23/10/2020 09:09
Cầu nông thôn ấp Bót Chếch.
Những năm gần đây, đời sống từ vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer tiếp tục phát triển, kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất và đời sống được quan tâm đầu tư triển khai thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, hạ tầng giao thông nông thôn vùng đồng bào Khmer được đầu tư nâng cấp, mở rộng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Mạng lưới giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư rộng khắp đến từng vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện giao thương hàng hóa và nhu cầu đi lại của đồng bào Khmer.
Ông Hà Thanh Sơn, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: với kinh phí 250,693 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn xây dựng 308 công trình, duy tu, bảo dưỡng 122 công trình; thực hiện 261 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình cho 2.722 hộ và tổ chức mở 186 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng cho 11.633 lượt người. Các chính sách như: chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định số 102/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán theo Quyết định số 755/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ xây dựng nhà hỏa táng cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã triển khai thực hiện tốt. Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, giai đoạn 2018-2019, tỉnh được Trung ương phân bổ 46 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề, tạo việc làm, đã giải ngân cho 1.430 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với số tiền 46,107 tỷ đồng và năm 2020, được phân bổ thêm 07 tỷ đồng đang triển khai thực hiện. |
Xã Long Hiệp, huyện Trà Cú có 1.879 hộ dân, trong đó có 1.601 hộ dân tộc Khmer, tập trung sinh sống tại 07 ấp. Xã từng được các chương trình 134, 135 hỗ trợ vốn, vật tư để ổn định cuộc sống và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trường, trạm. Giai đoạn 2014-2019, xã được hỗ trợ 6,962 tỷ đồng xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình; đồng thời hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho 249 hộ. Thực hiện chỉ tiêu nghị quyết của Đảng ủy xã, cuối năm 2020, Long Hiệp phấn đấu giảm 104 hộ nghèo. Để giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, xã vừa thực hiện hỗ trợ cho hộ nghèo từ chính sách Nhà nước, vừa thực hiện tuyên truyền, động viên hộ nghèo khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo. Đảng ủy xã có chủ trương rà soát, nắm bắt từng hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo và nhu cầu của từng hộ dân, từ đó đề ra các biện pháp xóa đói giảm nghèo phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và từng ấp. Phân công mỗi đảng viên kèm cặp hộ nghèo để hướng dẫn phương án sản xuất, làm ăn có hiệu quả để thoát nghèo bền vững. Củng cố duy trì và nhân rộng 03 tổ tự quản giảm nghèo tại ấp Trà Sất C, Nô Rè và Giồng Chanh B.
Bà Thạch Thị Sao ở ấp Trà Sất C cho biết: “Tôi ở một mình không có đất sản xuất, nên nhiều năm liền, tôi không thể thoát nổi cái nghèo, luôn thiếu ăn, thiếu mặt. Năm 2019, tôi được hỗ trợ 01 con bò sinh sản. Được hỗ trợ bò, tôi mừng lắm, đó là động lực để tôi càng chí thú làm ăn, cố gắng vươn lên thoát nghèo”.
Đi đôi với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, các cấp, các ngành còn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động đồng bào chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc. Qua đó nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đem lại thu nhập khá cao, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Một trong những điển hình thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi là gia đình anh Thạch Hoài Phong - chị Lê Thị Ngọc Rạng, ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang. Không chỉ thoát nghèo mà anh chị còn vươn lên làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội. Anh Phong kể, trước đây gia đình anh được vay 08 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 167. Sau khi có nhà ở, gia đình anh vay vốn ưu đãi để lập nghiệp với số tiền 25 triệu đồng. Nhờ chịu khó, với số tiền trên, anh Phong, chị Rạng đầu tư trồng màu quanh năm trên diện tích 05 công đất, nên chỉ sau vài năm gia đình đã thoát nghèo. Khi đã có vốn, anh Phong, chị Rạng đầu tư mua được máy gặt đập liên hợp, mỗi vụ gặt thuê khoảng 600 công đất, thu lãi 50 triệu đồng.
Về lĩnh vực văn hóa-xã hội trong vùng đồng bào Khmer có những chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo luôn được quan tâm. Đặc biệt, việc dạy và học chữ Khmer được duy trì và phát triển ở các trường tiểu học và các điểm chùa; các vị À Char đứng lớp dạy chữ Khmer trong chùa được tỉnh trích một phần ngân sách để hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh tạo điều kiện để các chư tăng học tập tại các trường trong và ngoài nước. Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm. Hầu hết các trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực trong vùng đồng bào Khmer đều có bác sĩ phụ trách; hệ thống chính trị, cán bộ dân tộc Khmer được đào tạo bài bản, số lượng đảng viên, đoàn viên là người dân tộc Khmer ngày càng tăng lên.
Bài, ảnh: THẠCH HOÀNG
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.