04/12/2020 07:00
Học sinh, sinh viên tìm hiểu, lựa chọn các ngành nghề tại Ngày hội tuyển sinh học nghề và việc làm cho học sinh, sinh viên và người lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ đào tạo cho 95.000 lao động; trong đó, tuyển sinh đào tạo mới 19.000 người/năm, ít nhất 90% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% vào năm 2025. |
Theo đó, tỉnh xây dựng các mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục đào tạo phù hợp với tình hình mới; hợp tác liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; phân tầng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo mục tiêu đào tạo, khả năng đáp ứng nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.
Bên cạnh đó, thực hiện quy hoạch phát triển xã hội hóa dạy nghề trên cơ sở củng cố các cơ sở nghề hiện có, phấn đấu thành lập mới thêm các trung tâm giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, các hình thức dạy nghề tại các làng nghề. Tỉnh cũng thực hiện thí điểm cho các tổ chức và cá nhân thuê cơ sở dạy nghề do nhà nước đầu tư với giá ưu đãi nhằm hỗ trợ quá trình xã hội hóa ở những nơi kinh tế chưa phát triển, hoặc những cơ sở dạy nghề công lập hoạt động kém hiệu quả. Các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động; nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm, nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, trình độ; gắn công tác hướng nghiệp với nhu cầu thị trường.
Trà Vinh hiện có 16 cơ sở đào tạo nghề công lập theo các cấp trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng. Ngoài các cơ sở này, thời gian qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh còn được thực hiện theo phương thức truyền nghề, kèm nghề tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ; các hợp tác xã, tổ, nhóm sản xuất… Giai đoạn 2016-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp đã đào tạo hơn 76.000 người; trong đó, cao đẳng hơn 4.000 người, trung cấp hơn 2.400 người; sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, đào tạo thường xuyên, kèm cặp nghề, truyền nghề… hơn 70.000 người.
Trường Đại học Trà Vinh (ĐHTV) là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Hiện, Trường có hơn 1.200 giảng viên và khoảng 20.000 sinh viên theo học ở các bậc học với 59 ngành đại học, 33 ngành sau đại học (25 thạc sĩ và 08 tiến sĩ) và nhiều chương trình đào tạo khác ở 13 khoa, nhiều lĩnh vực. Nhà trường đã cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực với hàng chục nghìn lao động ở các trình độ khác nhau, góp phần phát triển giáo dục, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung. Trường đã có 06 ngành được công nhận đạt kiểm định chất lượng quốc tế FIBAA và AUN-QA; là 01 trong 02 trường ở Việt Nam được vào Top 300 trường đại học có môi trường giáo dục xanh và đầu tư phát triển bền vững hàng đầu thế giới.
Năm 2019, Trường ĐHTV cũng đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chí mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mới đây, World’s Universities with Real Impacts (WURI) đã công bố Trường ĐHTV là trường đại học duy nhất ở Việt Nam xếp hạng 86 trong Top 100 của WURI Ranking 2020, trường có ảnh hưởng và đóng góp tích cực cho xã hội; xếp thứ 24 trong Top 50 về giá trị của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐHTV cho biết, thời gian tới, Trường ĐHTV chú trọng đào tạo theo định hướng sinh viên khởi nghiệp, phát triển hài hòa hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ. Phát triển đồng bộ các hoạt động trên sẽ giúp giảng viên và sinh viên vận dụng kiến thức vào các nghiên cứu, giải quyết vấn đề thực tiễn một cách hiệu quả, sáng tạo; đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.
Sinh viên tại trường sẽ được “Học tập qua trải nghiệm”. Bên cạnh các kiến thức nền cần thiết, các kỹ năng của sinh viên được tích lũy và nâng cao dần thông qua nội dung thực tập tại trường, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp, tự xây dựng và thực hiện các dự án sản xuất nhỏ. Sinh viên học tập tại trường được tạo điều kiện cùng giảng viên tham gia nghiên cứu, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn để dần phát triển năng lực toàn diện và hoàn thiện bản thân, khám phá được sự đam mê của bản thân và định hướng phát triển nghề nghiệp rõ ràng. Những yếu tố này giúp cho sinh viên tự tin khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là một trong nhiệm vụ luôn được ngành ưu tiên thực hiện. Thời gian qua, đơn vị phát huy vai trò của các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm và giao chỉ tiêu giới thiệu việc làm hàng năm cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện, từng bước giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị này. Đồng thời, tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, xây dựng đội ngũ cộng tác viên giới thiệu việc làm tại khóm, ấp, tổ dân cư; cung cấp đầy đủ kịp thời, chính xác thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ giới thiệu việc làm. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập, hoạt động lĩnh vực đào tạo và dịch vụ việc làm.
Thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ lồng ghép các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, chú trọng hỗ trợ đào tạo đáp ứng sự phát triển của doanh nghiệp; vận động, thuyết phục lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp… đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, ổn định cuộc sống, nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thường xuyên điều tra cung cầu lao động, thị trường lao động hàng năm, nhằm quản lý, cung cấp thông tin thị trường lao động; thường xuyên kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả việc thực hiện các chính sách, dự án, giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đội ngũ lao động tay nghề cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, năm 2018, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Đề án phân luồng, đào tạo nghề cho học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông với nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể. Nhờ vậy, nhận thức về định hướng nghề nghiệp của học sinh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; số học sinh chọn học nghề sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng nhiều hơn.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.