13/01/2020 09:56
Nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Khmer.
Năm 2019, Trà Cú triển khai xây dựng 129 công trình giao thông nông thôn. Trong đó, 53 công trình đường nhựa, tổng chiều dài 40km, vốn đầu tư 71,87 tỷ đồng; 52 công trình đường đal, tổng chiều dài 32,9km, vốn đầu tư 40,8 tỷ đồng; 05 hệ thống thoát nước, dài gần 24km, vốn đầu tư 5,48 tỷ đồng. Còn lại các công trình sửa chữa, mở rộng, láng nhựa chống thấm, vỉa hè, tổng chiều dài 45,8km, vốn đầu tư 33,3 tỷ đồng. Theo ông Huỳnh Văn Danh, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Trà Cú, ngoài nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình, có 3.796 hộ trong vùng hưởng lợi hiến 241.868m² đất và cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trị giá trên 113 tỷ đồng, cùng Nhà nước đầu tư xây dựng công trình hạ tầng nông thôn. Bên cạnh, Phòng Kinh tế và Hạ tầng tham mưu UBND huyện phê duyệt danh mục duy tu, bảo dưỡng được 63 công trình từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn duy tu, sửa chữa các chương trình mục tiêu quốc gia… Song song đó, triển khai xây mới 30 cầu nông thôn, dài 825m, kinh phí đầu tư gần 23 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình XDNTM, vốn xổ số kiến thiết…
Tại xã Thanh Sơn, một trong những xã nghèo thuộc Chương trình 135 của huyện, đồng bào Khmer chiếm 74%. Những năm qua, để góp phần vực dậy kinh tế địa phương, huyện đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng nông thôn, trong đó, có các công trình giao thông, điện, trường học, nhà văn hóa… Ông Tăng Nhiên, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: Được sự quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn kinh phí, đến nay, hệ thống giao thông chính trên địa bàn xã (Hương lộ 36) và nhiều tuyến đường đến các ấp đã được kiên cố hóa, đal hóa với 26,5km và nhiều cầu bê-tông, đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện. Bên cạnh giao thông, hệ thống điện, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng, phục vụ tốt nhu cầu dân sinh, tỷ lệ sử dụng điện của xã đạt 99,25%. Ngoài ra, xã Thanh Sơn còn được phân bổ nhiều nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo, đồng bào Khmer đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, như nuôi bò vỗ béo, nuôi gà thả vườn, trồng măng tây xanh với hiệu quả kinh tế khả quan.
Ông Kim Tịch, ấp Giồng Ông Thìn, trước đây là hộ nghèo của ấp. Do nhận thấy gia đình ông chí thú lao động, cuối năm 2017, xã đầu tư cho ông trồng 1.000m² măng tây xanh và đạt hiệu quả cao, giúp kinh tế gia đình được cải thiện, vươn lên thoát nghèo. Ông Kim Tịch chia sẻ: Khoảng 02 năm nay, cuộc sống gia đình tôi không còn khó khăn như trước nữa, ngoài trồng măng tây xanh, tôi nuôi thêm 02 con bò, đến nay có thêm 02 bò con, cả nhà mừng lắm! Trước kia, ấp này rất nghèo, đường đi thì khó khăn, bây giờ điều kiện sống tốt hơn, việc đi lại buôn bán thuận tiện hơn trước rất nhiều nhờ đường đal từ xã đến tận ấp. Có đường đi dễ dàng, măng tây xanh của tôi đem bán cũng không bị mất giá nên thu nhập khá hơn.
Hạ tầng giao thông của huyện Trà Cú được đầu tư xây dựng đảm bảo nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng, để chăm lo tốt đời sống đồng bào Khmer, Trà Cú tiếp tục triển khai và quản lý tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo từ các nguồn vốn Trung ương và địa phương, các chương trình, dự án lồng ghép cho các xã bãi ngang, các xã thuộc Chương trình 135... Bên cạnh, định hướng người dân chuyển đổi các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế gia đình và cùng chính quyền địa phương chung tay XDNTM.
Bài, ảnh: ANH KHOA
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.