14/10/2023 16:05
Đồng chí Lâm Sáng Tươi nêu ra những giải pháp thực hiện tốt công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng.
TGPL là một trong những hoạt động mang tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, nhằm đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực hiện công bằng, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Trà Vinh và các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng TGPL trong hoạt động tố tụng và TGPL trong tư vấn.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tiếp nhận 463 vụ việc yêu cầu TGPL. Trong đó, quý III/2023, đã tiếp nhận 155 lượt yêu cầu TGPL, cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng 57 vụ; cử luật sư thực hiện TGPL tham gia tố tụng 44 vụ. Quá trình tham gia tố tụng, trợ giúp viên, luật sư đều thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc người được TGPL, thu thập chứng cứ, chuẩn bị bản luận cứ và tham gia tranh luận tại phiên tòa. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật của vụ án, giúp cho Hội đồng xét xử đánh giá khách quan, toàn diện, đúng bản chất vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích cho người được TGPL.
Đặc biệt thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC, ngày 29/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10), đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người thực hiện TGPL.
Hệ thống các biểu mẫu, biên bản, thông tin được quy định cụ thể, rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc hướng dẫn, giải thích, thông tin, thông báo và thống kê vụ việc. Nhất là việc quy định trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông tin về người thuộc diện TGPL cho Trung tâm TGPL trong trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được TGPL và chưa có yêu cầu TGPL, góp phần hạn chế tối đa việc bỏ sót nhu cầu TGPL.
Năm 2023, Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra tại Viện Kiểm sát nhân dân và Công an huyện Cầu Ngang, Tiểu Cần, Cầu Kè; Tòa án nhân dân các huyện Trà Cú, Tiểu Cần và thành phố Trà Vinh. Qua kiểm tra, điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán có thực hiện việc giải thích cho người bị buộc tội, người bị hại và các đương sự về quyền được TGPL; gửi thông báo, thông tin về TGPL đến Trung tâm TGPL khi đối tượng thuộc diện được TGPL. Đồng thời, các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc giao, tống đạt các văn bản tố tụng cho người thực hiện TGPL.
Các cơ quan tiến hành tố tụng được kiểm tra có thực hiện việc thống kê vào sổ theo dõi vụ việc; niêm yết bảng thông tin về TGPL tại trụ sở. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL khi tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 08/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị Tòa án nhân dân được kiểm tra đã thực hiện tốt thông tin đến Trung tâm TGPL khi phát hiện người thuộc diện TGPL.
Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn còn hạn chế như chưa thực hiện giải thích quyền được TGPL; chậm cung cấp thông tin về người TGPL cho người bị buộc tội, người bị hại; giải thích chưa đầy đủ về TGPL; chưa ban hành thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định…
Để thực hiện tốt công tác phối hợp trong TGPL, đồng chí Lâm Sáng Tươi, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp liên ngành phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2023, các cơ quan tố tụng cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí. Quán triệt sâu rộng Thông tư liên tịch số 10 đến các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh để người tiến hành tố tụng kịp thời cung cấp bảng thông tin về người được TGPL cho người bị buộc tội, người bị hại, đương sự; giải thích về quyền được TGPL. Thực hiện tốt việc theo dõi, đánh giá, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trợ giúp viên tham gia trợ giúp pháp lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần ưu tiên công tác TGPL mà Đảng và Nhà nước quan tâm đối với nhóm đối tượng yếu thế, đối tượng là người nghèo, cận nghèo, có công với cách mạng, người khuyết tật. Đặc biệt, lưu ý các vụ việc tố giác, kiến nghị khởi tố có liên quan đến phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật có khó khăn về tài chính, người dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo khách quan, giảm số lượng vụ việc khiếu kiện nhiều nơi, khiếu kiện vô căn cứ. |
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đã và đang từng bước được kiện toàn và chú trọng hơn. Hầu hết các cơ quan tiến hành tố tụng đều quan tâm triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức trong các đơn vị; sự tham gia của các trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng đã và đang bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho cho người bị buộc tội, người bị hại, đương sự. Qua đó làm sáng tỏ nhiều tình tiết khách quan của vụ án, góp phần nâng cao chất lượng các phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp hiện nay.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.