29/08/2023 08:56
Đại tá Châu Thiên Bổng (người đứng bên phải) Trưởng Ban Liên lạc Truyền thống BĐBP tỉnh Trà Vinh thăm hỏi Trung úy Lê Thiện Chiến, nguyên Chính trị viên Đại đội Cơ động 1, BĐBP Trà Vinh vào ngày 26/7/2023. Ảnh: NTN
Qua hơn 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đại đội An ninh vũ trang tỉnh (nay là BĐBP tỉnh) đã có hơn 6.000 lượt cán bộ, chiến sĩ đã tham gia công tác và được phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, về hưu trở về với gia đình, địa phương ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Bình... Đến thời điểm này, Ban Liên lạc Truyền thống BĐBP tỉnh đã liên lạc, kết nối với trên 450 cán bộ, chiến sĩ, chỉ huy đã nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành, đồng thời vẫn tiếp tục liên lạc, tìm kiếm các đồng chí, đồng đội để tập hợp vào tổ chức.
Song song với việc xây dựng, củng cố về mặt tổ chức, Ban Liên lạc Truyền thống BĐBP tỉnh Trà Vinh luôn đẩy mạnh các hoạt động tri ân, kết nối như tìm gặp, thăm hỏi, động viên những cán bộ, chiến sĩ, chỉ huy qua các thời kỳ theo tinh thần “Nghĩa tình đồng đội”. Sau gần 03 tháng hoạt động, các thành viên thường trực Ban Liên lạc có chung tâm huyết, nhiệt tình, đã đi tìm thăm đồng đội ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Qua đó, Ban Liên lạc Truyền thống BĐBP tỉnh đã tổ chức được 05 chuyến đi, đến thăm hỏi, động viên, tặng quà 50 gia đình, trong đó có 03 gia đình của các đồng chí đã từ trần.
Theo chân đoàn công tác Ban Liên lạc Truyền thống BĐBP Trà Vinh trong một chuyến thăm gia đình các cán bộ, chiến sĩ, chỉ huy BĐBP đang sinh sống trên địa bàn huyện Càng Long và thành phố Trà Vinh, chúng tôi mới cảm nhận được những khó khăn, vất vả trên hành trình tìm gặp đồng đội cũ và những giá trị về mặt tinh thần của chuyến đi. Có nhiều đồng chí, đồng đội đã mất liên lạc từ nhiều năm, một số đồng chí chuyển đi nơi khác sinh sống nên việc tìm gặp hết sức khó khăn và mất nhiều thời gian, công sức.
Trong số đó phải kể đến trường hợp của ông Châu Văn Le, nguyên Đại đội phó An ninh vũ trang tỉnh Trà Vinh (lực lượng tiền thân của BĐBP Trà Vinh). Theo thông tin ban đầu, ông Châu Văn Le cư ngụ tại ấp Kinh Ngay, xã Đại Phúc, huyện Càng Long. Tuy nhiên, khi đoàn đến thăm thì được biết ông đã chuyển về ấp Phú Phong, xã Bình Phú, huyện Càng Long sống với gia đình của con gái. Mọi thông tin đều khá mập mờ, nhưng với tinh thần kiên định, các thành viên trong đoàn quyết tâm thăm gặp cho được đồng đội. Dù mất nhiều thời gian tìm kiếm nhưng đoàn công tác cũng đã tìm được đến nhà của ông Châu Văn Le.
Khoảnh khắc hội ngộ đầy xúc động của những người đồng đội đã từng cùng vào sinh ra tử, ông Châu Văn Le tuổi đã ngoài 80, sức khỏe đã giảm nhưng khi nhắc lại khoảng thời gian tham gia chiến đấu, công tác, đôi mắt ông ngời sáng, gương mặt rạng ngời phấn khởi.
Đại úy Dương Hoàng Nỷ, nguyên Phó Tham mưu trưởng BĐBP Trà Vinh, Phó Trưởng Ban Liên lạc Truyền thống BĐBP Trà Vinh tay bắt mặt mừng, chuyện trò hàn huyên và ân cần thăm hỏi sức khỏe, đời sống của ông Châu Văn Le, tất cả hòa quyện vào một không khí ấm áp tình cảm của những người đồng chí, đồng đội đã từng trải qua những năm tháng kháng chiến, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Cũng tại huyện Càng Long, đoàn đã đến thăm gia đình Thượng úy Phạm Tàu, nguyên Trợ lý tác chiến BĐBP tỉnh; gia đình Đại úy Phạm Quốc Việt, nguyên Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Hòa và gia đình một số cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ.
Ông Phạm Tàu tuổi đã ngoài 70, hiện sinh sống tại Khóm 7, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, kinh tế gia đình khá giả, tuy nhiên, do tuổi cao nên sức khỏe của ông đã có phần suy giảm, con cái đều thành đạt.
Khác với gia đình của ông Phạm Tàu, gia đình ông Phạm Quốc Việt ở ấp Rạch Rô 2, xã Nhị Long, huyện Càng Long có phần khó khăn hơn, bản thân ông mắc chứng bệnh suy thận và thiếu máu. Hàng tháng, phải điều trị định kỳ nên kinh tế gia đình có phần khó khăn.
Đến với gia đình các đồng chí, đồng đội, các thành viên trong đoàn đều ân cần thăm hỏi sức khỏe, tình hình đời sống, động viên các anh, các chú sống vui, sống khỏe và luôn phát huy tinh thần cách mạng, nuôi dạy, giáo dục con cháu phát huy truyền thống gia đình. Đối với những đồng chí, đồng đội gặp khó khăn, bệnh tật ngoài thăm hỏi, động viên, các thành viên trong đoàn còn trao những phần quà như gạo, tiền mặt và kịp thời động viên các anh, các chú vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Ông Phạm Quốc Việt chia sẻ: được các đồng chí, đồng đội đến thăm là niềm vui lớn đối với bản thân và gia đình tôi. Đây là niềm an ủi, động viên lớn lao để bản thân tôi có thêm động lực để vượt qua khó khăn, bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống.
Ban Liên lạc Truyền thống BĐBP tỉnh Trà Vinh được thành lập và đi vào hoạt động mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ là kết nối, tri ân, sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống mà còn là diễn đàn để những người đồng chí, đồng đội đã từng cùng nhau chiến đấu, cùng nhau học tập, công tác được gắn kết, được gặp gỡ, cảm thông nhau trong cuộc sống. Không chỉ vậy, thông qua các hoạt động của Ban Liên lạc Truyền thống BĐBP Trà Vinh sẽ là một kênh thông tin, là chuỗi các hoạt động để giáo dục về lịch sử, truyền thống của lực lượng BĐBP tỉnh nói riêng, của lực lượng vũ trang tỉnh nói chung cho thế hệ trẻ, nhất là những cán bộ, chiến sĩ trẻ và đoàn viên thanh niên trong tỉnh.
Theo Đại tá Châu Thiên Bổng, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, Trưởng Ban Liên lạc Truyền thống BĐBP tỉnh, hoạt động của Ban Liên lạc Truyền thống BĐBP tỉnh nhằm nêu cao tinh thần kết nối để sẻ chia “Nghĩa tình đồng đội”.
Thời gian tới, Ban Liên lạc Truyền thống BĐBP tỉnh tiếp tục củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức, tiếp tục tìm gặp, động viên cán bộ, chiến sĩ, chỉ huy của lực lượng BĐBP trong tỉnh qua các thời kỳ tham gia vào ban liên lạc. Tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà một số đồng chí là cán bộ chỉ huy tuổi cao, đau ốm; gia đình thương binh, liệt sĩ BĐBP tỉnh, các đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật; tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống của lực lượng BĐBP, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào của địa phương, làm ăn có hiệu quả và làm giàu chính đáng, vận động hội viên và các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho những hội viên gặp khó khăn về nhà ở.
THANH NHÃ
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.