31/05/2021 13:13
Sư cả Thạch Som. Ảnh: DƯƠNG HỮU ĐỊNH |
Đại lão Hòa thượng Thạch Som sinh năm 1911, tại phum Chông Nô, làng Hòa Thinh, tổng Tuân Nghĩa, huyện Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay là ấp Chông Nô 1, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) trong một gia đình nông dân Khmer nghèo khổ. Năm cụ lên bốn tuổi đã mồ côi cha mẹ, phải sống nương nhờ thân tộc và bà con phum sóc. Năm 1931, khi tuổi vừa 20, cụ vào thọ giới sadi theo đúng phong tục của người Khmer, tại chùa Ô Mịch (xã Châu Điền, huyện Cầu Kè). Năm 1932, cụ lên đường tu học ở Sóc Trăng, rồi Campuchia, mãi đến năm 1941 mới trở về nhận chức sư cả trụ trì chùa Ô Mịch - một ngôi chùa Khmer nghèo bên dòng sông Rùm Sóc. Dưới sự trụ trì của sư cả, đồng bào Phật tử Ô Mịch chung tay xây dựng ngôi chùa khang trang để sư sãi có nơi tu học, Phật tử có nơi nghe kinh, chiêm bái đức Phật.
Sinh trưởng trong một gia đình Khmer nghèo, trở thành nạn nhân của xã hội bất công thời ấy nên dù chuyên tâm chuyện tu hành, phụng sự đạo pháp nhưng Sư cả Thạch Som vẫn dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng đầy gian khổ. Trong suốt cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, sư cả và ngôi chùa Ô Mịch luôn là cơ sở nuôi chứa trung kiên cho các cán bộ cách mạng ra vào hoạt động trong nội ô huyện lỵ Cầu Kè. Noi gương vị sư cả, đồng bào Khmer Ô Mịch, đồng bào Khmer Cầu Kè một lòng một dạ đi theo cách mạng, đấu tranh giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc. Trong giai đoạn sáu năm chính trị, Hòa thượng Thạch Som được phân công phụ trách Ban Sãi vận huyện Cầu Kè.
Có một điều hết sức lý thú, khẳng định tấm lòng thủy chung của đồng bào Khmer, của sư sãi chùa Ô Mịch đối với Hòa thượng Sư cả Thạch Som là trong suốt gần 15 năm sư cụ thoát ly tham gia kháng chiến, ngôi chùa này chỉ có vị sư cả nhì mà khiếm khuyết chức danh sư cả. Đây là trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử Phật giáo Khmer Nam Bộ. Sau ngày giải phóng 30/4/1975 từ chối mọi chức vụ, địa vị trong bộ máy nhà nước nhân dân mới hình thành, Hòa thượng Thạch Som thanh thản trở về nhận lại chức danh sư cả như một người vừa hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với đất nước trong buổi loạn ly, vừa để đáp lại tấm thanh tình của vùng quê nghèo khó đối với mình.
|
Mùa Đolta năm 1960, chuẩn bị cho cuộc Đồng khởi của quân dân Trà Vinh, cụ trở thành linh hồn lãnh đạo hơn 10.000 sư sãi và đồng bào Khmer Cầu Kè tham gia cuộc đấu tranh chính trị quy mô hơn 40.000 người vào tỉnh lỵ Trà Vinh. Đầu năm 1961, chi khu Cầu Kè đưa một đại đội bảo an đến chiếm chùa xây đồn nhằm khống chế Sư cả Thạch Som, khống chế đồng bào Khmer Ô Mịch. Sư cụ lãnh đạo Phật tử địa phương, cùng đồng bào Khmer Cầu Kè đấu tranh đòi địch phải trả lại nhà chùa. Ngày 10/5/1961, địch bắt sư cụ đưa về giam tại Khám lớn Trà Vinh với ý đồ tách ly cụ khỏi phong trào. Từ trong nhà tù, thông qua sự liên lạc và trực tiếp điều hành của má Thạch Thị Thanh (người sau này được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), sư cụ đã chỉ đạo cuộc đấu tranh chính trị “tản cư Phật” chấn động Nam Bộ hồi ấy.
Ngày Đolta 1961, lấy cớ vào chùa lễ Phật, đồng bào Khmer Cầu Kè, có sự hỗ trợ của đồng bào người Việt, người Hoa mang theo hàng trăm ghe xuồng, đậu kín cả dòng sông Ô Mịch. “Phật không ở với quỷ dữ, Phật phải trở về với Nhân dân!”, đồng bào đã khiêng hết những tượng Phật xuống ghe rời chùa Ô Mịch, đến tá túc những ngôi chùa chung quanh. “Chùa chỉ là chùa khi có Phật. Không còn Phật, chùa chỉ còn là đồn địch!”. Ngày hôm sau, đồn Ô Mịch bị quân giải phóng tấn công, đại đội bảo an bị tiêu diệt hoàn toàn. Cuộc đấu tranh chính trị “tản cư Phật” tại chùa Ô Mịch tạo ra tiếng vang lớn khắp các tỉnh Nam Bộ; đồng thời, góp phần quan trọng tạo nên chiến công ba mũi giáp công tiêu biểu của quân dân huyện Cầu Kè thời chống Mỹ. Sự kiện này được Soạn giả Thạch Chân (sau này là Nghệ sĩ Ưu tú, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Trà Vinh) sáng tác và dàn dựng thành kịch bản sân khấu Dù kê “Trên nền chánh điện” trên sân khấu Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh biểu diễn hàng trăm buổi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và nước bạn Campuchia.
Thất bại, địch trút mọi căm tức vào những trận đòn tra tấn hèn hạ lên thân thể người tu hành. Đòn thù dã man vẫn không thắng ý chí kiên cường của một người đã nhận ra con đường tất yếu của dân tộc. Địch hung hăng đưa cụ ra tòa với bản án lưu đày biệt xứ. Tỉnh ủy Trà Vinh, thông qua Hội Đoàn kết Sư sãi và Ban Khmer vận, quyết định tổ chức giải cứu sư cụ khỏi nanh vuốt kẻ thù. Ban Quản trị chùa Ô Mịch đòi phải đưa sư cụ về thăm lại chùa trước lúc lưu đày. Địch cho một trung đội bảo an áp giải sư cụ trở về Ô Mịch, ý đồ của chúng muốn cho người Khmer Cầu Kè hoảng sợ khi nhìn thấy một người chết đi sống lại vì những trận đòn tra tấn. Trên đường đi, đến khoảng giữa xã Phong Phú với xã Châu Điền, bộ đội tỉnh Trà Vinh phối hợp với bộ đội Cầu Kè từ trận địa phục kích bất ngờ nổ súng, tiêu diệt trung đội bảo an, giải cứu an toàn Hòa thượng Thạch Som đưa về căn cứ.
Không thể ở lại chùa Ô Mịch trước sự tầm nã của kẻ thù, Sư cả Thạch Som mang luôn chiếc áo vàng đi theo kháng chiến. Từ cương vị Trưởng Ban Sãi vận tỉnh Trà Vinh, năm 1964, sư cụ được điều về khu giữ trọng trách Chủ tịch Hội Sư sãi đoàn kết Khmer Nam Bộ, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Tây Nam Bộ, rồi Ủy viên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Một thời gian dài, Hòa thượng được phân công chỉ đạo phong trào sư sãi và Phật tử 03 tỉnh có đông đồng bào Khmer là Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Trên những cương vị đó, Hòa thượng Thạch Som đã đi khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đến từng nhà chùa, từng phum sóc vận động sư sãi và đồng bào Khmer nhận rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù, trực tiếp tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc. Noi gương cụ, nhiều vị sư sãi, nhiều thanh niên Khmer đang tu học đã gởi lại áo vàng cho nhà chùa, trực tiếp thoát ly cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù. Noi gương cụ, đồng bào Khmer cùng các sư sãi khắp các tỉnh miền Tây vững vàng trên chiến tuyến đấu tranh trực diện với kẻ thù, góp phần xứng đáng vào chiến thắng chung của dân tộc.
Trở về Ô Mịch, Hòa thượng Sư cả Thạch Som lại cùng Phật tử phum sóc chắt chiu, tằn tiện xây dựng lại ngôi chùa đã bị bom pháo địch hủy diệt để trả thù sau ngày sư cụ ra đi. Chùa nghèo, phum sóc cũng nghèo nhưng sư cụ không hề một lần đòi hỏi sự giúp đỡ từ phía nhà nước nên mãi đến gần 30 năm sau, ngôi chánh điện mới được xây dựng lại trong sự tự lực của sư sãi và Phật tử Khmer Ô Mịch. Từ chùa Ô Mịch, Hòa thượng lại có những ý kiến đóng góp quý báu cho việc hình thành cùng hoạt động của Hội Sư sãi đoàn kết huyện Cầu Kè, Hội Đoàn kết sư sãi tỉnh Trà Vinh cùng hệ thống giáo dục chữ Pali - Khmer trong các chùa Khmer. Người Khmer Trà Vinh lại có điều kiện tu học thanh bình trong sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và trong vòng tay yêu thương đùm bọc của cộng đồng các dân tộc. Ngôi chùa Ô Mịch, nơi gắn bó suốt đời của vị chân tu đạo cao đức trọng Thạch Som, nơi diễn ra cuộc đấu tranh chính trị “tản cư Phật” gây chấn động năm nào đã được UBND tỉnh Trà Vinh xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2016.
Với một cuộc đời tận tụy cống hiến cho đạo pháp, cho dân tộc, với quá trình phụng sự Phật pháp lâu dài và đức độ ngời sáng, Đại lão Hòa thượng Sư cả chùa Ô Mịch được Giáo hội Phật giáo Việt Nam suy tôn vào Hội đồng Chứng minh 03 khóa liền, trong đó có 02 khóa sư cụ đảm nhiệm cương vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho đến khi viên tịch.
Những ngày đầu xuân 15 năm trước, Đại lão Hòa thượng Phó Pháp chủ Thạch Som nhập niết bàn. Một chiếc lá bồ đề đã trở về cùng cõi Phật nhưng trong lòng người phật tử Việt Nam, người Khmer Nam Bộ vẫn còn mãi hình ảnh một vị chân tu hết lòng vì đạo pháp, vì dân tộc với tài năng và đức độ phi thường.
TRẦN DŨNG
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.