13/11/2023 06:32
Chị Nguyễn Thị Đồng (bên phải) thu mua trái cây tại địa phương.
Điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi có chị Nguyễn Thị Đồng, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) “Liên kết và tiêu thụ trái cây” ở ấp Rạch Đùi, xã Ninh Thới. Năm 2022, nhận thấy sản lượng các mặt hàng trái cây ở địa phương tương đối lớn, nhà vườn có lúc phải chịu cảnh được mùa mất giá, từ thực tế đó chị đã nảy sinh ý tưởng thành lập THT để liên kết và tiêu thụ trái cây cho hội viên cũng như nhân dân trong ấp Rạch Đùi nói riêng và xã Ninh Thới nói chung. Thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã và Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, THT “Liên kết và tiêu thụ trái cây” được thành lập vào ngày 26/8/2022, có 10 thành viên tham gia và do chị làm tổ trưởng.
Để cho Tổ hoạt động hiệu quả, chị Đồng thay mặt tổ làm đầu mối liên kết với các hộ hội viên và người dân trong vùng để thu mua các loại trái cây và cung ứng ra thị trường. Bình quân mỗi ngày THT thu mua khoảng 01 tấn trái cây các loại của hội viên và người dân trên địa bàn xã cung ứng ra thị trường, sau khi trừ các khoản chi phí Tổ thu về lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/tháng. Thấy được hiệu quả của mô hình, đến nay chị Đồng đã vận động phát triển mới thêm 3 thành viên vào Tổ, nâng tổng số đến nay THT có 13 thành viên. Từ khi THT ra đời đã giúp cho nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái ở địa phương giải quyết được bài toán đầu ra và giá bán ổn định hơn, qua đó an tâm đầu tư sản xuất.
Trao đổi về hoạt động của THT trong thời gian qua, chị Đồng cho biết: “Từ khi thành lập THT liên kết tiêu thụ trái cây đến nay các chị trong THT yên tâm sản xuất, thu nhập ổn định, trái cây được bán ra có giá cả ổn định hơn, giải quyết được việc làm các chị trong thời gian nhàn rỗi. Sau khi thua mua trái cây ở địa phương bán ra thị trường tôi cũng mong muốn quảng bá sản phẩm trái cây ở địa phương để cho mọi người biết trái cây ngon của địa phương mình”.
Một điển hình khác là chị Thạch Thị Thia Ri, ở Ấp 4, xã Phong Phú. Với tính cần cù, chịu khó tìm tòi học hỏi và luôn tìm một hướng đi mới. Ngoài canh tác cây lúa chị luôn quan tâm phát triển các mô hình mới, trong đó có mô hình trồng sen lấy ngó cho thu nhập cao và ổn định.
Chị Thạch Thị Thia Ri thu hoạch ngó sen.
Chị Thia Ri cho biết: vài năm trở lai đây điều kiện sản xuất lúa gặp rất nhiều khó khăn khi giá phân bón, thuốc trừ sâu liên tục tăng cao, trong khi đó giá lúa bán ra bấp bênh, thu nhập từ canh tác lúa không nhiều hiệu quả. Đầu năm 2022, sau khi tìm tòi học hỏi kinh nghiệm chị Thia Ri quyết định chuyển 5.000m2 đất trồng lúa của gia đình sang trồng sen lấy ngó, qua đó đã giúp gia đình nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Với 05 công trồng sen, hiện nay bình quân 02 ngày chị Thia Ri thu hoạch một lần và cho sản lượng từ 25 - 30kg, giá bán 30.000 đồng/kg, mỗi tháng gia đình chị thu về khoảng 10 triệu đồng. Ngoài bán ngó sen, mỗi tháng chị còn thu nhập từ 01-1,5 triệu đồng từ việc bán bông và gương sen. Với ưu thế thời gian trồng đến thu hoạch ngắn, ít vốn đầu tư và công chăm sóc, dễ tiêu thụ, trồng sen là mô hình phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, mô hình mở ra hướng đi mới cho hội viên phụ nữ nói riêng, nông dân ở địa phương nói chung phát triển kinh tế.
Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả từ việc trồng sen mang lại, chị Thia Ri chia sẻ: trồng sen có hiệu quả hơn các loại rau màu khác, nhẹ công chăm sóc, chỉ gieo trồng rồi đợi đến ngày thu hoạch, ngày cách ngày thu hoạch khoảng 30kg, giá bán hiện tại 30.000 đồng/kg, cứ 02 ngày thu hoạch 01 lần bán được 600.000 đồng.
Có thể nói, chị Nguyễn Thị Đồng, ở ấp Rạch Đùi, xã Ninh Thới và chị Thạch Thị Thia Ri, ở ấp 4, xã Phong Phú là những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi. Các chị đã góp phần tô thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn chịu thương, chịu khó, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bài, ảnh: QUANG HUY
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.