27/06/2021 08:07
Anh Trần Nguyên Bính. |
Đó là anh Trần Nguyên Bính, sinh năm 1989, hiện là chủ doanh nghiệp tư nhân Văn Chất tọa lạc tại ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành. Dù đã được các anh chị ở Huyện Đoàn Châu Thành kết nối để chúng tôi có thể đến thăm và tận mắt chứng kiến sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng phải mất thêm mấy lần hẹn mới gặp được chàng trai vừa bước sang tuổi 32 này.
Tiếp chúng tôi tại nhà kho với đầy ắp các loại nguyên liệu dùng để đan giỏ nhựa, khay nhựa, hộp chứa mỹ phẩm... anh Bính cho biết, từ khi doanh nghiệp thành lập vào năm 2015 đến nay doanh nghiệp luôn hoạt động tốt. Doanh nghiệp hiện quản lý trên 500 lao động nhàn rỗi trong và ngoài huyện Châu Thành. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chủ yếu được doanh nghiệp tạo ra là sản phẩm từ đan đác, khung chậu và vỏ nhựa khung 3D… đây là những sản phẩm được thị trường ưa chuộng, nhất là tại các thành phố lớn trong nước và ngoài nước; doanh thu của doanh nghiệp mỗi năm trên 01 tỷ đồng và lợi nhuận mỗi năm trên 300 triệu đồng.
Là một doanh nhân trẻ, anh Bính xác định rõ vai trò của mình và nhận thấy đời sống của một bộ phận ĐVTN ở địa phương còn nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định, việc làm thì không có, phải thường xuyên rời khỏi địa phương làm ăn xa… vì vậy, thời gian qua anh đã tập hợp, vận động gia đình có ĐVTN nhàn rỗi tham gia các lớp tập huấn về thủ công mỹ nghệ do chính anh truyền nghề để tạo việc làm, có thu nhập thêm ngoài chuyện ruộng rẫy của gia đình.
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, anh Trần Nguyên Bính đã tổ chức trên 20 lớp hướng dẫn truyền nghề về đan chậu, vỏ nhựa khung 3D cho hơn 300 lượt đoàn viên, hội viên và người lao động tham gia. Tính đến nay đã giải quyết cho hơn 700 lao động nhàn rỗi trong và ngoài xã Hưng Mỹ có thu nhập thường xuyên, góp phần ổn định cuộc sống gia đình với mức trên 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài lao động phổ thông, thời gian qua anh còn tổ chức hướng dẫn và tập huấn nâng cao tay nghề cho gần 40 ĐVTN nòng cốt tại địa phương giúp họ có thu nhập bình quân trên 3,5 triệu đồng mỗi tháng; năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, anh Bính đến tận các địa bàn ngoài huyện Châu Thành để hướng dẫn kỹ thuật cho người lao động, nhằm mở rộng quy mô sản xuất.
Anh Trần Nguyên Bính cho biết, từ kết quả trên anh nhận thấy nhu cầu về việc làm của người lao động nói chung và ĐVTN nói riêng, nhất là lao động nữ, việc tạo việc làm cho họ những lúc nhàn rỗi là rất cần thiết và phù hợp với nhiều địa phương. Mặt khác, việc làm này cũng góp phần trong công tác đoàn kết tập hợp thanh niên.
Về vấn đề này, chị Sơn Ngọc Ngoan, Bí thư Huyện Đoàn Châu Thành cho biết, hiện nay việc thiếu việc làm ở địa phương, dẫn tới nhiều thanh niên phải đi làm ăn xa gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương cũng như tổ chức Đoàn trong việc tập hợp đối tượng ĐVTN để quản lý. Theo đó, thời gian qua các cấp bộ Đoàn trong huyện Châu Thành đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho thanh niên, đồng thời khuyến khích các thanh niên có điều kiện mạnh dạn tham gia phong trào khởi nghiệp để phát triển kinh tế cho gia đình, đồng thời tạo việc làm cho những ĐVTN khác tại địa phương. Chị Sơn Ngọc Ngoan khẳng định, mô hình của anh Trần Nguyên Bính ở xã Hưng Mỹ là hướng đi đúng cần được phát huy.
Bên cạnh tạo việc làm cho ĐVTN, anh Bính cũng là cán bộ Đoàn năng nổ tại địa phương. Với vai trò Phó Bí thư Chi đoàn ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ, anh rất tâm huyết sẽ giúp đỡ, hỗ trợ cho nhiều thanh niên vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, thời gian qua, người cán bộ Đoàn trẻ này, đồng thời là thành viên câu lạc bộ khởi nghiệp của huyện còn góp nhiều công sức giúp địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các chính sách hỗ trợ liên quan về doanh nghiệp, khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo... Riêng 06 tháng đầu năm 2021, anh Bính đã giới thiệu phát triển 06 đoàn viên mới là lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương, nâng tổng số đến nay Chi đoàn ấp Bãi Vàng có 14 đoàn viên sinh hoạt thường xuyên.
Bài, ảnh: LÂM THY
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.