19/05/2021 09:50
Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh, nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần xây dựng, củng cố, hoàn thiện bộ máy Nhà nước các cấp của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tháng 5 năm 2021 cũng là tháng kỷ niệm 131 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2021) làm cho chúng ta nhớ đến Bác và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ ngày 10/5/1941 đến ngày 19/5/1941 (tại Trường Hà - Hà Quảng - Cao Bằng), Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Hồ Chí Minh chủ trì đã quyết định sau khi đánh đuổi thực dân Pháp - Nhật sẽ lập nên nước Việt Nam dân chủ mới. Chính quyền cách mạng của nước Việt Nam dân chủ mới là một chính quyền cộng hòa, “là của chung cả toàn thể dân tộc”(1).
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trong cuộc họp Chính phủ lâm thời (03/9/1945), thấy rõ tính cấp bách phải củng cố cơ sở pháp lý của nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị sớm tổ chức tổng tuyển cử và ban hành Hiến pháp. Người nói:“Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”(2). Sau đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định Tổng tuyển cử vào ngày 06/01/1946 để bầu Quốc hội, tiến tới lập chính phủ và xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam độc lập.
Vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Các thế lực thù địch và tay sai đang ráo riết chống lại Đảng Cộng sản và Việt Minh, hòng lật đổ chính quyền cách mạng, thiết lập một chính quyền phản động, tay sai cho đế quốc. Ở miền Bắc vĩ tuyến 16 có 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch và ở miền Nam có hàng vạn quân Anh. Nấp dưới bóng quân Anh, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Dựa vào thế lực của đế quốc có mặt trên đất nước lúc bấy giờ, các đảng phái chính trị phản động đã ráo riết chống phá hòng lật đổ chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ còn phải gánh chịu một gia tài đổ nát do chế độ thực dân để lại: kinh tế - tài chính nghèo nàn, kiệt quệ; nạn đói đe dọa nghiêm trọng; hơn 90% dân số mù chữ; tệ nạn xã hội nặng nề.
Vì vậy, quá trình chuẩn bị Tổng tuyển cử đã diễn ra trong điều kiện “thù trong, giặc ngoài” đang ráo riết chống phá; chính trị, kinh tế, xã hội…rất khó khăn. Trong điều kiện như thế, sự chuẩn bị tiến tới Tổng tuyển cử không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc vô cùng gay gắt, phức tạp.
Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại khu phố V tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhiều bài báo quan trọng đăng trên Báo Cứu quốc các số phát hành tháng 9 và tháng 10/1945, như “Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân”; “Chính phủ là công bộc của dân”; “Thiếu óc tổ chức - một điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân”… Nội dung các bài báo làm rõ hơn vai trò quan trọng của việc tổ chức, quản lý bộ máy chính quyền nhà nước trong công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Thấu hiểu những hạn chế của bộ máy nhà nước cộng hòa dân chủ nhân dân non trẻ, đại đa số cán bộ không có kinh nghiệm quản lý hành chính, mang nặng tư tưởng tiểu nông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ 6 căn bệnh cần sửa chữa trong bộ máy nhà nước là: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo. Đồng thời, Người chỉ rõ quan điểm và phương châm xây dựng, hoạt động của nhà nước là: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân chớ không phải đè đầu dân (…). Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(3).
Báo Quốc hội, số đặc biệt ngày 06/01/1946 đã đăng trang trọng trang đầu ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bút tích lời kêu gọi đi bầu cử của Người: “Khuyên đồng bào nam, nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đi bỏ phiếu, để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của chúng ta”. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 06/01/1946 thật sự là ngày hội lớn của toàn dân, công dân cả nước Việt Nam nô nức đi bầu cử. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhân dân ta được sử dụng quyền ứng cử, bầu cử hoàn toàn dân chủ. Tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, trung bình là 85%, nhiều nơi đạt 95%. Trong những khu vực có chiến tranh, cuộc bỏ phiếu vẫn được tiến hành.
Những đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều được Nhân dân tín nhiệm cao. Ứng cử tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất: 98,4%. Nhân dân đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng chiếm 87%, có 10 đại biểu là phụ nữ, 34 đại biểu thuộc các dân tộc thiểu số. Tổng tuyển cử thắng lợi, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời.
Tại các tỉnh Nam Bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng, cuộc bầu cử đã diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của kẻ thù (từ tháng 12/1945, Pháp đã tấn công và chiếm đóng một phần Trà Vinh). Bất chấp sự lùng ráp, khủng bố gay gắt của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Trà Vinh chuẩn bị chu đáo cho cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 06/01/1946 theo Sắc lệnh số 14/SL, ngày 08/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên 90% cử tri ở Trà Vinh đã tới các điểm bỏ phiếu vào thời gian quy định, để lần đầu tiên thực hiện quyền công dân của mình trong việc lựa chọn những đại biểu tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.
Trong cuộc bầu cử này, Trà Vinh có 5 đại biểu của tham gia ứng cử, gồm: Mạch Dùng, Nguyễn Duy Khâm, Dung Văn Phúc, Nguyễn Văn Tây và Cao Phát Thành. Ba đại biểu trúng cử là Nguyễn Duy Khâm, Dung Văn Phúc và Nguyễn Văn Tây. Đó là những đại biểu do đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh trực tiếp bầu ra làm đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực tối cao của nước Việt Nam mới(4).
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là thắng lợi của một niềm tin sâu sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước, ý thức chính trị và sự gắn bó của Nhân dân ta đối với chế độ mới, với Việt Minh, với Chủ tịch Hồ Chí Minh; là một quyết sách dũng cảm, táo bạo, kịp thời, chạy đua với thời gian, vượt qua tình thể hiểm nghèo của một đảng cách mạng, của một vị lãnh tụ thiên tài, có nghệ thuật tổ chức linh hoạt, sáng tạo.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng, mở ra một thời kỳ đất nước có một Quốc hội dân tộc thống nhất, một Chính phủ liên hiệp kháng chiến có đầy đủ pháp lý đại diện cho Nhân dân toàn quốc về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Quốc hội ra đời là “kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”(5).
Song song với việc kiện toàn chính quyền Trung ương, bộ máy chính quyền các cấp cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta quan tâm xây dựng và củng cố về mặt pháp lý. Trong Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc ban hành ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: “Cải cách chính quyền nhân dân ở địa phương và thanh trừng những Ủy ban nhân dân địa phương và cải thiện cách làm việc của Ủy ban ấy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký các sắc lệnh quy định việc tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp ở nông thôn, quy định chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố. Các Ủy ban được thành lập trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong Cách mạng Tháng Tám được thay thế bằng những cơ quan dân cử do phổ thông đầu phiếu bầu ra. Chính quyền dân chủ nhân dân từ Trung ương đến cơ sở luôn được củng cố, kiện toàn, phát huy được tính dân chủ rộng rãi, tăng cường sức mạnh về chính trị, thể hiện được ý chí chung của toàn thể dân tộc.
Trong những ngày tháng Năm lịch sử này ta luôn nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu – nhà tư tưởng cách mạng, lãnh tụ thiên tài và vô cùng kính yêu của Đảng ta, của Nhân dân và cả dân tộc ta; Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta và non sông đất nước ta, Người đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý giá, đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, có tư tưởng về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, trong tình thế “ngàn cân treo sợ tóc”, phải đương đầu với “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”, nhưng Người đã cùng Đảng chỉ đạo và tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để Nhà nước thật sự là do dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình.
Nhớ về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, chúng ta tự hào các thế hệ cha, ông ta, đồng bào ta trong điều kiện mưa bom, bão đạn của kẻ thù nhưng đã tổ chức và tích cực tham gia, góp phần vào thắng lợi cuộc bầu cử với tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao (tại Trà Vinh trên 90%). Vì vậy, trong điều kiện đất nước hòa bình, thống nhất, kinh tế - xã hội phát triển như hiện nay, chúng ta tin tưởng rằng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nói riêng, cả nước nói chung sẽ giành thắng lợi, thật sự là ngày hội của toàn dân.
TRẦN BÌNH TRỌNG
Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Trà Vinh.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2007 tập 7 trang 113.
2 .Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd tập 8 trang 2.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 4 trang 65.
4. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh: Lịch sử tỉnh Trà Vinh tập II (1945-1954), xuất bản năm 1999, trang 14,15.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 216.
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.