13/02/2021 08:42
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 02/9/1945, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chính quyền cách mạng được thành lập trên phạm vi cả nước. Chỉ 03 tuần lễ sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp núp bóng quân đội Anh, tước vũ khí của quân đội Nhật ở Nam Bộ, quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 23/9/1945, Nhân dân Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân Nam Bộ bước vào thời kỳ ác liệt, giặc Pháp chiếm đóng các đô thị toàn Nam Bộ, ngày 27/6/1951, Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ ban hành Nghị định số 174/NB-51 nhập tỉnh Trà Vinh với tỉnh Vĩnh Long, thành lập tỉnh Vĩnh Trà.
Với lực lượng đông và mạnh, quân Pháp ráo riết hành quân đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, thiết lập hệ thống đồn bót dày đặc, cấm chốt nhiều nơi trong các khu căn cứ, làm cho Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Trà luôn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, buộc lực lượng chủ lực Quân khu 8 của ta lúc bấy giờ phải phân tán tăng cường cho cơ sở và một bộ phận rút về các xã ven biển huyện Cầu Ngang để làm nòng cốt xây dựng và bảo vệ căn cứ Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Trà. Ngày 17/7/1951, Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ tiếp tục ban hành Nghị định số 197/NB-51 điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Vĩnh Trà. Theo Nghị định này, tỉnh Vĩnh Trà thành lập huyện Duyên Hải để xây dựng căn cứ kháng chiến cho Tỉnh ủy Vĩnh Trà.
Tháng 7/1951, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Trà được tổ chức tại ấp Cồn Cù, xã Trường Long Hòa quyết định nhiều vấn đề quan trọng đối với việc chỉ đạo kháng chiến trên địa bàn Vĩnh Trà, trong đó có việc tách 03 xã ven biển: Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa, Long Toàn (huyện Cầu Ngang) và xã Long Vĩnh (huyện Trà Cú), thành lập huyện Duyên Hải. Sự ra đời của huyện Duyên Hải có vị trí đặc biệt quan trọng suốt tiến trình lịch sử kháng chiến của hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Với tầm quan trọng đặc biệt đó, Tỉnh ủy Vĩnh Trà phân công 02 đồng chí Tỉnh ủy viên trực tiếp chỉ đạo xây dựng huyện Duyên Hải, chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Duyên Hải và đồng chí Phạm Huy Luông (1916 - 2001), Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Trà Vinh từ năm 1947 được lãnh đạo Ban Chấp hành Khu ủy Tây Nam Bộ chỉ định là người đứng đầu Ban lãnh đạo huyện Duyên Hải với chức vụ Bí thư Huyện ủy.
Cuộc kháng chiến 09 năm chống thực dân Pháp của Nhân dân Việt Nam kết thúc bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954. Hiệp định Genève 20/7/1954 về khôi phục hòa bình, bãi bỏ quyền cai trị của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương được ký kết. Tỉnh ủy Vĩnh Trà hoàn thành nhiệm vụ lịch sử kháng chiến giao phó. Nghị định số 147/NB-51, ngày 27/6/1951, của Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ ban hành thành lập tỉnh Vĩnh Trà cũng tự nhiên hết hiệu lực. Tỉnh ủy Vĩnh Trà tự tách ra thành hai Tỉnh ủy Vĩnh Long và Trà Vinh. Huyện Duyên Hải - căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Trà từ đó cũng đã có biết bao đổi thay thăng trầm theo lịch sử.
Sau khi Tỉnh ủy Vĩnh Trà tự tách ra thành hai Tỉnh ủy Vĩnh Long, Trà Vinh trở lại hoạt động trên địa bàn 02 tỉnh (1955), huyện Duyên Hải cũng được nhập lại với huyện Cầu Ngang, đồng chí Dương Quang Danh (Năm Nhọn) được Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ định giữ chức Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, tiếp tục lãnh đạo Nhân dân trong huyện bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy cam go.
Ngày 22/10/1956, Tổng thống đệ nhất Việt Nam cộng hòa Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 143/NV ấn định lại các tỉnh Nam phần Việt Nam. Từ sắc lệnh này, ngày 03/01/1957, Bộ Nội vụ Việt Nam cộng hòa ban hành Nghị định số 03-NĐ/HC/NĐ phân định bộ máy hành chính tỉnh Trà Vinh. Theo nghị định này, bộ máy hành chính của chính quyền Việt Nam cộng hòa ở tỉnh Trà Vinh lúc này có thêm quận Long Toàn (gần giống với địa giới hành chính huyện Duyên Hải trước đó) gồm các xã Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa, Long Toàn, Long Vĩnh và có thêm xã Long Hữu, trụ sở quận lỵ Long Toàn đặt tại xã Long Toàn theo Nghị định số 39/BNV/HC của Bộ Nội vụ chính quyền Việt Nam cộng hòa.
Tháng 02/1962, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định tái lập huyện Duyên Hải trên cơ sở tách ra từ huyện Cầu Ngang có địa giới hành chính gần giống với địa giới hành chính quận Long Toàn của Việt Nam cộng hòa, Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ định đồng chí Mai Hữu Phước (Năm Phương) là người đứng đầu Ban lãnh đạo huyện Duyên Hải với chức danh Bí thư Huyện ủy. Năm 1963, Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ định đồng chí Bùi Tự Do (Năm Sơn) giữ chứ Bí thư Huyện ủy Duyên Hải, đồng chí Mai Hữu Phước được Tỉnh ủy điều động sang công tác khác. Sau chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, Tỉnh ủy chỉ định đồng chí Trương Văn Ngà (Hai Lá) giữ chức Bí thư Huyện ủy Duyên Hải, đồng chí Bùi Tự Do được Tỉnh ủy điều động sang công tác khác. Năm 1969, huyện Duyên Hải được Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo nhập lại với huyện Cầu Ngang, Tỉnh ủy chỉ định đồng chí Dương Chí Hòa (Bảy Biến) giữ chức Bí thư Huyện ủy.
Tháng 10/1971, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định tái lập huyện Duyên Hải trên cơ sở tách ra từ huyện Cầu Ngang, đơn vị hành chính và địa giới hành chính huyện Duyên Hải mới tái lập vẫn giữ nguyên hiện trạng như lúc nhập vào. Theo quyết định này, Tỉnh ủy Trà Vinh bổ nhiệm người đứng đầu Ban lãnh đạo huyện Duyên Hải là đồng chí Trương Văn Ngà với chức danh Bí thư Huyện ủy. Năm 1973, Tỉnh ủy Trà Vinh điều động đồng Trương Văn Ngà sang công tác khác đồng thời chỉ định đồng chí Lâm Tích Cực (Ba Cực), giữ chức Bí thư Huyện ủy Duyên Hải đến tháng 02/1976.
Hai mươi bốn năm (1951 - 1975), gánh vác nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ căn cứ kháng chiến cho Tỉnh ủy Trà Vinh, Tỉnh ủy Vĩnh Long, Tỉnh ủy Vĩnh Trà, Tỉnh ủy Vĩnh Trà Bến, nhiều bộ phận quan trọng của cấp ủy Đảng và lực lượng vũ trang Quân khu 7, Quân khu 8, Quân khu 9, quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định… Đảng bộ và Nhân dân huyện Duyên Hải với sự chỉ đạo, chỉ huy của 11 đồng chí Bí thư Huyện ủy, đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ lịch sử giao phó cùng với sự hy sinh anh dũng của hơn 2.300 liệt sĩ, gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, được công nhận có thành tích xuất sắc trong kháng chiến, huyện có hơn 330 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 08 tập thể và 07 cá nhân được Nhà nước tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang”. Huyền thoại trong giai đoạn này là Nhân dân Duyên Hải, với sự chỉ đạo của Khu ủy Tây Nam Bộ, đã mở đường biển Bắc - Nam, vận chuyển vũ khí cho kháng chiến.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi. Tháng 02/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành nghị định hợp nhất hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long thành tỉnh Cửu Long. Tháng 02/1976, huyện Duyên Hải một lần nữa nhập lại với huyện Cầu Ngang thuộc đơn vị hành chính tỉnh Cửu Long, đồng chí Đào Minh Huấn (Út Huấn) được Tỉnh ủy chỉ định giữ chức Bí thư Huyện ủy. Tháng 7/1977, Tỉnh ủy điều động đồng chí Nguyễn Đức Toàn (Tư Toàn) đến giữ chức Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, đồng chí Đào Minh Huấn được Tỉnh ủy phân công công tác khác; tháng 10/1977, Tỉnh ủy điều động đồng chí Dương Chí Hòa đến giữ chức Bí thư Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Đức Toàn được Tỉnh ủy điều động sang công tác khác; tháng 10/1979, Tỉnh ủy chỉ định đồng chí Đào Minh Huấn giữ chức Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, đồng chí Dương Chí Hòa được Tỉnh ủy phân công công tác khác.
Do yêu cầu quản lý hành chính Nhà nước trong tình hình mới, ngày 15/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Quyết định số 69-HĐBT tách 07 ấp: Cồn Ông, Giồng Giếng, Láng Cháo, Mù U, Cồn Cù, Hồ Thùng và Động Cao, xã Trường Long Hòa, thành lập xã Dân Thành, huyện Cầu Ngang, Trung tâm Hành chính Đảng ủy và UBND xã Dân Thành đặt tại ấp Láng Cháo.
Cũng theo Quyết định trên, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tách các ấp: Đình Cũ, Long Khánh, Vĩnh Khánh, Phước Hội, xã Long Toàn và ấp Cái Đôi, xã Long Vĩnh, thành lập xã Long Khánh thuộc huyện Cầu Ngang, Trung tâm hành chính xã Long Khánh đặt tại ấp Long Khánh.
Ngày 29/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Quyết định số 98-HĐBT, tái lập huyện Duyên Hải trên cơ sở tách ra từ huyện Cầu Ngang, có 08 xã gồm: Long Toàn, Long Hữu, Long Khánh, Dân Thành, Trường Long Hòa, Ngũ Lạc, Long Vĩnh, Hiệp Thạnh. Tỉnh ủy Cửu Long chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời huyện Duyên Hải và bổ nhiệm đồng chí Đào Minh Huấn, nguyên Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang giữ chức Bí thư Huyện ủy Duyên Hải.
Ngày 27/3/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 86-HĐBT, tách ấp Động Cao và ấp Hồ Thùng, xã Dân Thành; tách các ấp Hồ Tàu, Phước Thiện, xã Long Vĩnh thành lập xã Đông Hải, huyện Duyên Hải.
Tháng 5/1992, tỉnh Trà Vinh được tái lập theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII (ngày 26/12/1991). Từ đó, huyện Duyên Hải đã trở thành 01 trong 08 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Trà Vinh.
Thực hiện Nghị định số 62/NĐ/CP, ngày 07/10/1995 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xã Long Toàn tách một phần diện tích và dân số 02 ấp Phước Trị và Long Thạnh, thành lập thị trấn Duyên Hải, huyện Duyên Hải.
Địa giới hành chính huyện Duyên Hải lúc bấy giờ được Lịch sử Đảng bộ huyện Duyên Hải do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Duyên Hải ấn hành năm 2000 mô tả bằng 04 câu thơ của tác giả Trần Điền như sau:
Hình dáng quê tôi như con tàu
Căng buồm lộng gió dưới trời cao
Khoan thay cởi sóng - chào biển cả
Dào dạt trong lòng những khát khao!
Ngày 27/12/2009, Nhân dân huyện Duyên Hải cùng với Chính phủ khởi công Dự án xây dựng Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, góp phần tích cực thúc đẩy giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 08/6/2011, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị quyết số 85/NQ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính xã Long Khánh, thành lập thị trấn Long Thành (thị trấn thứ 2) thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Ngày 15/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị quyết số 934/NQ-UBTVQH13 “về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Trà Cú, huyện Duyên Hải để thành lập thị xã Duyên Hải và 02 phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh”. Theo Nghị quyết này, Quốc hội điều chỉnh tách 02 xã Đôn Châu và Đôn Xuân, huyện Trà Cú nhập vào huyện Duyên Hải, sau đó, tách các xã Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa, Dân Thành, Long Hữu, Long Toàn và thị trấn Duyên Hải, huyện Duyên Hải thành lập thị xã Duyên Hải. Như vậy, sau khi thành lập thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải còn lại các xã: Ngũ Lạc, Đôn Châu, Đôn Xuân, Long Vĩnh, Long Khánh, Đông Hải và thị trấn Long Thành.
70 mùa xuân đã đi qua (1951 - 2021), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Duyên Hải qua 12 lần đại hội, các thế hệ đảng viên, cấp ủy viên và 24 đồng chí Bí thư Huyện ủy, gồm đồng chí: Phạm Huy Luông, Dương Quang Danh, Nguyễn Văn Tiết, Lâm Văn Vui, Lê Văn Nhung, Mai Hữu Phước, Bùi Tự Do, Trương Văn Ngà, Dương Chí Hòa, Lâm Tích Cực, Đào Minh Huấn, Nguyễn Đức Toàn, Huỳnh Văn Đảnh, Bùi Quang Huy, Nguyễn Ngọc Ẩn, Dương Hoàng Nghĩa, Nguyễn Văn Ngó, Lê Trọng Vũ, Nguyễn Văn Cách, Phạm Văn Rê, Kiên Quân, Kim Rương, Phạm Thành Lập và Lê Vũ Phương, các đồng chí đã lần lượt hoàn thành vẻ vang trách nhiệm vinh quang lịch sử giao phó, cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, xây dựng huyện Duyên Hải nghèo khó và lạc hậu, thành đô thị trẻ, công nghiệp, năng động và hiện đại bên bờ Biển Đông. |
Vị trí địa lý huyện Duyên Hải hiện nay (năm 2021) nằm về phía Nam của tỉnh Trà Vinh, tại bờ Đông của cửa Định An, Sông Hậu, cách thành phố Trà Vinh gần 50km về hướng Đông Nam. Huyện có bờ biển dài khoảng 25km nằm trong chiều dài 65km bờ biển của tỉnh, có tuyến Quốc lộ 53 đi qua kết nối với Khu Kinh tế Định An, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, phía Đông giáp thị xã Duyên Hải; phía Tây giáp huyện Trà Cú và tỉnh Sóc Trăng; phía Nam giáp Biển Đông; phía Bắc giáp huyện Cầu Ngang và huyện Trà Cú. Huyện Duyên Hải có diện tích đất tự nhiên hơn 30.000ha, dân số gần 90.000 người, là nơi hội tụ đặc trưng văn hóa 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, hiện có 14 ngôi chùa Khmer, có lối kiến trúc cổ rất độc đáo.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Duyên Hải lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổng kết: Năm 2020, gần 90.000 dân huyện Duyên Hải có thu nhập bình quân gần 47 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,07% dân số toàn huyện.
Bước vào xuân Tân Sửu 2021- bước vào mùa xuân thứ 70 tràn đầy khát vọng, bước vào kỷ nguyên kinh tế biển của đất nước, huyện Duyên Hải lạc quan với niềm tin:
Trà Vinh sắp xếp chọn chúng tôi
Liệt oanh người lính đứng cuối trời
Thề cùng non nước - thề cùng Đảng
Duyên Hải đây rồi sẽ đẹp tươi!
|
Ngày 30/5/2015, đoàn cán bộ hưu trí tỉnh Vĩnh Long có ông Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long), ông Hồ Minh Mẫn (Mười Mẫn - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cửu Long), ông Nguyễn Chiến Thắng (Sao Vàng), ông Nguyễn Thanh Hùng (Tư Hùng) - nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long, ông Đoàn Hải Nhân (Phù Sa - nguyên Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long), cùng các ông Bùi Quang Huy (Chín Nhỏ - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh), ông Dương Tấn Hội (Chín Hòa - nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh), ông Đỗ Hoàng Thao (Bảy Thao), ông Trần Văn Kiếu (Hai Kiếu) - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Duyên Hải, đến thăm cơ quan Thị ủy Duyên Hải (địa bàn Tỉnh ủy Vĩnh Long có thời bám trụ trong kháng chiến chống thực dân Pháp); Đồng chí Đỗ Quốc Hùng, đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Phó Bí thư Thị ủy tiếp đoàn trong bầu không khí thân mật và kính trọng. Ảnh: TRẦN ĐIỀN
|
(*) Biên khảo từ các nguồn tư liệu:
- Địa phương chí Vĩnh Bình - Tòa hành chính Vĩnh Bình ấn hành năm 1973.
- Lịch sử tỉnh Trà Vinh tập I, 1732 - 1945 - Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh ấn hành năm 1995.
- Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Duyên Hải anh hùng giai đoạn 1930 - 1975 - Ban Tuyên giáo Huyên ủy Duyên Hải ấn hành năm 2000.
- 100 năm địa danh - địa giới tỉnh Trà Vinh (1900 - 2000) - Trần Dũng - Tạp chí Khoa học Trường Đại học Trà Vinh năm 2000.
- Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh - UBND tỉnh Trà Vinh 2014.
- Một góc chiến trường ngày ấy tôi qua - Trần Điền - NXB Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh 2015.
- Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân huyện Duyên Hải giai đọan 1975 - 2015 – NXB Thông tin Truyền thông năm 2017.
- Và tư liệu điền giả của người viết.
Tùy bút: TRẦN ĐIỀN
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.