26/01/2023 13:13
Người lao động HTX nông nghiệp Ngọc Thạch chăm sóc cây giống.
Là huyện nông nghiệp, nhưng kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng chưa phát huy hết tiềm năng, thiếu bền vững. Chính vì thế, những năm qua, huyện tập trung các giải pháp nhằm đột phá xây dựng nền tảng phát triển các mô hình kinh tế mới. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác xã (HTX), liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng tiểu vùng và giữa các vùng.
Điển hình mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm của HTX nông nghiệp Ngọc Thạch, xã Nhị Trường. Từ khi HTX đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho nông dân, nhất là những nông dân thiếu vốn sản xuất.
Ông Thạch Duơne, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Thạch cho biết: hiện HTX liên kết với 90 hộ dân tham gia sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm trên diện tích 70ha, trong đó có 20ha sản xuất lúa giống. Mỗi vụ sản xuất, HTX cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Ngoài liên kết sản xuất, hàng năm HTX ương dưỡng hơn 01 triệu cây giống trong nhà lưới chủ yếu các loại như ớt chỉ thiên, cà chua, cà tím... cung ứng cho nông dân trong và ngoài tỉnh và thanh toán vào cuối vụ sau khi thu hoạch. Bình quân từ 20 - 25 ngày xuất bán cây giống/lần, giải quyết việc làm 07 lao động, thu nhập từ 180.000 - 220.000 đồng/lao động/ngày.
Hay mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang trồng hoa màu, cây ăn trái kết hợp chăn nuôi của nông dân Thạch Tân An, ấp Chông Văn, xã Trường Thọ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân Thạch Tân An phấn khởi dưa leo được mùa được giá.
Ông An cho biết: sau khi nhận vốn vay 70 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ông mạnh dạn đầu tư nuôi heo, bò sinh sản kết hợp trồng màu, cây ăn trái. Đầu tiên, ông chuyển 0,7ha đất trồng lúa sang trồng màu chủ yếu dưa leo, khổ qua, cà chua xoay vòng 03 - 04 vụ/năm, lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng/ha/vụ. Cùng với đó, ông nuôi 07 con heo, bò sinh sản; trồng 1.500m2 ổi nữ hoàng mang lại thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng/năm.
Song song đó, ông nghiên cứu học tập nuôi lươn không bùn, tận dụng nguồn thu nhập từ hoa màu và nuôi bò, ông đầu tư nuôi 01 ao lươn với gần 3.000 con giống trong ao được thiết kế bằng xi măng với diện tích 09m2. Sau 1,5 năm thu hoạch khoảng 01 tấn lươn thương phẩm, giá bán 130.000 - 140.000 đồng/kg. Trong thời gian này ông tự học tập, nghiên cứu ương dưỡng thành công con lươn giống và thả nuôi thêm 03 ao và chuẩn bị thu hoạch. Nhờ chủ động lươn giống nên chi phí nuôi 03 ao sau không nhiều, tổng lợi nhuận cuối vụ đạt 120 - 150 triệu đồng. Hiện ông đang trồng 0,5ha khổ qua và cà chua phục vụ thị trường tết Nguyên đán 2023.
Đồng chí Trần Thị Kim Chung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang cho biết: để phát triển kinh tế bền vững, huyện xác định 06 giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới:
(1) Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường: tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của từng tiểu vùng. Triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường bền vững theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm được xác định trong đề án “phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm”; phát triển sản phẩm OCOP gắn với XDNTM, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn.
(2) Tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững: Đẩy mạnh xã hội hóa về sản xuất, kinh doanh giống đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, phục vụ sản xuất đại trà. Đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm...
Nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp và công nghệ chế biến, bảo quản nông sản. Hỗ trợ nông dân đầu tư, áp dụng các thiết bị cơ giới tiên tiến, nhà kính, nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi hiện đại gắn với quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao. Xây dựng sản xuất và hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp đủ nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho cơ sở chế biến, qua đó, thu hút doanh nghiệp phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện.
(3) Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến: dựa vào các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực, phát triển hợp tác xã, giảm dần các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến để hình thành chuỗi giá trị; nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp mới có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thị trường.
(4) Xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống: tập trung xây dựng, hoàn thiện, bảo trì hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Nâng cao hiệu quả thực hiện XDNTM phù hợp với trình độ phát triển, văn hóa và điều kiện cụ thể của từng địa phương, đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các xã đạt chuẩn NTM duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
(5) Phát triển toàn diện, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn: lấy người dân nông thôn làm chủ thể, trọng tâm phát triển, đảm bảo tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội. Thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững, đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức giảm nghèo.
(6) Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu: phát triển cảnh quan nông thôn gắn với làng sinh thái, thông minh, phát huy lợi thế từng địa bàn cụ thể, đảm bảo xanh, sạch, đẹp, thân thiện và hài hòa với thiên nhiên. Duy trì và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ để giảm thiểu tác hại do thiên tai, cải thiện môi trường, giảm phát thải; áp dụng các biện pháp canh tác thích nghi với từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.