29/03/2021 07:24
Chị Đặng Thị Diễm Thi bên những sản phẩm mới của cơ sở.
Trao đổi với chúng tôi, chị Diễm Thi cho biết, sau khi lập gia đình về Trà Vinh, chị có dịp đến tỉnh Bình Dương và phát hiện nghề làm thủ công truyền thống với các sản phẩm từ cây lục bình, cây tre… sau đó, khi đến các huyện thuộc tỉnh Trà Vinh, chị Diễm Thi lại nhận thấy có nhiều lao động nữ làm gia công nghề đan giỏ nhựa và lột hạt điều.
Nhen nhóm ý định chuyển nghề, chị quay trở lại Bình Dương quyết tâm học được nghề mới này và nhận nguyên liệu về Trà Vinh làm gia công. Nghề dạy nghề, được vài chuyến “nhận nguyên liệu - giao thành phẩm”, chị quyết định truyền nghề lại cho người lao động ở các huyện Cầu Kè, Châu Thành và thành phố Trà Vinh… Mất 04 tháng ròng rã vừa làm vừa truyền nghề, đến giữa năm 2019, Cơ sở mây tre lá Nhất Tâm chính thức ra đời sau những trợ giúp tích cực từ Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh thuộc Sở Công thương và các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ.
Đặc biệt, thực hiện “Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh” giai đoạn 2018 - 2022 do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Trà Vinh khởi xướng, đầu năm 2021, chị Đặng Thị Diễm Thi đã nhận được bằng khen của Tỉnh Đoàn Trà Vinh. Chia sẻ với chúng tôi về đề án này, chị Thi cho biết, xác định việc phát triển kinh tế là vấn đề quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giúp gia đình và bản thân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; góp phần cho xã hội ngày một phát triển; đất nước giàu đẹp, văn minh. Nhiều năm qua, bản thân luôn tâm huyết với ngành nghề mình chọn và quyết tâm khởi nghiệp trở lại. Từ đó, tôi không ngừng học hỏi, xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện để phát triển.
Cơ sở mây tre lá Nhất Tâm chuyên sản xuất sản phẩm thủ công được làm từ các vật liệu như: mây, tre, lục bình đan kết hợp với các gỗ, khung sắt… từ đó, cho ra đời các sản phẩm gồm: nón, túi xách, thảm, đồ gia dụng và các mẫu sản phẩm trưng bày khác được người tiêu dùng, nhất là các thị trường ngoài ngước ưa chuộng.
Với tâm huyết đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại địa phương ra khu vực và thế giới, tạo ra môi trường việc làm cho người dân dựa trên những nguyên liệu có sẵn tại địa phương, mỗi năm Cơ sở Nhất Tâm xuất khẩu sang các thị trường các nước, như Mỹ, Pháp, Hà Lan, Nga từ 5.000 - 8.000 bộ sản phẩm. Các sản phẩm này được làm hoàn toàn thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của những lao động, nghệ nhân đan đát, nhưng luôn mang lại độ sắc xảo, tinh tế, an toàn và chắc chắn, mang đầy cảm xúc nghệ thuật đến người sử dụng.
Hiện nay, mạng lưới lao động thạo nghề tham gia vào sản xuất các sản phẩm của Cơ sở mây tre lá Nhất Tâm lên đến hơn 400 người, tập trung tại các huyện trong tỉnh Trà Vinh. Bên cạnh việc tạo ra các sản phẩm cho cơ sở, chị Thi luôn thấu hiểu và đồng hành cùng người lao động. Từ đó, chị luôn có những chính sách ưu đãi, thu hút, hấp dẫn và khuyến khích nguồn lao động tại chỗ tham gia vào quá trình sản xuất, nhằm giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. Ngoài việc trả tiền công hấp dẫn cho công nhân, Cơ sở Nhất Tâm còn hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho những lao động hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian gần đây nhằm nâng cao kỹ thuật và khả năng tài chính, cơ sở Nhất Tâm còn được sự hỗ trợ từ Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh). Từ việc hỗ trợ này cơ sở còn nhận được sự kết nối với mạng lưới kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển các khâu trong chuỗi sản phẩm (sản xuất, tiêu thụ, chế biến, liên kết kinh doanh…). Qua đó, giúp cơ sở xây dựng và duy trì mạng lưới lao động tại chỗ, có thu nhập ổn định, các thợ đan được huấn luyện bày bản, thạo nghề, nhiệt tình và tâm huyết trong từng sản phẩm mình làm ra.
“Ăn nên làm ra”, chị Đặng Thị Diễm Thi khẳng định với chúng tôi, Cơ sở Nhất Tâm tiếp tục duy trì phối hợp với một cơ sở ở tỉnh Sóc Trăng trong việc gia công khung sắt. Về nguồn nguyên liệu sẽ cố gắng tận dụng từ nguồn địa phương, hạn chế các nguồn nhập về từ nơi khác. Việc làm này vừa giúp giảm chi phí đầu vào, vừa giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập nhờ cung cấp nguyên liệu. Đặc biệt, hướng tới, Cơ sở Nhất Tâm phấn đấu tự xuất khẩu sản phẩm, hạn chế lệ thuộc doanh nghiệp khác, để từ đó góp phần tăng thêm thu nhập cho sơ sở và tiền công cho lực lượng lao động tại địa phương.
Bài, ảnh: BÁ THI
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.