kéo dài là đã đi ngược lại í muốn của nhân dân nước Pháp !
Nghe chị kể đến đây, tôi cắt ngang câu chuyện:
- Nhưng mà sao chị biết cặn kẻ vậy, có phải chị là cán bộ đoàn thể…
- Không phải cán bộ chú à. Chuyện Chiến dịch Cầu Kè bây giờ ở Bắc Sa Ma người nào cũng biết, in thành sách hồi 2001 rồi đó chú. Chiến dịch Cầu Kè còn nhiều chuyện đáng nể phục lắm, nhứt là chuyện nhân dân các xã Hòa Ân, Tam Ngãi, An Phú Tân, Ninh Thới, Phong Phú, Phong Thạnh (huyện Cầu Kè); Tân An, An Trường (huyện Càng Long); Tích Thiện, Vĩnh Xuân, Hòa Bình, Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn); Hựu Thành (huyện Vũng Liêm)… quyên góp, tiếp tế lương thực, thực phẩm như gạo, nếp, trâu, bò, heo, gà, vịt, cá, tôm, củi khô nấu cho bộ đội, dân công ăn no đánh giặc gần 02 tháng liền, tham gia giải quyết thương binh, tử sĩ trên chiến trường khi chiến dịch nổ ra; hôm nào chú có dịp ghé lại, tôi kể tiếp chú nghe. Bây giờ tôi chỉ đường chú qua bên UBND xã Phong Thạnh xem bia tưởng niệm Chiến dịch Cầu Kè.
Tôi bước theo chị đi về phía bia chiến thắng và ngỏ lời cảm ơn người phụ nữ Khmer Bắc Sa Ma tốt bụng.
Bài, ảnh: TRẦN ĐIỀN
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.