12/02/2021 01:15
Thơ chúc Tết Kỷ Sửu 1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lưu giữ tại Bảo tàng LSQS Việt Nam.
Ảnh BTLSQSVN.
Căn nhà này của chú Hai Phát và gia đình dựng lên có lẽ cách đây cũng chừng vài tháng, bởi mùi lá dừa nước vẫn còn thơm. Ngoài căn nhà của chú Hai Phát, khi đó Ngãi Thuận còn có hàng chục căn nhà khác của người dân vùng giải phóng này. Đây là những căn nhà được dựng lên là để bám đất, bám vườn, sống chết theo cách mạng quyết không vào vùng kiểm soát, sau nhiều trận hành quân Bình Định gom dân của địch.
Chú Hai Phát có vợ muộn nên năm ấy dù tuổi đã trên dưới 60 mà hai cô con gái lớn của chú là Thiềng và Cận cũng vừa mới bước vào tuổi dậy thì, hai đứa nhỏ gồm một trai và một gái con của chú chưa hơn 10 tuổi; cả hai đều chưa được học hành.
Trong cảnh kháng chiến và cuộc sống như vậy nên cũng dễ hiểu vì sao trước giờ giao thừa mà trên bàn thờ gia tiên của gia đình Chú Hai vắng đi nhành mai vàng truyền thống và chỉ có cặp dưa hấu cùng vài loại trái cây của gia đình trồng còn sót lại sau những trận càn quét của kẻ thù. Còn trên chiếc bàn tròn nhỏ đặt ngay phía trong căn nhà, trước bàn thờ gia tiên là hai dĩa mứt chuối, mứt dừa không nhuộm màu, có lẻ do vợ con chú Hai tự làm lấy cùng bình trà nóng và quanh bàn này là mấy chiếc ghế đẩu cũ kĩ, nhưng được lau chùi cẩn thận.
Ngoài những trái cây, bánh mứt cúng kiến gia tiên và những vật dụng kể trên, hôm đó một vật dụng khác gần như không chỉ có chú Hai Phát mà cả nhà chú đều dành sự quan tâm - nhất là Thiềng và Cận - đó là chiếc radio nhỏ; bởi nó không chỉ đặt ngay trên chiếc bàn tròn giữa nhà mà còn được che bụi bằng chiếc khăn màu.
Nói về điều này, với giọng nông dân chân chất, chú Hai Phát chỉ tay vào chiếc radio phân trần: “Mấy năm qua nhờ có nó mà Tết nào gia đình cũng đều được nghe giọng nói, được nghe thư chúc Xuân của Bác Hồ”. Khi nhắc đến Bác Hồ, chú Hai Phát xúc động nói thêm: “Ông bà tôi hết đời này đến đời khác đều là nông dân nhưng ruộng đất rất ít nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhờ Bác Hồ, nhờ cách mạng cấp thêm ruộng đất mà cả mấy anh em tôi sau này đều có cuộc sống khá hơn rất nhiều”. Gia đình chú Hai Phát khi đó chưa đó người tham gia kháng chiến, nhưng họ hàng thì có đến hàng chục người; trong đó có người là cán bộ, cấp huyện, cấp tỉnh.
Thời khắc giao thừa mỗi lúc một gần hơn, từ đó mấy gia đình không có được radio ở gần đó và ở bên kia bờ kinh Ngãi Thuận lần lượt đến nhà chú Hai mỗi lúc một đông hơn, làm sinh khí gia đình này mỗi lúc mỗi rôm rả hơn. Cũng chính vì vậy mà chú Hai Phát phải “điều chỉnh” lại nhiệm vụ cho hai người con gái lớn. Vậy là, thay vì cả Thiềng và Cận thay nhau chụm nồi bánh tét mà trong đó có hàng chục đòn được gia đình định sẵn gửi cho bộ đội ăn Tết thì lúc này nhiệm vụ ấy chỉ dành riêng cho Thiềng, còn Cận lo việc nước nôi trà mứt đãi khách và đón giao thừa.
Anh Ba Tây một trong những người khách có mặt sớm nhất đón giao thừa ở nhà chú Hai Phát hôm đó; anh cũng là cháu họ của gia đình này. Trong lúc trò chuyện, anh Ba Tây là người ít lời nhất. Nhưng nếu có nói anh gần như luôn cất lời của những người có mặt bằng những câu nhắc nhở mọi người chú ý mở radio để nghe Bác chúc Xuân. Đêm ấy không biết các nguồn thông tin có được từ đâu mà các câu chuyện nêu ra đều nói về tấm lòng vì nước vì dân và về những bài thơ chúc xuân của Bác những năm trước đó. Mải say sưa với những câu chuyện về Bác mà tất cả gần như quên đi giờ phút đến giao thừa. Chừng bất chợt nghe hàng loạt đạn tuôn ra của bọn lính đồn Ngãi Trung và Thánh Đường bắn thay pháo đón giao thừa thì chú Hai Phát như chiếc máy mở liền công-tắc radio đã được định sẵn Đài Phát thanh Hà Nội. Cũng đúng lúc này tiếng pháo phát ra từ làn sóng của đài kết thúc và tiếp đó tiếng Bác Hồ ấm áp truyền đi. Mọi người không ai bảo ai tất cả đều im lặng trong cảm động; âm thanh duy nhất còn lại lúc này là giọng nói của Bác…
“…Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum hợp Xuân nào vui hơn”.
Thơ chúc Xuân năm 1969 của Bác kết thúc nhưng không khí nhà chú Hai Phát khi đó vẫn tiếp tục chìm trong im lặng, tất cả như chờ đợi, như muốn được nghe thêm tiếng Bác kính yêu. Vậy mà ngờ đâu đó là lần cuối cùng chú Hai Phát cũng như người ấp Ngãi Thuận và cũng như đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước từ đó không còn được nghe thơ chúc Xuân, giọng nói ấm áp của Người bởi ngày 02/9 năm ấy (1969) Bác Hồ kính yêu của chúng ta về với cõi vĩnh hằng trong vô vàn thương tiếc.
TRỌNG LAI
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.