17/05/2021 11:00
Nông dân SXKDG Nguyễn Văn Ngơi kiểm tra ếch giống bố mẹ.
Giai đoạn 2017-2021, qua bình xét, toàn tỉnh có 191.524 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp, chiếm 53% so với số hộ đăng ký, thu nhập bình quân hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp từ 218 triệu đồng/năm đến 1,3 tỷ đồng/năm. Riêng trên địa bàn thành phố Trà Vinh, qua bình xét và công nhận được 4.536 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp.
Thông qua phong trào, Hội chủ động thực hiện phương châm “Nông dân hướng dẫn nông dân” xuất hiện nhiều gương điển hình với tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm tìm tòi học hỏi đưa vào thử nghiệm nhân rộng nhiều loại cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng hoa trong nhà lưới kết hợp với trồng màu ở ấp Long Bình (Phường 4); mô hình trồng bông cúc và các loại hoa mới ở Tổ hợp tác số 1 (ấp Vĩnh Yên thuộc làng nghề của xã Long Đức) cùng với nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong giai đoạn 2017-2021, phong trào nông dân SXKDG các cấp đã nâng lên, trong đó về thu nhập tăng khoảng 300-500 triệu/hộ/năm so với giai đoạn 2012-2017 khoảng 100-300 triệu đồng. Đặc biệt, có nhiều hộ đạt doanh thu trên 01 tỷ đồng.
Nông dân SXKDG Nguyễn Văn Ngơi, ấp Huệ Sanh, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh chia sẻ về mô hình làm giàu từ nuôi ếch: năm 2015, gia đình bắt đầu làm quen với mô hình nuôi ếch thịt khoảng 200 con, diện tích 18m2. Sau 05 năm mô hình nuôi ếch của gia đình đã phát triển và nhân rộng với diện tích trên 300m2 và chuyển sang sản xuất ếch giống cung cấp cho người nuôi ngoài địa phương và kết hợp với việc duy trì nuôi ếch thịt; hàng năm cung cấp cho thương lái trong thành phố khoảng 06 tấn ếch thịt và xuất bán gần 350.000 con ếch giống; riêng năm 2021 gia đình dự kiến xuất bán khoảng 700.000 con giống, với giá dao động 1.000-1.200 đồng/con ếch giống.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thạch Xướng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Trà Vinh cho biết: giai đoạn 2017-2021, phong trào nông dân SXKDG trên địa bàn đã đồng hành cùng với thành phố trong thực hiện chuyển đổi vật nuôi, cây trồng theo hướng kinh tế đô thị. Thông qua việc tranh thủ các nguồn vốn của Hội Nông dân như Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội… tập trung đầu tư vào các mô hình khả thi và nhân rộng phù hợp với kinh tế đô thị, khi điều kiện về đất sản xuất nông nghiệp ngày càng ít do đô thị hóa. Qua đó, đã tác động rất lớn, nhất là về nhận thức của người dân về sản xuất phù hợp với biến đổi khí hậu, kinh tế đô thị gắn với môi trường; như nuôi ếch, lươn, V.A.C (vườn- ao- chuồng) và sản xuất hoa kiểng. Tuy nhiên, cái khó hiện nay khi nông dân ứng dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, công nghệ cao; đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn, trong khi đó sự hỗ trợ của các nguồn vốn và vốn tự có của người dân tham gia mô hình có hạn chế, nên tính nhân rộng ra ngoài chưa nhiều.
Đánh giá về vai trò tác động của phong trào nông dân SXKDG vào trong thúc đẩy phát triển kinh tế hộ trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Càng Long cho biết: phong trào nông dân SXKDG trong giai đoạn 2017-2021 đã xét và công nhận được 8.712 hộ; trong này, có 130 hộ đạt cấp tỉnh; cấp huyện 827 hộ và cấp cơ sở là 7.754 hộ; từ phong trào trên đã chia sẻ, hỗ trợ và giúp nhau bằng các hình thức để giúp 101 hộ nông dân làm chủ hộ trong diện hộ cận nghèo và hộ nghèo đã thoát nghèo.
Hội nông dân các cấp trong huyện đã có nhiều giải pháp tổ chức hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, là thế mạnh của huyện; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là thông qua đó, Hội đã xây dựng 62 điểm mô hình kinh tế có khả năng nhân rộng, thu hút 752 thành viên tham gia và giải quyết việc làm khoảng 1.600 lao động. Đồng thời, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và góp phần cùng huyện thực hiện thành công huyện nông thôn mới trong năm 2021. Giá trị thu nhập từ các mô hình trong hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG giai đoạn 2017- 2021 khoảng 350 triệu đồng/hộ/năm.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.