14/01/2020 09:25
Người lao động huyện Cầu Ngang được đào tạo nghề phi nông nghiệp và giải quyết việc làm tại Công ty TNHH sản xuất EMMA, xã Vinh Kim.
Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm giúp người nghèo có điều kiện lao động, tìm kiếm việc làm. Thời gian qua, huyện chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể, như khảo sát nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn gắn với tư vấn, thông tin việc làm, kết nối với doanh nghiệp để giải quyết việc làm. Năm 2019, huyện đã tổ chức 09 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp cho 232 học viên. Sau khóa đào tạo, học viên áp dụng hiệu quả những kiến thức đã học vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, đổi mới phương thức canh tác, chăn nuôi lạc hậu, mạnh dạn đầu tư sản xuất theo mô hình mới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào lĩnh vực nông - ngư nghiệp, tạo việc làm tăng thu nhập trên chính đồng ruộng và chuồng trại chăn nuôi của gia đình. Bên cạnh đó, sau khi học các nghề phi nông nghiệp, học viên đã tự tìm việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc tự tạo việc làm tại chỗ. Cũng có không ít người sau khi học nghề đã tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề, mạnh dạn vay vốn đầu tư cơ sở sản xuất mang lại nguồn thu nhập cao cho bản thân và tạo việc làm cho lao động khác, góp phần giảm hộ nghèo trong quá trình XDNTM.
Cùng với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được các địa phương trong huyện triển khai rộng rãi và mang lại hiệu quả tích cực. Nhờ đó, đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào Khmer đã đổi thay đáng kể. Năm 2019, huyện có 73 người tham gia xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Đây là năm đầu tiên Cầu Ngang có số lượng người tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) có thời hạn nước ngoài cao nhất. Mức lương làm việc có thời hạn ở nước ngoài từ 20 - 40 triệu đồng/tháng/người. Theo đó, sau 03 năm địa phương hàng chục lao động có tay nghề cao, kỹ năng làm việc tốt, là nguồn nhân lực tốt trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến thăm gia đình bà Kiên Thị Ma Ri, ấp Ba So, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang trong ngày giáp Tết. Được biết trước đây, gia đình bà Ri thuộc diện hộ nghèo, mẹ mất sớm, cha già yếu. Tháng 01/2019, người em trai thứ bảy của bà Ri là Kiên Rọt Tha xuất khẩu sang Nhật Bản làm việc và gửi tiền gia đình 20 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, bà Ri có tiền đầu tư mở rộng mô hình nuôi heo sinh sản từ 02 con lên 04 con heo nái và 16 con heo thịt. Bà Ri chia sẻ: Gần 01 tháng trước, tôi xuất bán 16 con, giá bán 5,5 triệu đồng/tạ (100kg), lợi nhuận 30 triệu đồng. Nhờ số tiền của em trai gửi về hàng tháng mà gia đình đã vượt qua khó khăn, có điều kiện tăng gia sản xuất, thúc đẩy kinh tế gia đình. Từ đây đến Tết, số tiền em trai gửi về, tôi để dành trả nợ số tiền vay ngân hàng trước đó giúp em đi XKLĐ.
Như em trai bà Ri, Thạch Thị Ngọc Tâm, con gái ông Thạch Chane, ấp Cós Xoài, xã Trường Thọ đã sang Nhật Bản theo diện XKLĐ. Sau hơn 05 tháng làm việc ở Nhật Bản, Ngọc Tâm gửi về 100 triệu đồng phụ giúp gia đình và trả dứt khoản vay bên ngoài với lãi suất cao 70 triệu đồng làm học phí đi học trước khi XKLĐ. Còn số tiền vay 120 triệu đồng vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp con XKLĐ, địa phương tạo điều kiện trả 03 lần trong thời hạn 03 năm, 02 năm đầu trả 30%/năm và 40% vào năm cuối. Ông Chane bày tỏ: Do gia cảnh nghèo, không có việc làm ổn định, nên tôi quyết định cho con đi XKLĐ, nay có việc làm ổn đinh, tôi rất mừng. Bình quân con gái tôi thu nhập 40 triệu đồng/tháng, gửi về 20 triệu đồng giúp gia đình trang trải cuộc sống. Nhờ số tiền này, gia đình tôi có thêm thu nhập trang trải vào thời điểm cuối năm.
Ông Trần Vân Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Trường Thọ cho biết: Hiện xã có 14 lao động XKLĐ sang Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, thu nhập bình quân từ 30 - 40 triệu đồng/người/tháng. Trong số 14 người có 01 lao động nữ làm việc tại sân bay Nhật Bản thu nhập 80 triệu đồng/tháng. Công tác đào tạo nghề gắn với XKLĐ trên địa bàn đã từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thời gian tới, xã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và có chính sách hỗ trợ người lao động định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức. Qua đó, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Chủ động rà soát số lượng lao động đã và chưa qua đào tạo, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi học nghề.
Có thể nói, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với XKLĐ trên địa bàn huyện phát triển mạnh và trở thành phong trào góp phần giảm nghèo có hiệu quả. Theo ông Trần Quốc Tuấn, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, năm 2019, huyện tạo việc làm mới 3.918/2.950 lao động, đạt 133% so với chỉ tiêu kế hoạch, trong đó số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 73/45 lao động đạt 162% so với chỉ tiêu tỉnh giao. Cơ cấu lao động, cơ cấu việc làm chuyển dịch theo hướng tích cực từ khu vực nông, ngư nghiệp sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Năm 2020, huyện tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề, nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên xuất ngũ tham gia XKLĐ để có thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Đồng thời, phối hợp với sở, ngành tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền trong các trường trung học phổ thông trên địa bàn để có định hướng tư vấn nghề nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh có được việc làm sau khi tốt nghiệp, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững nhất hiện nay.
XKLĐ được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, do nhu cầu cuộc sống nên Tết này những gia đình có con em XKLĐ không thể về đoàn tụ, sum họp gia đình. Dù ở bất kỳ ở đâu, tôi hy vọng những người con xa quê luôn hướng về nguồn cội, bởi ở đâu Tết cũng thắm đậm tình người.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.