17/03/2022 06:10
Thạc sĩ Trần Quốc Việt. |
Thạc sĩ Trần Quốc Việt, Trường Đại học Kiên Giang: Phát huy những kết quả đạt được trong hoạt động ứng dụng công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới Trường Đại học Kiên Giang tiếp tục có những định hướng như: đào tạo nâng cao năng lực giảng viên, giáo viên, cán bộ đoàn, tình nguyện viên làm công tác giảng dạy, huấn luyện, điều phối hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường và đồng bộ hoạt động khởi nghiệp trong toàn trường. Trường sẽ phát động và tổ chức thường xuyên, có hiệu quả các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp trong sinh viên và giảng viên. Đề xuất khen thưởng, động viên ý tưởng sáng tạo, khuyến khích làm thử, mỗi tư duy sáng tạo đều được ủng hộ và nuôi dưỡng. Xây dựng các câu lạc bộ, nhóm khởi nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp với không gian làm việc chung.
Bên cạnh đó, trường kiến tạo nơi làm mẫu sản xuất thử, nhằm hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng của phong trào khởi nghiệp và hỗ trợ thương mại hóa. Cùng với đó, trường sẽ tạo điều kiện kết nối mạng lưới các nhà doanh nghiệp (DN), nhà tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà đầu tư, các nguồn hỗ trợ phi chính phủ, hỗ trợ quốc tế cho công tác khởi nghiệp. Hoàn thiện dần cơ chế hỗ trợ về tài chính đối với các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nhà trường.
Thạc sĩ Nông Thị Mỹ Duyên. |
Thạc sĩ Nông Thị Mỹ Duyên, Trường Cao đẳng cộng đồng Đồng Tháp: Tại Đồng Tháp, UBND tỉnh và Quỹ Khởi nghiệp DN Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) đã đạt được thỏa thuận hợp tác về việc triển khai chương trình phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, còn gọi là chương trình “Ươm tạo Đàn Sếu khởi nghiệp Đất Sen hồng”. Chương trình sẽ giúp các dự án, DN khởi nghiệp xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh; xây dựng mô hình kinh doanh, quy trình sản xuất; hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và huy động vốn đầu tư. Hình thành nên các doanh nhân khởi nghiệp có nền tảng kiến thức vững vàng, năng động, nhiệt huyết, đổi mới sáng tạo để có thể phát huy tối đa giá trị nguồn tài nguyên bản địa, vững tin gia nhập thị trường trong và ngoài nước.
Tham gia chương trình, các DN sẽ có cơ hội giao lưu, kết nối, xây dựng mối quan hệ với nhiều chuyên gia, các DN khác cũng như khách hàng của bạn, giúp tạo thương hiệu cá nhân cũng như nâng cao cơ hội mở rộng kinh doanh. Các DN thành viên sẽ được kết nối và đồng hành cùng các nhà cố vấn trong mạng lưới chuyên gia, doanh nhân giàu kinh nghiệm trong quản trị DN. Mặt khác, chương trình còn giúp xây dựng mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm, tiếp cận và xâm nhập thị trường, thấu hiểu tài nguyên bản địa và văn hóa địa phương. Các thành viên sẽ được tham gia vào chương trình huấn luyện với các chuyên đề được lựa chọn, thiết kế theo nhu cầu của nhóm dự án và đảm bảo các mục tiêu của chương trình.
Một điểm khác biệt so với các chương trình đào tạo khác, các thành viên chương trình “Ươm tạo Đàn Sếu khởi nghiệp Đất Sen hồng” sẽ được tham quan, học tập và trải nghiệm tại các DN thành công để được chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội, giải pháp hiệu quả cho sự phát triển của mình. Đồng thời, trong suốt thời gian ươm tạo, các thành viên cùng cam kết đồng hành với tinh thần cởi mở, hành động và hợp tác để có thể khám phá và trải nghiệm những tư duy mới, cách làm mới cho sự phát triển mới của dự án, DN.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Thẩm. |
Thạc sĩ Nguyễn Minh Thẩm, Trường Cao đẳng Bến Tre: Thực trạng hiện nay khi thực hiện các dự án khởi nghiệp, đa số SV chưa có kiến thức nền tảng cơ bản; chưa có tinh thần khởi nghiệp vững vàng; chưa có khả năng huy động vốn và chưa có kinh nghiệm thương trường…
Từ đó, theo tôi cần có một giáo viên cùng lĩnh vực SV khởi nghiệp làm người cố vấn và đồng hành với SV trong hành trình khởi nghiệp để có thể bổ trợ các kiến thức chuyên môn cần thiết. Ví dụ, khi SV muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực thức uống thì phải cần một cố vấn để nghiên cứu cho ra các món thức uống đặc biệt trên thị trường. Chính giáo viên là người truyền lửa để giúp SV có tinh thần khởi nghiệp vững vàng như: dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thất bại và đứng lên từ thất bại. Hơn nữa, SV phải tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về quản trị nhân sự, tài chính, nghiên cứu thị trường, hoạch định chiến lược... hay kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý cảm xúc. Tất cả những kiến thức, kỹ năng có được khi tham gia hành trình khởi nghiệp sẽ giúp cho SV hoàn thiện bản thân một cách toàn diện. Giúp các em sớm định vị được bản thân mình trong tương lai.
Khởi nghiệp giống như một cuộc chinh phục. Để đạt được mục tiêu cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu như SV không có ý định khởi nghiệp và sau khi tốt nghiệp đi làm thì sẽ không có cơ hội thử thách chính mình. Thành hay bại, sướng hay khổ đều do mỗi người tự quyết định, với việc tự làm chủ, tự tạo dựng việc làm và thu nhập cho bản thân mình mà không bị phụ thuộc vào cơ chế của doanh nghiệp và cá nhân khác.
Để có chỗ đứng trên thương trường đầy khắc nghiệt trong hành trình khởi nghiệp, mỗi SV sẽ phải tự rèn, tự đúc kết, tự học tập những kiến thức, kỹ năng cho bản thân. Bên cạnh cần sự hỗ trợ của các đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Hành trình khởi nghiệp có gian nan nhưng cũng có quả ngọt. Đi trên chặng đường khởi nghiệp là một thách thức lớn đối với SV. Nó vừa huy hoàng lại vừa gian khổ, nhưng đó cũng là một trong những cơ hội để SV khẳng định và khám phá chính bản thân mình.
Bài, ảnh: BÁ THI
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.