19/11/2020 07:30
Nông dân Phạm Văn Quang thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình trồng ổi nữ hoàng xen cóc
Nhà vườn Phạm Văn Quang với giống ổi nữ hoàng cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: HỮU HUỆ
Với diện tích gần 2,5ha trồng nhãn da bò, nhưng từ năm 2015, do ảnh hưởng của bệnh chỗi rồng (bệnh đầu lân) trên cây nhãn làm thiệt hơn 80% diện tích nhãn của gia đình ông Phạm Văn Quang, ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè. Qua tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, năm 2016 ông chuyển đổi 01ha nhãn sang trồng chuyên canh giống ổi nữ hoàng, diện tích còn lại được trồng xen cóc với chanh… liên tiếp 03 năm, do giá ổi nữ hoàng ổn định ở mức khá cao (từ 7.000-10.000 đồng/kg), mô hình trồng ổi của gia đình ông cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Võ Trường An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Ngãi cho biết: trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, mô hình trồng ổi nữ hoàng xen canh với các cây trồng khác hay chuyên canh đều mang lại thu nhập rất cao; đặc biệt là một số giống ổi mới như ổi ru bi, ổi nữ hoàng người tiêu dùng ưa chuộng và giá cao gấp 1,5-02 lần so với giống ổi Đài Loan. Với vai trò là Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Giồng Nổi ông Quang đã hỗ trợ cho nhiều nông dân khác đến học hỏi kinh nghiệm về trồng ổi và chiết nhánh ổi để cung cấp cho các nông dân có nhu cầu trồng…
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, từ năm 2017 đến nay, tại ấp Giồng Nổi đã có khoảng 40ha đất vườn trồng cây có múi, nhãn già cỗi và đất vườn tạp được nông dân chuyển sang xen canh cây ổi, cây cóc… mô hình này đang mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Theo nhà vườn Phạm Văn Quang, để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, nhà vườn phải tính toán kỹ trong chọn cây con giống, phù hợp với nhu cầu thị trường; sản xuất theo tính kết hợp để tận dụng hiệu quả các diện tích chuyển đổi. Hiện ấp Giồng Nổi có trên 60% nông dân trồng ổi xen với chanh hay cóc; riêng gia đình chọn mô hình trồng xen 02 giống ổi là nữ hoàng với ru bi, trong này ổi ru bi mới được 10 tháng tuổi, đầu năm 2021 sẽ cho thu hoạch và giá bán hiện nay từ 14.000-15.000 đồng/kg. Nếu thành công với giống ổi ru bi sẽ giúp cho nhiều nhà vườn tăng thu nhập rất cao (gấp 03 lần so với các cây trồng khác).
Nông dân tiêu biểu Tô Ba
Ông Tô Ba chăm sóc đàn bỏ. Ảnh: LÂM THY
Cùng ông Mai Văn Bảnh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Phường 9, thành phố Trà Vinh chúng tôi đến tìm ông Tô Ba, tọa lạc tại Khóm 5.
Bên mấy ly trà còn bốc khói, người nông dân sinh năm 1964 cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại Khóm 5, Phường 9. Lớn lên cùng với ông bà, cha mẹ cũng với nghề nông là chính, nên tuổi thơ ông gắn liền với ruộng đồng. Học đến hết lớp 9, ông xuất gia vào chùa. 04 năm tu học tại chùa Kompong Chrây (chùa Hang), ông được truyền đạt từ những kiến thức Phật học đến chữ viết truyền thống của người Khmer… Hoàn tục trở về gia đình, ông Tô Ba lập gia đình và chí thú làm ăn. Bởi theo ông, không có thứ tài sản nào quý giá hơn những tài sản do chính sức lao động mình tạo ra. Vừa chăn nuôi, vừa làm ruộng trên mấy công đất do cha mẹ “chia phần”, tích lũy dần, đến nay vợ chồng ông Tô Ba đã có trên 02ha đất ruộng tọa lạc tại Phường 9, thành phố Trà Vinh và xã Đa Lộc, huyện Châu Thành.
Cùng với việc sản xuất 03 vụ lúa mỗi năm, ông Tô Ba còn sở hữu đàn heo và gần 10 con bò vỗ béo tại nhà. Riêng vợ ông thì có thêm nghề nấu rượu truyền thống để tận dụng lượng phế phẩm bổ sung thêm thức ăn cho đàn heo và đàn bò. Đặc biệt, thời gian gần đây, ông Tô Ba còn đầu tư thêm dịch vụ máy chà lúa mi-ni; chủ yếu dùng chà lúa cho gia đình phục vụ bữa ăn hàng ngày và nấu rượu. Thỉnh thoảng, ông mới có thời gian rảnh để chà gạo cho một vài người hàng xóm.
Quanh năm tất bật với việc sản xuất lúa và chăn nuôi… đổi lại mức thu nhập của gia đình ông Tô Ba hiện khá ổn định. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, trung bình mỗi năm, gia đình ông lợi nhuận trên 350 triệu đồng. Ông Tô Ba có nhiều năm liền được thành phố Trà Vinh công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” và mới đây, cũng danh hiệu ấy, nhưng ông được Hội Nông dân Trà Vinh công nhận đạt cấp tỉnh; ông vinh dự được chọn tham dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Trà Vinh lần thứ V, giai đoạn 2020 - 2025; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Không dừng lại ở thành công của riêng mình, thời gian qua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” - Tô Ba còn sẵn lòng chia sẻ, hướng dẫn cho nhiều nông dân còn khó khăn trong phường để họ cùng thoát nghèo vươn lên. Đối với công tác an sinh xã hội ở Phường 9, ông là tấm gương sáng trong việc đóng góp vật chất mỗi khi phường có cuộc vận động. Trong gia đình, ông Tô Ba là người chồng, người cha và người ông mẫu mực của 03 người con cùng 05 đứa cháu. Trong đó, 03 người con (02 gái, 01 trai) của ông đến nay cũng có việc làm ổn định tại UBND Phường 9 và Công ty Cổ phần Công trình đô thị Trà Vinh…
Ông Trần Văn Đực với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp
Sau nhiều năm gầy dựng, đến nay ông Trần Văn Đực, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang đã có khoảng 15ha đất nuôi tôm công nghiệp, trang trại heo với 420 con sinh sản và 700 heo thịt kết hợp với nuôi cá các loại, tổng thu nhập hàng năm vài tỷ đồng.
Ông Đực cho biết: sau khi lập gia đình ông tự lập ra riêng với nghề nuôi heo sinh sản, heo thịt và kinh doanh thuốc thú y, thức ăn vừa giảm chi phí trong chăn nuôi vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Khi tích cóp được số vốn, ông mua đất ở xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang mở trang trại nuôi heo cho đến nay. Nhờ khéo léo kinh doanh, chịu khó học hỏi phương pháp và đúc kết kinh nghiệm trong chăn nuôi và nhân rộng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trên diện tích 04ha.
Năm 2019, dù bị ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, nhưng nhờ áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, đàn heo nuôi không bị ảnh hưởng nên ông duy trì đàn nuôi đến tháng 5/2020 xuất bán 5.000 con, lợi nhuận không nhiều do ảnh hưởng dịch bệnh, giá heo sụt giảm nên kéo dài thời gian nuôi dồn nhiều đợt heo xuất bán 01 lần. Khoảng 05 tháng gần đây, giá heo tăng cao, gia đình ông có nguồn thu lớn. Hiện nay, ông đã đầu tư mở rộng xây dựng thêm 03 trại nuôi heo cai sữa, heo có chửa, heo đẻ với tổng đàn hiện có 1.120 con heo con, heo thịt, heo nái.
Song song với kinh tế trang trại heo, ông còn áp dụng mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ với hình thức trải bạt bờ và ống dẫn ô-xy đáy ao,… trên diện tích 11ha. Theo ông Đực, kinh tế chính của gia đình dựa vào nghề nuôi heo trang trại kết hợp với kinh doanh thuốc, thức ăn thú y. Nhờ nguồn thu nhập này, 16 năm trước, ông mua 2,5ha đất lúa đào ao sang nuôi tôm sú tại ấp La Bang, xã Long Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm đầu chuyển đổi tôm luôn đạt sản lượng cao, lợi nhuận hàng năm vài trăm triệu đồng, có năm hơn 01 tỷ đồng. Nhận thấy nghề nuôi thủy sản tuy tính rủi ro cao nhưng nhanh làm giàu, ông tiếp tục mua thêm 8,5ha đất mở rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp chủ yếu tôm sú và tôm thẻ chân trắng và đầu tư kinh doanh thêm mặt hàng thức ăn thủy sản. Với 11ha đất nuôi tôm, ông thiết kế 06 ao nuôi, 08 ao lắng, còn lại xây dựng hầm biogas để xử lý nước thải. Những năm gần đây, tình hình nuôi tôm khó khăn, giá tôm biến động không ngừng, thiên tai, dịch bệnh,… nên vụ nuôi năm 2020 ông thả nuôi 06 ao tôm thẻ, sản lượng đạt 13 tấn, giá bán 73.000 đồng/kg (100 con tôm/kg), lợi nhuận hơn 300 triệu đồng, hiện ông đang cải tạo ao nuôi chuẩn bị thả nuôi vụ mới.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Đực là mạnh thường quân tích cực đóng góp thường xuyên vào quỹ an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Với tinh thần tương thân tương ái, hơn 10 năm qua, ông đã đóng góp từ 200 - 300 triệu đồng hỗ trợ địa phương xây dựng đường nông thôn, nhà ở, học bổng, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo, hộ nghèo. Với những đóng góp đó, ông Đực nhận được nhiều bằng khen, giấy khen trong phong trào khuyến học khuyến tài và phong trào thi đua yêu nước.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.