15/03/2021 18:01
Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nữ tỉnh Đồng Tháp trong một chuyến sáng tác tại làng nghề đan đát ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Bản sắc văn hóa Khmer
Trà Vinh vốn được biết đến là vùng đất đa văn hóa với sự cộng cư của nhiều dân tộc, trong đó có 03 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, với dân số trên 1,1 triệu người. Riêng đồng bào Khmer chiếm trên 30% dân số toàn tỉnh. Đời sống tín ngưỡng của đa số đồng bào Khmer ở Trà Vinh theo Phật giáo Nam Tông. Theo đó, trong số gần 370 cơ sở thờ tự, tôn giáo hiện có trên địa bàn tỉnh, thì có đến 143 ngôi chùa Phật giáo Nam Tông Khmer nằm ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm tuổi có kiến trúc đẹp, độc đáo. Ngoài vẻ đẹp đó, các ngôi chùa Khmer còn là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc; là trung tâm sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer.
Chính sự hấp dẫn nêu trên, các ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh từ lâu đã trở thành đề tài sáng tác màu mỡ cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trong đó có giới nhiếp ảnh. Chùa Âng tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh là một minh chứng. Đây là ngôi chùa cổ được xây dựng từ những năm 990. Ngoài việc có kiến trúc cổ xưa, độc đáo mang đậm bản sắc của người Khmer, chùa Âng còn là trung tâm văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo. Hàng năm tại chùa diễn ra nhiều lễ hội của đồng bào Khmer như: Chôl Chnam Thmây; Sêne Đôlta, Ok-Om-Bok. Trung bình mỗi thời điểm những lễ hội này diễn ra, đều thu hút hàng chục, thậm chí có hàng trăm lượt những người yêu thích nhiếp ảnh trong và ngoài nước đến ghi lại những khoảnh khắc đẹp của chùa và các lễ hội.
Còn tại chùa Kompong Chrây, hay còn gọi là chùa Hang ở Khóm 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành lại có sức hấp dẫn khác. Ngoài việc đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chùa, giới sáng tác ảnh còn bị mê mẩn bởi xưởng chế tác những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật bằng gỗ do chính các vị sư tại chùa làm ra. Từ những gốc cây, bộ rễ thô sần sùi, thô mộc, qua bàn tay khéo léo của các vị sư và các nghệ nhân, đã có hàng trăm tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ra đời tại xưởng sản xuất có một không hai này. Theo đó, có khá nhiều những tác phẩm ảnh nghệ thuật được ra mắt công chúng từ chùa Kompong Chrây như tác phẩm “Hồn gỗ” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Văn Hưởng, tác phẩm “Hồn về cội” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thọ…
Bên cạnh các ngôi chùa Nam Tông và các lễ hội, bản sắc văn hóa của người dân tộc Khmer ở Trà Vinh còn phải nhắc đến các điệu múa của các chàng trai, cô gái; các làng nghề tuyền thống đan đát... tiêu biểu như những bài múa trống sa-dam, múa chằn, múa khỉ… của nam và các bài múa lâm-thol, múa rôm-vông, múa Rô-bam Tep Monorom… của các thiếu nữ Khmer. Chính những động tác múa uyển chuyển, thướt tha, mềm mại của những đôi tay, nét mặt biểu cảm, kết hợp với các loại trang phục, đạo cụ đầy màu sắc, vui nhộn đã khiến cho những chiếc máy ảnh “chạy hết công suất” mỗi khi bắt gặp.
Khoảnh khắc thiên nhiên
Là vùng đất có khí hậu ôn hòa, phù sa quanh năm bồi đắp, nên Trà Vinh được hưởng lợi nhiều từ thiên nhiên, với những vườn cây trái xum xuê trĩu quả. Đặc biệt, đây còn là vùng “đất lành” thu hút nhiều loài chim cò quý hiếm đến cư ngụ.
Đối với nhiếp ảnh, đề tài chụp về chim cò cũng thu hút phần lớn những người chuyên săn tìm cái đẹp từ thiên nhiên. Trong đó, nhiều tay máy ở Việt Nam hiện nay sẵn sàng đầu tư hàng trăm triệu đồng cho bộ máy ảnh chỉ để chụp chim cò. Nhắc đến chim cò ở Trà Vinh sẽ thiếu xót nếu chưa đề cập đến ngôi Phnô Đôn, hay còn có tên khác là chùa Giồng Lớn tại xã Đại An, huyện Trà Cú. Những rạng cây xanh, trong đó đa phần là những bụi tre được trồng xung quanh chùa Giồng Lớn, chính là nơi trú ngụ của nhiều loại cò với số lượng lên đến hàng ngàn con. Còn nhớ cách đây hơn 20 năm tuyến đường từ thành phố Trà Vinh ngày nay đến chùa Giồng Lớn dù chỉ khoảng 40km. Tuy nhiên, do mặt đường xấu đi lại rất khó khăn, thế nhưng nhiều nhóm nhiếp ảnh ngoài tỉnh đã tìm đến chùa chỉ để săn cho được những đàn cò trắng bay lượn trong không gian chùa. Từ đó, có khá nhiều tác giả ảnh đã có những tác phẩm “để đời” chụp về cò ở chùa Giồng Lớn như các tác giả Lê Huyền Thanh, tác giả Nguyễn Phước Lộc, tỉnh Vĩnh Long.
Ngày 15/3/1953, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập “Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”. Đây là việc làm nhằm mục đích tuyên truyền chính sách, chủ trương của chính phủ, nêu cao những thành tích, những gương đấu tranh anh dũng của quân dân Việt Nam và giáo dục văn hóa chính trị cho nhân dân. Ngày 16/12/2002 Bộ Nội vụ đã có Văn bản số 1021/BNV-TCPCP cho phép lấy ngày 15/3 hàng năm làm ngày Truyền thống của giới Nhiếp ảnh Việt Nam. |
Ngày nay, những người yêu thích nhiếp ảnh muốn chụp chim cò tại Trà Vinh có nhiều thuận lợi hơn trước. Từ trung tâm thành phố Trà Vinh, giới nhiếp ảnh chỉ cần mất hơn 10 phút để đến chùa Hang ở huyện Châu Thành. Nơi đây, các tay máy tha hồ ngắm nhìn và bấm máy để có những khoảnh khắc đẹp về những chú cò trắng làm tổ, chăm con hoặc nô đùa trên những cành cây xung quanh ngôi chính điện.
Đặc biệt, những năm gần đây, giới nhiếp ảnh nhiều nơi còn biết đến Trà Vinh thông qua những tác phẩm sống động về các loài trảu xanh hoặc những con chim cổ rắn (điên điển) chuyên lặn sâu xuống mặt hồ bắt cá làm thức ăn… Chính những loại chim vừa đẹp, vừa quý hiếm này đã thu hút khá nhiều tay nhiếp ảnh từ Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành khác tìm đến Trà Vinh. Có lúc tại bãi chụp chim trảu hoặc nơi chim cổ rắn thường đáp xuống săn mồi trên địa bàn Phường 7, thành phố Trà Vinh còn là nơi giao lưu giữa anh em nhiếp ảnh Trà Vinh với các địa phương khác. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trí Nguyễn thường trú tại Thủ đô Hà Nội, vào đầu năm 2020 khi hay tin tại Trà Vinh có loài chim cổ rắn, ông đã không ngần ngại mua vé máy bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó đi tiếp ô-tô đến Trà Vinh lưu lại nhiều ngày. Kết quả là ông có nhiều tác phẩm về chim cổ rắn khá đẹp đáp ứng được sự đam mê của cá nhân và phục vụ tốt như cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Vẻ đẹp của biển
Là địa phương thuộc vùng duyên hải, nên Trà Vinh có tới 65km bờ biển trải dài từ các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, thị xã Duyên Hải… Đây chính là điều kiện thuận lợi để Trà Vinh vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, vừa khai thác du lịch. Đối với nhiếp ảnh, lợi thế của Trà Vinh từ biển trong nhiều năm qua chính là cảnh đẹp các bãi tắm, từ những đụn cát trắng ven biển, những ao nuôi thủy sản, những buổi bình minh xuất hiện trên mặt biển… Đặc biệt, khi đến Trà Vinh chụp ảnh về đề tài biển, các nhiếp ảnh không thể không nhắc đến các hàng đáy ngoài khơi. Hình ảnh những ngư phủ treo mình trên các chồi lá hoặc di chuyển thoăn thoắt trên các sợi dây kết nối các trụ đáy với nhau để điều khiển những tấm lưới cá giữa biển khơi dù mới nghe kể cũng đủ thấy hấp dẫn huống hồ gì được ghi lại qua chiếc máy ảnh. Chính sự lôi cuốn này đã làm “hao tốn” của giới nhiếp ảnh khá nhiều thời gian và công sức để được chụp những bức ảnh về đáy hàng khơi. Đổi lại, sau những chuyến vươn khơi cùng ngư dân đến các hàng đáy, dù là nhiếp ảnh chuyên nghiệp hay những tay máy mới vào nghề đều có những bức ảnh vừa đẹp vừa hiếm. Theo một số nghệ sĩ nhiếp ảnh có kinh nghiệm, đáy hàng khơi ở Trà Vinh đẹp hơn nhiều do với các địa phương khác nhờ vào hướng sáng và các chồi lá treo lơ lửng trên các trụ đáy… Nhắc đến đây tôi chợt nhớ có lần được tháp tùng cùng đoàn nhiếp ảnh đến từ Cà Mau vào thời điểm còn chụp ảnh bằng phim, chưa có máy ảnh kỹ thuật số như bây giờ. Di chuyển hơn 60 phút bằng ghe mới tiếp cận được hàng đáy lúc mặt trời vừa mọc, nhiều tay máy đã “dở khóc dở cười” vì chiếc máy ảnh hết phim lúc nào không hay.
Sức hấp dẫn của vẻ đẹp biển ở Trà Vinh chưa dừng lại ở đó, thời gian gần đây tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Kéo theo đó, dọc theo tuyến bờ biển thuộc địa bàn thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải nhiều công trình nhiệt điện, điện gió, luồng cho tàu có trọng tải lớn, các khu du lịch mọc lên… hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho kinh tế Trà Vinh nói chung và tiếp tục tạo thêm những điểm nhấn cho giới nhiếp ảnh nói riêng.
Bài, ảnh: BÁ THI
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.