15/10/2020 13:00
Anh Thạch Nạn (bên phải) chăm sóc đàn bò chuẩn bị xuất bán.
Hiệu quả từ vốn vay ưu đãi
Năm 2005, anh Nguyễn Chí Dũng, ngụ ấp Ô Răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, anh xuất ngũ và học nghề hàn ở Trường Dạy nghề số 9 (nay là Trường Cao đẳng nghề số 9). Tuy nhiên, do không có vốn nên anh đi làm công.
Anh Dũng kể: "Năm 2016, khi tham gia huấn luyện dự bị động viên (DBĐV), tôi được dự buổi tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho dân quân tự vệ (DQTV), DBĐV do Ban CHQS huyện tổ chức. Sau đó, tôi với 04 anh em đều là bộ đội xuất ngũ bàn bạc thống nhất vay 100 triệu đồng, lãi suất 7,92%/năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở cơ sở hàn sắt “Chí Dũng”. Ban đầu khó khăn vì thiếu máy móc, anh em chưa rành nghề nên tôi vừa quản lý vừa hướng dẫn. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu hàn tiện của người dân và cũng tạo thương hiệu, chúng tôi tranh thủ làm cả buổi tối. Hiện mỗi tháng thu nhập bình quân trên 07 triệu đồng/người”.
Năm 2017, anh Thạch Nạn (dân quân thường trực Ban CHQS xã Hiệp Hòa), được vay vốn ưu đãi 100 triệu đồng làm chuồng và mua 05 con bò giống (bò Pháp kem) về nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc, sau hơn một năm, mỗi con đều đạt tiêu chuẩn về trọng lượng xuất bán, giá cả tương đối, vì vậy sau khi trừ chi phí, anh lãi hơn 80 triệu đồng. Đến giờ tôi không chỉ đã trả xong vốn vay mà còn dư để lo cho gia đình” anh Nạn chia sẻ.
Với anh Kim Hồng Cường, ấp Sóc Cụt, xã Trường Thọ, năm 2018 anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự và đứng trước nhiều lựa chọn việc làm. Anh Cường phấn khởi: "Tôi nhờ Ban CHQS huyện giới thiệu vay vốn ưu đãi 120 triệu đồng; đăng ký học tiếng Nhật tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Trà Vinh và làm các thủ tục xuất khẩu lao động. Hiện nay, mọi việc đã hoàn tất, đợi khi tình hình dịch Covid-19 ổn định tôi sang Nhật lao động 03 năm".
Cạnh nhà anh Cường, ông Kim Rộng (58 tuổi) có con trai là Kim Sâm Bô cũng là bộ đội xuất ngũ và sang Nhật Bản làm việc đầu năm 2019. Ông Rộng cho biết: “Sâm Bô học Trung cấp điện công nghiệp ở Trường Cao đẳng nghề số 9, được trường giới thiệu đi xuất khẩu lao động. Lương mỗi tháng trên 40 triệu đồng (gửi về 30 triệu đồng). Nhờ vậy, tôi đã trả hết nợ ngân hàng và dành dụm được số vốn”.
Ông Trần Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Trường Thọ cho hay: mô hình này không chỉ giúp quân nhân xuất ngũ cải thiện đời sống gia đình yên tâm chấp hành lệnh huy động. Đối với xã thì luôn đảm bảo đủ quân số khi huấn luyện, diễn tập. Chỉ tính riêng năm 2020, địa phương tiếp nhận 10 quân nhân xuất ngũ, trong đó có 02 trường hợp đăng ký xuất khẩu lao động, 03 trường hợp vào làm công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh; 11 cán bộ, chiến sĩ dân quân được vay vốn phát triển kinh tế, bình quân mỗi trường hợp khoảng 30 triệu đồng.
Không lãng phí nguồn lực lao động
Trung tá Ngô Tấn Nhật, Chính trị viên Ban CHQS huyện Cầu Ngang cho biết: trước thực trạng nhiều gia đình băn khoăn con em mình sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ làm gì, năm 2016, Ban CHQS huyện phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện xây dựng mô hình “Ký kết tiếp nhận tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình cho DQTV, DBĐV”. Theo đó, chúng tôi vận động các công ty có tiềm lực và Trung tâm Dịch vụ việc làm Trà Vinh ký kết, tiếp nhận đối tượng này nếu có nhu cầu. Từ đó đến nay, chúng tôi tổ chức được 07 đợt, tư vấn gần 1.500 lượt người.
Để mô hình phát triển sâu rộng, các đơn vị tổ chức tuyên truyền, giới thiệu vào ngày hội giao quân, tiếp nhận quân nhân hoàn thành NVQS, kết nạp DQTV, huấn luyện DBĐV tập trung… nội dung tư vấn tập trung hướng nghiệp việc làm, xuất khẩu lao động và giới thiệu vay vốn ưu đãi. Qua đó, năm 2018 và 2019 có 17 quân nhân dự bị và 06 dân quân xuất khẩu lao động, với mức thu nhập từ 25 - 40 triệu đồng/người/tháng; các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp nhận 129 lao động, thu nhập bình quân 07 triệu đồng/người/tháng.
“Khi tuyển chọn đối tượng này, các doanh nghiệp vừa yên tâm về sức khỏe, ý thức tổ chức kỷ luật, vừa bổ sung lực lượng tự vệ có chất lượng. Năm 2020, ngân hàng xét duyệt cho 34 trường hợp vay vốn ưu đãi trên 1,1 tỷ đồng để học nghề, chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán…”, ông Trịnh Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh nói.
Xây dựng thành công và duy trì có hiệu quả mô hình “Ký kết tiếp nhận tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho DQTV, DBĐV” của Ban CHQS huyện Cầu Ngang là cách làm sáng tạo, thể hiện sự năng động, nhạy bén trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Đây cũng là chìa khóa quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết tình trạng lãng phí nguồn lực lao động.
Bà Trần Thị Kim Chung, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang khẳng định: mô hình này thành công, không chỉ là số lượng mà còn được đánh giá trên tiêu chí người lao động muốn gắn bó lâu dài với công ty. Vì vậy, chúng tôi tập trung vận động các doanh nghiệp có tiềm lực, sức hấp dẫn cam kết tiếp nhận; cũng như hỗ trợ cho các đối tượng này giảm nghèo bền vững. Qua đó, lựa chọn những cách làm hiệu quả để nhân rộng trong Nhân dân".
Bài, ảnh: QUANG TRƯỜNG- HỮU HIỆP
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.