07/04/2022 06:39
Ông Nguyễn Văn Ngà. Ảnh: ĐÌNH CẢNH |
Phóng viên: Xin ông cho biết, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Cầu Ngang thực hiện những giải pháp nào thúc đẩy kinh tế - xã hội?
Ông Nguyễn Văn Ngà: Là huyện ven biển, nằm vùng hạ lưu cửa Cung Hầu, diện tích tự nhiên 32.836ha, trong đó đất nông nghiệp 26.945ha, đất phi nông nghiệp 5.891ha và là huyện vùng đồng bằng, có khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, với 02 mùa mưa nắng; địa hình chia cắt với hệ thống sông ngòi chằng chịt, có tính chất vừa phục vụ sản xuất, giao thông, vừa phát triển nuôi trồng thủy sản. Huyện có 15 xã, thị trấn với 97 ấp, khóm, với 36.052 hộ, dân số 121.254 người, trong đó đồng bào Khmer chiếm 34,76%.
30 năm qua, huyện gặp không ít khó khăn: kinh tế chậm phát triển, đất nông nghiệp hiệu quả thấp, đời sống Nhân dân không ổn định. Song với tinh thần đoàn kết, phát huy những thành quả đạt được, huyện tập trung các giải pháp trong chỉ đạo phát huy lợi thế địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần cùng tỉnh và cả nước đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó chú trọng ngành nuôi thủy sản kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ. Để nuôi thủy sản phát triển mạnh, huyện triển khai quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị theo hướng tập trung, thâm canh. Đồng thời áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, tạo sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phát triển công nghiệp được xác định là bước đột phá để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, từ đó công tác kêu gọi đầu tư được quan tâm triển khai. Đến nay, huyện đã có cụm công nghiệp tại xã Hiệp Mỹ Tây; 4.351 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với 9.559 lao động.
Tranh thủ các nguồn vốn tỉnh, Trung ương, huyện cơ bản phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, điện, thương mại…; nhiều dự án lớn đầu tư và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế chung của huyện.
Diện tích màu tăng do người dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Ảnh: ông Kim Sô Phan, công chức nông nghiệp xã Long Sơn (trái) khảo sát vùng thâm canh cây màu của nông dân ấp Huyền Đức. Ảnh: MN
Phóng viên: Những thành tựu nổi bật trong những năm gần đây đã tạo dấu ấn cho huyện đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội so với 30 năm trước (năm 1992)? Thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Ngà: Với thế mạnh về tài nguyên biển, đất đai,… huyện phát huy lợi thế so sánh và tiềm năng của địa phương, nắm bắt thời cơ, đề ra những chủ trương sát đúng, kịp thời, nhờ đó kinh tế của huyện không ngừng tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân khoảng 12%/năm. Sản lượng lúa năm 1992 khoảng 45.000 tấn, đến năm 2021 tuy diện tích giảm do người dân thực hiện chuyển đổi sang trồng màu và nuôi thủy sản, nhưng sản lượng đạt hơn 150.000 tấn, tăng hơn 03 lần so năm 1992; diện tích và sản lượng màu tăng vượt bậc do ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,8%/năm, dịch vụ tăng 39,2 lần so với năm 1992. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng giá trị nông nghiệp từ trên 80% giảm xuống còn dưới 40%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 03% lên trên 32%, dịch vụ từ 17% tăng trên 28%; 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm xã, 100% hộ dân có điện sinh hoạt, mạng lưới điện thoại, internet được lắp đặt, phủ sóng trên toàn huyện. Năm 2021, thu nhập bình quân đạt trên 55 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách đạt 1.082 tỷ đồng, tăng hơn 90 lần so với năm 1992; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển đạt trên 4.300 tỷ đồng.
Công tác giáo dục, văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư, đến nay 100% trường lớp xây dựng cơ bản, 13 trường đạt chuẩn quốc gia, đội ngũ giáo viên đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các chính sách an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo được quan tâm; 62,73% lao động được đào tạo so với tổng số lao động có việc làm; 100% xã, thị trấn có nhà văn hoá; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; hệ thống truyền thanh phủ khắp trên địa bàn. Công tác quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo, bộ máy chính quyền trên địa bàn được củng cố, kiện toàn; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 6,21% so với năm 1992 giảm hơn 30%...
Phóng viên: xin cảm ơn ông!
MỸ NHÂN (thực hiện)
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.