25/09/2020 08:27
Bà Dương Thị Thủy (bên trái) cảm thấy hạnh phúc khi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh.
Ông Lê Văn Nghiệm, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: Trung tâm hiện đang quản lý và chăm sóc, nuôi dưỡng 163 đối tượng. Trong đó, có 47 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên (25 cụ ông và 22 cụ bà), 26 người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa; 21 người cao tuổi khuyết tật vận động, khuyết tật nhìn đặc biệt nặng. Trung tâm thực hiện tốt và bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe cho các cụ theo quy định: 03 buổi cơm/ngày, bổ sung thêm sữa, sữa chua, trái cây, bánh... Các cụ già yếu hoặc ốm, đau dùng cháu, sữa, nhân viên cấp dưỡng thường xuyên thay đổi các món ăn, hợp khẩu vị đảm bảo chất dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; vệ sinh sinh hoạt cho các cụ 02 lần/ngày; bố trí phòng ở rộng rãi, thoáng mát đúng theo quy định để các cụ sống thoải mái.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm tổ chức đưa 382 lượt cụ đi khám và điều trị bệnh đột xuất tại các Bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm có hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh phân công Y, Bác sĩ đến khám bệnh cho các cụ tại Trung tâm định kỳ 02 lần/tháng (vào ngày 15 và 30). Đối với các cụ, các cháu bị bệnh, Trung tâm quan tâm chăm sóc chu đáo từ chế độ ăn tới thuốc uống.
Để các cụ sống vui sống khỏe, Trung tâm tạo điều kiện cho các cụ tập thể dục, giải trí (đối với những cụ còn khỏe có khả năng tự phục vụ), mỗi phòng ở của các cụ đều trang bị ti - vi hoặc Radio để các cụ theo dõi tin tức, thời sự hoặc xem chương trình theo sở thích...
Bà Dương Thị Thủy (sinh năm 1954) quê ở Cầu Ngang đến nương nhờ Trung tâm từ năm 2016 đến nay. Theo bà Thủy, cuộc sống ở Trung tâm rất tốt, ngoài việc được chăm sóc sức khỏe, có chỗ ở, có cơm ăn, ở đây tôi có thêm nhiều bạn để chia sẻ vui buồn lúc tuổi già.
Vào các ngày lễ, tết như: tết Nguyên đán, tết cổ truyền của đồng bào Khmer, kỷ niệm ngày Người cao tuổi Việt Nam và ngày Quốc tế Người cao tuổi, Trung tâm tổ chức cho các cụ sinh hoạt, vui chơi giải trí theo quy định; phối hợp với Chi hội Người cao tuổi Khóm 5 và Hội Người cao tuổi thị trấn Châu Thành tổ chức tặng quà, chúc thọ, mừng thọ cho các cụ 70, 75, 80, 90, 95 tuổi.
Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối với người già ở Trung tâm là vậy, khi các cụ qua đời thì Trung tâm tổ chức tang lễ và mai táng cho các cụ (với những cụ còn người thân thì tẩm liệm đưa về chôn cất theo tập quán còn với những cụ không người thân thì tẩm liệm, hỏa táng, đưa hài cốt vào chùa).
Từ đầu năm 2020 đến nay, thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, thư ngỏ... các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài nước trực tiếp hoặc gián tiếp đến hỗ trợ trên 457 triệu đồng. Bà Võ Thị Rảnh ở Trung tâm trên 10 năm nay tâm sự: “Những người già neo đơn như chúng tôi được sống ở Trung tâm đã là niềm hạnh phúc, khi có các đoàn đến thăm tôi thấy an ủi lắm. Thấy được sự quan tâm của cộng đồng để tiếp tục sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc”.
Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của đơn vị nên Trung tâm phải bố trí viên chức chăm sóc và y sĩ trực 24/24 giờ để phục vụ và đảm bảo an toàn cho các cụ. Trong tổng số 47 người cao tuổi, thì có 21 cụ là người cao tuổi khuyết tật vận động, khuyết tật nhìn đặc biệt nặng, không có khả năng tự phục vụ, các cụ còn lại tuổi cao, sức yếu thường xuyên ốm, đau phải điều trị lâu dài ở bệnh viện, Trung tâm bố trí từ 01 đến 02 viên chức trực chăm sóc khi có cụ nằm viện điều trị (Trung tâm chưa có Bác sĩ).
Biên chế của Trung tâm còn thiếu chưa đảm bảo theo Thông tư số 33/TT-BLĐTBXH, ngày 29/12/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội, nên Trung tâm gặp khó khăn trong công tác chăm sóc người cao tuổi đang được quản lý, nuôi dưỡng.
Ông Lê Văn Nghiệm cho biết thêm, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, Trung tâm cũng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Từng khu sinh hoạt như: nhà bếp, phòng ăn, khu vệ sinh, phòng sinh hoạt chung, phòng điều dưỡng, phòng nghỉ... đều được bố trí một cách khoa học, đảm bảo vệ sinh.
Cùng với đó, Trung tâm cũng chú trọng trồng nhiều cây xanh để lấy bóng mát và điều hòa không khí. Trong khuôn viên Trung tâm, được đặt các ghế đá để đối tượng ngồi nghỉ ngơi, hóng mát. Khu vui chơi, tập thể dục ngoài trời cũng được bố trí thoáng mát, có cây xanh tạo bóng mát, các lối đi cũng được trồng hoa, cây cảnh, tạo mỹ quan sạch đẹp.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.