15/02/2021 08:24
Đường nông thôn ấp Bãi Xào Chót, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú. Ảnh: BÁ THI
Nhiệm kỳ 2015-2020, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự nỗ lực phấn đấu, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành cùng sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, nên mạng lưới cơ sở giáo dục nghề, các thiết bị dạy nghề được đầu tư, chương trình, nội dung đào tạo được cập nhật, đổi mới, các chính sách hỗ trợ, đào tạo người lao động đạt được nhiều kết quả, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 67%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ 33%, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp còn 2,5%. Hàng năm, tạo việc làm mới cho 23.000 lao động, trong đó gần 3.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 04 lần so giai đoạn trước.
Hệ thống chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội ngày càng được tăng cường, hoàn thiện và hiệu quả hơn; người nghèo tiếp cận được đầy đủ các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo trong thời gian qua còn một số mặt hạn chế, chưa thật sự bền vững, còn tình trạng tái nghèo, nghèo phát sinh; một bộ phận hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, ý chí và quyết tâm vươn lên thoát nghèo chưa cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhưng phần lớn là dạy nghề ngắn hạn; trình độ trung cấp và cao đẳng nghề còn thấp, chỉ đáp ứng lao động giản đơn cho phát triển ngành, nghề nông thôn, doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cơ cấu bậc đào tạo chưa đạt theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Nguồn lực xã hội hóa đầu tư giáo dục nghề nghiệp, việc làm còn hạn chế, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng; sức cạnh tranh việc làm của lao động còn hạn chế, chậm thích ứng với nhu cầu thị trường lao động ngoài nước.
Để khắc phục tình trạng trên, giai đoạn 2021 - 2025, các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị cần tập trung huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể như sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.
Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, mọi tầng lớp Nhân dân đặc biệt là người nghèo, nhằm thay đổi nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, loại bỏ tư tưởng trông chờ vào các chính sách của Nhà nước mà phải sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Ba là, hàng năm triển khai kịp thời, chính xác công tác điều tra cung cầu lao động, thị trường lao động, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới áp dụng cho giai đoạn 2021-2025.
Bốn là, thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ đầu tư cho công tác giảm nghèo, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng để tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Tập trung nguồn lực thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, phát triển kinh tế cho các đối tượng nghèo; chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Giai đoạn 2015 - 2020: Từ 13,23% năm 2015 giảm còn 1,67% cuối năm 2020 (bình quân giảm trên 2,3%/năm); tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm còn 3,92% (bình quân giảm khoảng 4%/năm); đến cuối năm 2019, Trà Vinh không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Giai đoạn 2021 -2025: Huy động nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm 2/3 quy mô hộ nghèo so với đầu năm 2021. |
Năm là, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để giúp họ thoát nghèo bền vững. Chú trọng hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, đa dạng nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay, các chương trình, dự án để phát triển sản xuất; hướng dẫn hộ nghèo có kế hoạch sử dụng vốn vay hiệu quả.
Sáu là, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, mô hình sinh kế, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; triển khai các mô hình hợp tác, liên kết với giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Khuyến khích nhà đầu tư phát triển vào nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để tạo thêm việc làm mới cho người dân địa phương; tích cực tham gia thị trường lao động trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu lao động; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo nghề và chủ động giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Bảy là, tổ chức tốt công tác đào tạo nghề cho người lao động ở nông thôn, nhất là người lao động thuộc nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số (chú trọng đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và khả năng của từng người lao động); đồng thời, gắn với hoạt động vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm.
Tám là, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, nhất là cán bộ công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển; phát triển thị trường lao động, động viên người lao động tự tạo việc làm.
Chín là, thường xuyên kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chính sách, dự án, giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo để có giải pháp điều chỉnh, bổ sung, uốn nắn những hạn chế, bất cập, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Hàng năm có sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo và định hướng công tác này cho năm tiếp theo.
NGUYỄN VĂN KHIÊM
(Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.