06/07/2021 09:30
Nơi thờ cúng ông Dương Văn Vinh. Ảnh: BT
Đến cuối thập niên 1920, đầu thập niên 1930, ở tỉnh lỵ Trà Vinh xuất hiện một số nhà tư sản như: Tô Kiên, Nguyễn Văn Kiệu (hãng xe đò), Đại Đức (tàu đò), Trần Khầu (tiệm cưa), Lâm Chương (nhà phố), Thanh Thưởng (Dược phòng), Lê Văn Khai (vật liệu xây dựng)… chậm hơn một chút, đến thập niên 1940, có thêm Dương Văn Vinh (trại mộc chí), Quảng Lập Thành (tiệm cưa), Huệ Quần (thuốc Bắc). Sang thập niên 1960, 1970, một số nhà tư sản trẻ hơn chiếm lĩnh thị trường như Kim Thành (nông ngư cơ), Ba Tiễn (cung ứng hậu cần cho quân đội)…
Nhìn chung, phần lớn những nhà tư sản Trà Vinh từ điền chủ có vốn liếng, chuyển sang kinh doanh các ngành dịch vụ, thương mại. Xuất thân từ nông thôn, ít nhiều lưu giữ nếp sống, nếp nghĩ truyền thống nông dân và đối tượng khách hàng cũng là nông dân nên dù có tiền, làm ăn dễ dàng nhưng tư tưởng, quan niệm xã hội của họ rất gần với những điền chủ trí thức nhân sĩ như: Dương Háo Học, Nguyễn Văn Lẹ, Từ Bá Đước, Lâm Phái, Mạch Dùng, Giáo Chưởng, Giáo Tân, Giáo Thọ… Nghĩa là, bình thường hàng ngày, họ vẫn giữ mối quan hệ thân thiện với chính quyền để thuận tiện việc kinh doanh, nhưng trong huyết quản lòng yêu nước vẫn như mạch ngầm, không bao giờ đứt đoạn. Khi lòng yêu nước được khơi gợi, phát huy đúng mức, họ sẵn sàng chung tay đóng góp sức mình vào công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc.
Hiểu rõ điều này, ngay từ khi mới hình thành, các tổ chức tiền thân của Đảng như Công hội đỏ, rồi Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã cử những cán bộ như: Dương Háo Học (Giáo Học), Nguyễn Văn Lẹ (Công tử Lẹ), Nghiêm Khai Cơ (cháu gọi địa chủ Trương Hoàng Lâu bằng cậu ruột)… về bám địa bàn nội ô tỉnh lỵ, phụ trách công tác vận động giới nhân sĩ, trí thức và tư sản tham gia ủng hộ vật lực, tài lực cho cách mạng. Trong suốt giai đoạn tiền khởi nghĩa (1930 - 1945), những nhà tư sản như: Lâm Chương, Trần Khầu, ông bà Bác sĩ Mạch Dùng - Dược sư Thanh Thưởng… đã ngấm ngầm ủng hộ về tài chính, thuốc men và các loại vật dụng cần thiết khác phục vụ công cuộc đấu tranh chung. Đặc biệt, trong giai đoạn Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), tại ngôi trường ông Chưởng (nay là trường Mẫu giáo Phường 2), diễn ra cuộc đấu tranh vạch trần thủ đoạn lừa bịp trong cuộc tranh của Hội đồng Địa hạt Nam kỳ của nhóm “Pháp - Việt đề huề” Bùi Quang Chiêu, Đốc phủ Lê Quang Liêm… Trong đó, lần đầu tiên giới tư sản Trà Vinh, mà tiêu biểu là ông bà Mạch Dùng - Thanh Thưởng, ông Trần Khầu… đã trực tiếp tham gia, sát cánh cùng quần chúng nhân dân lao động (Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị xã Trà Vinh anh hùng (1930 - 1975). Thành ủy Trà Vinh ấn hành 2000, trang 56). Chính sự có mặt của những nhân vật có máu mặt này khiến cho chính quyền thực dân không dám mạnh tay đàn áp, góp phần cho thắng lợi chung.
Tháng 6/1945, Tỉnh bộ Thanh niên Tiền phong tỉnh Trà Vinh ra đời, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, tập hợp các tầng lớp Nhân dân đấu tranh chống lại chế độ thực dân. Ban lãnh đạo Tỉnh bộ là bộ ba Nguyễn Duy Khâm (Tỉnh ủy viên), Điền chủ nhân sĩ Từ Bá Đước và Nhà tư sản Bác sĩ Mạch Dùng. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, Tỉnh ủy và Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh chỉ đạo tổ chức lực lượng quần chúng nội ô hùng hậu, dưới sự lãnh đạo của Điền chủ Từ Bá Đước và Nhà tư sản Mạch Dùng kéo đến Tòa bố (dinh Tỉnh trưởng). Dưới áp lực của quần chúng và sự thuyết phục khéo léo của hai ông, Đốc phủ Thìn - Tỉnh trưởng Trà Vinh đã chấp nhận giao chính quyền lại cho Nhân dân, mà đại diện là Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, ngay trong buổi sáng 25/8/1945 ( Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị xã Trà Vinh. Sđd, trang 68).
Ngay sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền nhân dân được thành lập. Trong điều kiện vô vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, ngân khố quốc gia cạn kiệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tuần lễ Vàng, kêu gọi lòng yêu nước của các tầng lớp Nhân dân, chung tay đóng góp giúp Chính phủ và đất nước vượt qua khó khăn. Tuần lễ Vàng ở Trà Vinh diễn ra từ ngày 17/9/1945, thu được hơn 500 lượng vàng. Cần hiểu rõ bối cảnh xã hội Trà Vinh thời điểm ấy, dưới sự bóc lột tàn tệ của chế độ thực dân phong kiến, hầu hết người dân đều sống ở mức nghèo đói, nên sức đóng góp là có hạn. Để có con số hơn 500 lượng vàng, “Nhiều nhà giàu (tư sản) đã tự nguyện đưa một phần vàng tích lũy của gia đình và dòng họ ra đóng góp cho cách mạng” (Lịch sử tỉnh Trà Vinh, tập Hai (1945 - 1954). Ban Tư tưởng Tỉnh ủy ấn hành năm 1999, trang 41).
Trong suốt 02 cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc (1945 - 1975), Tỉnh ủy và Thị ủy Trà Vinh luôn phân công những cán bộ đảng viên có uy tín, năng lực bám trụ nội ô, vận động quần chúng, trong đó có giới tư sản tiếp tục ủng hộ vật lực, tài lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thị xã Trà Vinh là nguồn thu kinh tài chủ yếu, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vận hành bộ máy kháng chiến trên phạm vi cả tỉnh, trong đó sự đóng góp của giới tư sản yêu nước nội ô là rất to lớn. Trong giai đoạn chống Pháp, nhu cầu cứu chữa, điều trị cho thương bệnh binh và nhân dân vùng giải phóng ngày một cao hơn, mà địch cô lập, kiểm soát gắt gao mọi sự lưu thông vận chuyển từ trong thành ra. Trong điều kiện đó, Dược phòng Thanh Thưởng là nguồn cung cấp chủ yếu thuốc tân dược và y cụ các loại cho các cơ quan Quân Dân y Trà Vinh. Khi địch kiểm soát gắt gao quá, ông chủ trại mộc chí Dương Văn Vinh tự tay lái xe nhà giàn chở các quan tài, mà bên trong là thuốc men, y cụ, kể cả vũ khí binh vận được, mang ra căn cứ an toàn.
Chân dung ông Dương Văn Vinh (Tư Vinh). Ảnh chụp lại: BT |
|
Sau đình chiến 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm phản bội Hiệp định, ráo riết đàn áp Nhân dân, khủng bố những người hoạt động kháng chiến. Tỉnh ủy Trà Vinh phân công đồng chí Nguyễn Văn Cúc (Năm Cúc) - Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ty Công an thời chống Pháp, phụ trách công tác địch tình và đô thị. Để có thể bám trụ vào nội ô tỉnh lỵ, đồng chí Năm Cúc phải hóa trang thành một viên thầu khoán, vòng lên thị xã Vĩnh Long, vào ở nhà ông Hội đồng là nhạc gia Nhà tư sản Dương Văn Vinh. Vài ngày sau, ông Dương Văn Vinh và gia nhân đánh xe lên rước viên thầu khoán về, xem xét ký hợp đồng xây dựng vài khu phố (Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị xã Trà Vinh. Sđd, trang 128). Từ nhà ông Dương Văn Vinh, đồng chí Nguyễn Văn Cúc móc nối, gầy dựng hàng chục cơ sở nòng cốt và bám trụ hoạt động suốt những năm đen tối nhất. Nhiều gia đình tư sản trở thành cơ sở nuôi chứa cán bộ nội thành như ông bà Giang Thanh Khê - Đàm Thị Bảy (tiệm dệt, nuôi chứa đồng chí Minh Kiều), ông bà Nguyên Phát (tiệm sắt, nuôi chứa đồng chí Phạm Văn Phụng)…
Chuẩn bị cho Chiến dịch Xuân Mậu Thân, đầu năm 1967, Tỉnh ủy Trà Vinh phân công đồng chí Nguyễn Tấn Liềng (Bảy Sách) - Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Bí thư Thị ủy. Với tầm nhìn xa trông rộng, Bí thư Nguyễn Tấn Liềng đã quyết định thành lập Chi bộ Tư trí vận trực thuộc Ban Thường vụ Thị ủy, chịu trách nhiệm công tác vận động tư sản, trí thức nội ô tỉnh lỵ tham gia vào cuộc đấu tranh chung. Bí thư Chi bộ đặc biệt này là đồng chí Châu Minh Lối (Tám Lối) - một cán bộ xuất thân từ tầng lớp trí thức, có nhiều mối quan hệ thâm giao với giới nhân sĩ, tư sản yêu nước Trà Vinh (Lý lịch đảng viên của đ/c Châu Minh Lối, bản lưu tại Ban Tổ chức Thành ủy Trà Vinh). Qua đó, huy động được ngày càng nhiều hơn sự đóng góp của những nhà tư sản yêu nước, tạo tiền đề xây dựng phong trào chính trị quần chúng vững chắc ngay trong nội ô, vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 vừa thực hiện “mai phục” lâu dài, góp phần vào chiến thắng cuối cùng mùa Xuân 1975.
Chân dung ông Châu Minh Lối (Tám Lối). |
Cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, trở thành ngọn cờ tập hợp các tầng lớp Nhân dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Theo sự giới thiệu của Tỉnh ủy Trà Vinh, được sự chấp thuận của Ủy ban Trung ương Mặt trận, Khu ủy khu Tây Nam Bộ đã mời Nhà tư sản Dương Văn Vinh ra chiến khu, đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Mặt trận khu Tây Nam Bộ. Việc một Nhà tư sản giàu có uy tín lớn, được chính quyền Sài Gòn trọng vọng, đang sống trong nhung lụa, chấp nhận đưa cả gia đình ra chiến khu tham gia kháng chiến đã tạo ra tiếng vang lớn không chỉ tại tỉnh lỵ Trà Vinh mà còn trong giới nhân sĩ, trí thức, tư sản cả miền Nam lúc ấy. Trong gần 15 năm đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Mặt trận khu Tây Nam Bộ, bằng tài năng và uy tín của mình, Chủ tịch Dương Văn Vinh đã hoàn thành xuất sắc trọng trách được Đảng, Nhân dân và lịch sử giao phó. Mặt trận khu Tây Nam Bộ thực sự là ngọn cờ tập hợp các tầng lớp của cộng đồng các dân tộc, các tôn giáo vùng đồng bằng sông Cửu Long chung sức, chung vai đưa cuộc kháng chiến tới ngày toàn thắng. Nhiều vị nhân sĩ, trí thức, điền chủ, tư sản… đã trực tiếp thoát ly ra bưng biền hoặc hăng hái ủng hộ tài lực, vật lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Noi gương cha, những người con của ông - vốn là những cậu ấm, cô chiêu ngày nào, đều trực tiếp cầm súng tham gia kháng chiến và ba người trong số họ đã nằm lại trên các chiến trường sông nước Tây Nam Bộ.
Ngày nay, chủ trương đổi mới, hội nhập của Đảng và Nhà nước đã tạo ra cái nhìn cởi mở, thân thiện hơn về giai cấp tư sản và những nhà tư sản yêu nước, tạo điều kiện đánh giá đúng mức những đóng góp không nhỏ của họ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khi kinh tế tư nhân được xem là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước, thì giới tư sản Trà Vinh càng có điều kiện phát huy truyền thống, huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, trí lực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp, văn minh.
TRẦN DŨNG
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.