10/12/2020 08:40
Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi Phan Trung Hòa.
Hơn nửa đời người gắn bó với nghề trồng lúa, ông Mười Hòa hiểu được những khó khăn vất vả của nông dân, khi thì được mùa nhưng không được giá và ngược lại. Ông luôn trăn trở về việc tìm hướng đi mới cho nghề nông bởi năm nay ông đã 53 tuổi, sức khỏe đã không còn dẻo dai như trước để theo nghề trồng lúa chất lượng cao.
Ông Mười Hòa cho biết: năm 2017, thông qua các phương tiện truyền thông tôi tìm hiểu và bắt đầu cải tạo 0,5ha đất ruộng, tận dụng thêm đất vườn, ao quanh nhà làm dàn trồng gấc. Đối với đất lúa kém hiệu quả có thể trồng màu nhưng chỉ sau 01 - 02 vụ trồng phải đổi giống cây màu rất tốn công. Trong khi trồng gấc có thể đầu tư một lần nhưng thu hoạch nhiều năm liền, nếu trồng khéo có thể kéo dài 05 - 07 năm. Ông chọn giống gấc gốc ghép nên cho trái thịt dày và ngon, tuy giá bán cao hơn bên ngoài nhưng chất lượng tin cậy. Mỗi gốc 20.000 đồng và trồng 25 gốc/1.000m2. Chỉ sau 04 tháng chăm sóc, gấc đã cho trái hơn sự mong đợi. Trái gấc bán có giá dao động từ 7.000-15.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, ông thu hoạch 0,4 tấn trái, bán với giá 9.000 đồng/kg, thu nhập trên 3,5 triệu đồng.
Gấc là loại thân leo nên khi dây gấc càng lớn, gấc cho trái càng nhiều và sản lượng thu hoạch tăng lên. Gấc rất dễ trồng, để giảm chi phí, ông Mười Hòa làm dàn lưới cách mặt đất khoảng 02m. Khi xuống giống, ông đào một hố lớn, trộn phân bò và tro trấu tạo độ xốp để cây phát triển bền vững. Khi cây có trái, bón phân mỗi tháng 01 lần, chủ yếu là NPK. Nếu dây tốt thì rải phân ka-li cho vỏ gấc dày, ruột đỏ, tránh sâu bệnh.
Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Mười Hòa còn kinh doanh giỏi. Năm 2019, ông cùng với nhiều nông dân ở địa phương góp vốn 100 triệu đồng thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Gấc Hòa Phú với 16 thành viên sản xuất trên diện tích 04ha. Ngoài thu mua nông sản của các thành viên và các hộ trồng nhỏ lẻ, HTX còn cung cấp cây gấc giống cho nông dân trong và ngoài địa phương.
Có thể nói, mô hình trồng gấc của ông Mười Hòa vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên vùng đất kém hiệu quả, vừa nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Ngoài hiệu quả từ mô hình trồng trọt, ông Mười Hòa còn được nhiều người dân địa phương biết đến bởi mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng hợp từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, gia đình ông Mười Hòa thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Từ năm 2016 đến nay, hàng năm gia đình ông được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu, được nhận giấy khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, huyện. Năm 2020, ông là một trong 03 cá nhân của huyện Càng Long được biểu dương, khen thưởng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.