07/03/2022 06:09
Ngày 30/01/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trước đó, ngày 11/01/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc ban hành 02 nghị quyết này, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 (Chương trình) - Ông Dương Huy Phong, Giám đốc Chi nhánh Ngân hành Chính sách xã hội (CSXH) Trà Vinh cho biết.
Cây màu đã giúp nông dân xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải giảm nghèo, vươn lên khá, giàu.
Trà Vinh có 09 huyện, thị xã và thành phố, với 106 xã, phường, thị trấn; dân số hơn 01 triệu người, với 03 dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa. Trong đó, dân tộc Khmer chiếm trên 31%. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 3,56%, hộ cận nghèo 06%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo 7,19%/tổng số hộ dân tộc thiểu số, cận nghèo 9,98%/tổng số hộ dân tộc thiểu số. Với tinh thần đó, tỉnh đã được phân bổ vốn và sẵn sàng triển khai thực hiện các nhóm giải pháp, nhóm đối tượng được vay, đặc biệt là nguồn vốn thực hiện Chương trình từ nay đến năm 2025 theo Nghị quyết số 120/2020/QH14, giai đoạn 2021- 2030, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 43/2022/QH15, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Nhu cầu nguồn vốn tín dụng thực hiện Chương trình cho giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh là 271,322 tỷ đồng để đầu tư cho các các dự án, cụ thể: Hỗ trợ đất ở cho 95 hộ, vốn vay 2,375 tỷ đồng; Nhà ở cho 1.030 hộ, vốn vay 25,75 tỷ đồng; Đất sản xuất cho 05 hộ, vốn vay 387,5 triệu đồng; Chuyển đổi nghề cho 571 hộ, vốn vay 57,1 tỷ đồng; Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 184,05 tỷ đồng. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch 1,66 tỷ đồng.
|
Ông Dương Huy Phong cho biết thêm: sau khi lấy ý kiến dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của các sở, ban, ngành có liên quan và được sự đồng thuận cao về một số nội dung có liên quan, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 369/QĐ-UBND, ngày 14/02/2022 để triển khai thực hiện. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Qua kết quả rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2030, thì tổng nhu cầu vốn cho giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025) trên địa bàn tỉnh là 271,322 tỷ đồng để đầu tư tập trung vào 03 dự án trọng tâm: Dự án 1, đầu tư giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt nhu cầu vốn tín dụng chính sách là 85,6 tỷ đồng; Dự án 3, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng dễ sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Trong đó, đầu tư cho Tiểu dự án 2: hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với nhu cầu vốn tín dụng chính sách là 184 tỷ đồng và Dự án 6, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch với nhu cầu vốn tín dụng chính sách là 1,7 tỷ đồng.
Về giải pháp thực hiện, theo ông Dương Huy Phong, để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống, nguồn vốn phát huy hiệu quả cao nhất, sau khi có văn bản quy phạm pháp luật của cấp có thẩm quyền về triển khai cho vay đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định, trong năm 2022, Ngân hàng CSXH sẽ tham mưu UBND tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Chính phủ đến các đối tượng thụ hưởng; tiến hành rà soát, xác định đối tượng có nhu cầu vốn tín dụng chính sách để ngay sau khi được phân bổ nguồn vốn tín dụng chính sách, hệ thống Ngân hàng CSXH tổ chức triển khai thực hiện cho vay, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Để triển khai chính sách tín dụng trong thời gian tới đạt được hiệu quả, đúng với tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP, Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 120/2020/QH14 theo hướng đảm bảo đúng quy định, an toàn nguồn vốn, phù hợp với thực tế tại các địa phương, trong quá trình triển khai, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần lãnh đạo sâu sát; phát huy vai trò của MTTQ và đoàn thể các cấp; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng. Thực hiện Chương trình giai đoạn từ năm 2021 - 2025 cũng như đến năm 2030 cần bám sát cơ chế cho vay đối với các dự án, tiểu dự án.
Đồng thời, cần quan tâm đến từng nội dung cụ thể trong các dự án như: đối tượng thụ hưởng, phạm vi áp dụng, nội dung chính sách, việc xác nhận đối tượng, phương thức cho vay, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án... cần rõ ràng, thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện và làm căn cứ để Ngân hàng CSXH tại địa phương cho vay đúng theo quy định.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.