26/03/2021 05:01
Sau 02 năm “làm bạn” với ma túy đã làm cho thân thể của Q ngày càng gầy gò, tiều tụy. Căn nhà anh ở cũng chính là nơi trước đây anh và nhóm bạn tụ tập sử dụng ma túy đá. Người dân sinh sống trong khu vực rất bức xúc, vì nhóm bạn luôn gây ồn ào, mất an ninh trật tự. Không cuộc vui ma túy nào kết thúc sớm, kéo dài đến tận 03, 04 giờ sáng. Mẹ của Q không chịu nổi cảnh hư hỏng của con, nên dọn đến ở nhờ nhà người quen. Cuối năm 2018, anh được chính quyền địa phương đưa đi cai nghiện bắt buộc 12 tháng tại Cơ sở Tư vấn và điều trị nghiện ma túy của tỉnh. Tại đây, Q được sống trong môi trường giáo dục cơ bản, ăn ngủ, sinh hoạt đều theo nội quy của cơ sở, đồng thời nhờ sự quan tâm của cán bộ đã giúp anh dần lấy lại tinh thần để từ bỏ ma túy.
Sau khi về với gia đình, được chính quyền địa phương, nhất là thành viên Câu lạc bộ Không ma túy của địa phương thường xuyên đến nhà động viên, khuyên bảo anh đã nhận thấy được tác hại của ma túy nên quyết tâm từ bỏ nó, làm lại cuộc đời. Theo Công an xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, từ khi cai nghiện về đến nay, qua nhiều lần kiểm tra thường xuyên và đột xuất đều không phát hiện Q dương tính với các chất ma túy.
Người dân địa phương cho biết, sau lần gặp nhóm bạn học cũ, chúng thường rủ rê, Q đã nghe lời bạn thử sử dụng ma túy một lần cho biết, kể từ đó anh trở thành con nghiện, 02 công đất, 01 chiếc xe mô-tô và một số tài sản khác lần lượt đội nón ra đi theo làn khói trắng.
Hối hận về những việc đã làm, Q chú tâm chăm lo cho cuộc sống hiện tại. Hàng ngày, anh ra đồng chăm sóc vườn lài đang ra hoa, thu nhập mỗi tháng trên 10 triệu đồng. Để đoạn tuyệt với ma túy, anh không sử dụng điện thoại, không mua xe mới, giành thời gian chơi thể thao phong trào ở địa phương.
Từng là nô lệ của “cái chết trắng”, chị T (ngụ Phường 4, thành phố Trà Vinh) thấu hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, giờ đây chị thật sự hạnh phúc bên chồng và con, kinh tế gia đình dần ổn định.
Trước đây, chị T có công việc may gia công, nhưng do dính vào ma túy dẫn đến phạm tội, sau khi chấp hành xong án phạt tù, chị trở về địa phương tiếp tục nghề may. Với mong muốn xây dựng cuộc đời mới sau lần vấp ngã ấy, chị T cố làm hết sức mình để có tiền nuôi con nhỏ và trang trải cuộc sống. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đôi lúc chị muốn mở rộng sản xuất nhưng không đủ vốn. Trong một lần gặp gỡ với cảnh sát khu vực, biết được chính sách hỗ trợ đối với người tái hòa nhập cộng đồng, chị T đã mạnh dạn đề đạt ý nguyện của mình và đã được Câu lạc bộ Gây quỹ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng Phường 4 đồng ý cho vay 05 triệu đồng. Có vốn, chị T mua thêm vải, đầu tư thêm máy may và thuê một căn nhà nhỏ gần đường lớn để thuận tiện hơn trong công việc. Sau một năm, chị T đã hoàn vốn và được Câu lạc bộ tạo điều kiện cho chị tiếp tục vay để phát triển kinh tế gia đình.
Đoạn tuyệt với ma túy là điều không hề dễ dàng, nhưng với ý chí và nghị lực, chị T đã vượt qua cám dỗ, sống thiện lương, không chỉ tạo thêm thu nhập cho gia đình mà còn giúp một số phụ nữ ở địa phương có việc làm ổn định.
Con đường trở về nẻo thiện luôn là một hành trình đầy gian nan, thử thách, nhất là đối với những người đã từng “lầm đường, lạc lối”, nhờ có sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, gia đình và xã hội, sự nỗ lực vươn lên từ chính bản thân đã giúp họ đủ mạnh mẽ để vượt qua sự tự ti, mặc cảm, những cám dỗ, lôi kéo và cũng nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện làm ăn kinh tế đã tạo ra cho họ cơ hội để đứng vững và làm lại cuộc đời.
KHA NHÂN
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.