18/09/2020 10:53
Cầu nông thôn nối liền xã Châu Điền và xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè. Ảnh: HH
Trước đây, trong số 08 ấp của xã, trừ 02 ấp nằm cập Quốc lộ 54, các ấp còn lại không có đường giao thông, thậm chí người dân các ấp Rùm Sóc phía Đông, Trà Bôn và Xóm Lớn phía Tây có việc về xã phải đi vòng qua địa bàn xã khác, rồi mới vòng về xã nhà. Đó là những ngày nắng, còn khi trời đổ mưa thì… thôi, cứ ngồi nhà kiếm vài con cá cùng chai rượu cho hết buổi, hết ngày.
Còn nhớ, có lần tháp tùng với anh Bảy Thiên - Trưởng Công an huyện, cánh viết lách chúng tôi về thăm căn cứ kháng chiến Trà Ốt - Xóm Lớn, phải đi trên những chiếc xuồng con qua những con rạch ngoằn ngoèo. Chuyến về, phải ngồi chờ cả buổi đợi con nước thủy triều… Sản xuất chậm phát triển, đời sống người dân trong những xóm ấp, phum sóc Châu Điền vô cùng vất vả nhưng vẫn một lòng một dạ đi theo cách mạng. Tôi đã từng nghe chú Mai Văn Bộ (Tư Ú) - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, kể những câu chuyện cảm động về tấm lòng bà con Khmer Trà Bôn, Xóm Lớn… trong nhà không còn gạo ăn, đã giấu mọi người nửa đêm chèo ghe qua tận Phong Phú, Phong Thạnh mượn lúa về nuôi bộ đội. Tôi cũng từng nghe chú Diệp Chí Thành (Tám Thành) - nguyên Giám đốc Sở Thể dục Thể thao tỉnh kể chuyện má Thạch Thị Thanh, “tác giả kiêm đạo diễn và cũng là diễn viên chính” của cuộc đấu tranh chính trị “tản cư Phật” gây chấn động dư luận Nam Bộ những năm sau Đồng khởi…
Những người con của quê hương Châu Điền như chú Tư Ú, như chú Tám Thành hoặc những người từng một thời được người dân Châu Điền nuôi chứa như anh Bảy Thiên mà tôi từng tiếp xúc đều có chung nhận định: người Khmer Châu Điền nghèo lắm, thậm chí là “nghèo bền vững”; người Khmer Châu Điền kiên cường, bất khuất trong hai cuộc kháng chiến. Và các chú, các anh đều có cùng một ước mơ: bao giờ thì người Khmer Châu Điền thoát khỏi đói nghèo, vươn lên cuộc sống ấm no, khá giả như người dân các xã chung quanh Phong Phú, Hòa Ân…?
Tiếp đoàn văn nghệ sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trong chuyến thực tế sáng tác lần này tại cơ quan Đảng ủy xã có đầy đủ các anh chị Bí thư, Phó Bí thư thường trực và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Theo yêu cầu mà Bí thư Huyện ủy gởi gắm là phải báo cáo cho được sự chuyển biến toàn diện, những đổi thay căn cơ về kinh tế - xã hội và cuộc sống người dân, nhất là đồng bào Khmer trên con đường Châu Điền xây dựng thành công xã văn hóa - nông thôn mới. Thương các anh chị cán bộ Khmer trẻ, quen làm mà không quen nói, biểu báo cáo mà cứ ngồi cười, rồi ai hỏi gì thì trả lời bằng những con số cụ thể, không hề vòng vo đón trước rào sau. Thấy không thể khai thác gì thêm, tôi xin mấy cái báo cáo, rồi đề nghị anh Chủ tịch Thạch Vuône kiếm chiếc xe máy cùng tôi xuống các phum sóc làm một chuyến “thực địa”.
Điều ngạc nhiên đầu tiên của tôi khi tận mắt chứng kiến những đổi thay của Châu Điền là giao thông nông thôn. Những con đường nhựa về Rùm Sóc, Ô Mịch, rồi những con đường đal về Châu Hưng, Trà Bôn, Xóm Lớn… cùng những chiếc cầu bê-tông đã nối liên những xóm ấp, phum sóc với nhau, nối các ấp về xã, nối Châu Điền về thị trấn Cầu Kè và các xã chung quanh. Dọc theo con đường là đường điện cao thế, trung thế, hạ thế đưa nguồn điện lưới quốc gia về với từng hộ gia đình ở tận những phum sóc xa xôi nhất, kể cả những hộ mới ra riêng nằm giữa cánh đồng. Trên những con đường bê tông phẳng phiu ấy, những chiếc xe máy đời mới xuôi ngược nhau đưa các cụ già lên chùa lễ Phật, đưa trẻ nhỏ quần áo tinh tươm đến trường học chữ, đưa các anh chị thanh niên ra đồng chăm lúa… Chủ tịch Thạch Vuône khoe với tôi, xã Châu Điền bây giờ có 04 ngôi trường, từ trung học cơ sở, tiểu học và mẫu giáo, không chỉ tập trung tại xã mà có những điểm trường tại các ấp thuận tiện cho con em đến lớp. Khi tôi hỏi, Châu Điền bây giờ có bao nhiêu cử nhân? Anh cười rất vui:
- Cử nhân, kỹ sư, bác sĩ thì đếm không hết đâu. Hơn chục thạc sĩ với tiến sĩ rồi!...
Với những gì hiện ra trước mắt, trên đường đi thôi, tôi hiểu được con dường đi lên của Châu Điền. Có đường, có điện, có trường học… mà Nhà nước đầu tư như là tiền đề ban đầu thiết yếu để Châu Điền tự thân vận động để phát triển. Còn lại, và quan trọng nhất, là sự thay đổi trong nhận thức người dân. Trong điều kiện một xã có gần 80% dân số là đồng bào Khmer, sự đổi thay về nhận thức, chắc chắn là không dễ. Khi tôi đặt vấn đề này, Chủ tịch Thạch Vuône giải thích cách làm rất riêng của Châu Điền (mà qua câu chuyện, tôi chấp nối lại được chớ anh chẳng thể nào nói một mạch suôn sẻ như vậy được đâu):
- Châu Điền là một trong hai xã của huyện Cầu Kè được chọn làm điểm chỉ đạo XDNTM từ giai đoạn 2011 - 2016, trong đó Châu Điền là xã có đông đồng bào Khmer nên được chọn là điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. 05 năm triển khai mà cứ “trậm trầy trậm trật”, mà lý do quan trọng là bà con chưa thông, chưa đồng tình hưởng ứng. Vì vậy, bước vào giai đoạn 2016 - 2020, Đảng ủy Châu Điền chọn bước đi quan trọng nhất là khâu tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân. Cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chi bộ, chính quyền theo con đường hành chính từ xã xuống ấp, tới khu dân cư. Các đoàn thể theo con đường từ Hội, Đoàn xuống Chi hội, Chi đoàn tới tận tổ hội. Mặt trận tranh thủ vận động Người có uy tín trong nhân dân. Vẫn chưa đủ, Ban Chỉ đạo xã phối hợp với Mặt trận thường xuyên đến với 06 ngôi chùa Khmer trong xã. Khi vị sư cả cùng sư sãi và ban quản trị nhà chùa cùng tham gia tuyên truyền vận động lồng ghép trong những cuộc sinh hoạt tôn giáo thì bà con Khmer dễ dàng nghe theo, làm theo. Cứ vậy, từng bước một, từng vấn đề một, chậm mà chắc theo kiểu “mưa dầm thấm sâu”… Châu Điền đã thành công trong việc làm cho người dân, nhất là đồng bào Khmer hiểu được tại sao phải XDNTM? bản thân từng người, từng hộ gia đình, từng xóm ấp, phum sóc phải đóng góp gì và được hưởng lợi gì từ việc XDNTM?
Đổi thay nhận thức đã nhanh chóng biến thành những đổi thay trong hành động trên các cánh đồng. Từ tập quán ngàn đời sản xuất nhỏ lẻ, ruộng nhà ai nấy biết, Châu Điền bây giờ đã hình thành cánh đồng lớn, có ký kết hợp đồng với doanh nghiệp uy tín để đảm bảo đầu ra, đầu vào ổn định, hợp lý và có lợi cho người nông dân. Hơn 150ha đất trồng lúa kém hiệu quả được bà con chuyển sang lên liếp lập vườn chuyên canh cam sành, bưởi da xanh… nhiều hộ ở Ô Tưng, Rùm Sóc tận dụng lợi thế chuyển sang trồng màu, vừa giải quyết việc làm hàng ngày vừa nâng cao thu nhập gấp cả chục lần so với trồng lúa trước đây. Hợp tác xã Đạt Thịnh và gần 30 tổ hợp tác kinh tế ra đời, bước đầu làm ăn hiệu quả. Nhiều mô hình sản xuất của nông dân Châu Điền cho thu nhập cao, được cả huyện, cả tỉnh biết tới như mô hình nuôi ếch của Tổ hợp tác Thừa Thắng, mô hình trồng ớ chỉ thiên của bà Thạch Thị Tuyết…
Cũng trên những cánh đồng ấy, trên những diện tích của mỗi gia đình mà ngày xưa không làm ra đủ chén cơm, sau một quá trình chuyển đổi với sự áp dụng các tiến bộ khoa học -kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất theo hướng vừa thâm canh vừa đa dạng hóa, đã nâng cao năng suất, hiệu quả và thu nhập của người nông dân. Năm 2018, mức bình quân thu nhập đầu người ở xã thuần nông có đông đồng bào Khmer Châu Điền đạt con số 41 triệu đồng, tương đương với mức thu nhập bình quân của cả tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo được giảm thiểu một cách nhanh chóng, chỉ còn 3,5% so với con số 40% trên tổng số hộ dân trước đây. Những con số quả là đáng mơ ước của một xã vốn được xem là “nghèo bền vững”.
Sự đổi thay trong nhận thức người dân, nhất là trong vùng đồng bào Khmer Châu Điền còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội khác. Chuyện lớn, chuyện chung như nhiều bà con hiến đất xây trường học, làm giao thông nông thôn, góp tiền kéo điện thắp sáng công cộng vừa tiện lợi trong sinh hoạt vừa phòng, chống tội phạm… Những lễ hội tôn giáo cộng đồng tại các nhà chùa hay việc tang ma, cưới hỏi trong mỗi gia đình được tổ chức trang trọng, đúng phong tục truyền thống nhưng tiết kiệm, nhất là tiết kiệm thời gian để người lớn tham gia sản xuất, trẻ con không bỏ giờ trên lớp. Chuyện nhỏ, chuyện riêng của mỗi gia đình như bây giờ cả xã không còn ai tắm giặt bằng nước mương, nước sông mà đều có nhà vệ sinh và sử dụng nước sạch. Nếp sống văn hóa, văn minh, hiện đại đang từng bước đi vào, chi phối đời sống người dân trong từng xóm ấp, phum sóc Châu Điền.
Chuyện đổi thay tại xã Châu Điền chắc chắn còn rất nhiều mà trong thời gian hạn hẹp của một chuyến đi tôi chưa hiểu hết và chưa thể hiện hết được. Tôi rất vui khi Chủ tịch Thạch Vuône thông báo Châu Điền đã hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí của xã văn hóa - nông thôn mới và đã được tỉnh ra quyết định công nhận. Càng vui hơn khi nghe anh kể lại, trong một lần làm việc với Châu Điền, sau khi nghe báo cáo và kiểm tra thực tế về quá trình XDNTM, Bí thư Tỉnh ủy Trần Trí Dũng biểu dương: “Châu Điền đã làm được thì cả tỉnh phải làm được!”. Tôi hiểu ý ông nhấn mạnh đến mức xuất phát cực thấp, đến đặc thù có gần 80% dân số là đồng bào Khmer của Châu Điền.
Về nhà, khi bật laptop lên để chuẩn bị cho bài viết, đọc lại báo cáo kết quả XDNTM của xã Châu Điền, tôi giật mình và vui mừng với con số hơn 25 tỷ đồng đóng góp của người dân địa phương vào công việc chung. Ấn tượng ban đầu của tôi về một xã nghèo, thậm chí là “nghèo bền vững” bỗng dưng tan biến.
Tôi thắp một nén nhang tưởng nhớ chú Tư Ú, anh Bảy Thiên và ngay sáng mai tôi sẽ điện thoại mời chú Tám Thành ly cà phê để báo tin vui: ước mơ của các chú, các anh - những người đã gắn bó cuộc đời, đã đổ máu xương cho vùng quê này - về một Châu Điền ấm no, giàu đẹp đã thành hiện thực!
Bút ký TRẦN DŨNG
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.