23/01/2021 08:40
Nước biển xâm thực bờ biển thiệt hại hoàn toàn rừng phi lao phòng hộ ven biểu khu vực ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải.
Những năm gần đây, địa bàn ven biển của tỉnh chịu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài, nước biển dâng, xâm thực bờ biển, thiệt hại cây rừng, hoa màu, nhà cửa. Xã Đông Hải chịu sự ảnh hưởng chung của sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Năm 2020, trên địa bàn xã nước biển xâm thực xoái lở bờ làm mất đi 2,82ha rừng phi lao phòng hộ ven biển và tiếp tục gây thiệt hại cho rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn xã. Rừng phòng hộ mất đi, nước biển dâng tràn vào đất liền gây thiệt hại hoa màu, nhà cửa của người dân ven biển. Đất sản xuất bị nước biển tràn ngập, nhiễm mặn không trồng màu được.
Ông Nguyễn Văn Tộc, ấp Đông Thành cho biết, những tháng cuối năm nước biển dâng cao tràn ngập đến tận nhà, gần 0,27ha đất trồng màu của gia đình bị nhiễm mặn không sản xuất được, hàng ngày, vợ chồng đi làm thuê.
Phạm Văn Cảnh, ấp Đông Thành, nói: “gia đình có 1,7 công đất trồng màu, đất được dọn xong chuẩn bị cho vụ trồng hành tím đầu năm nay, nhưng mấy ngày qua nước biển dâng ngập cả đất rẫy tràn đến tận nhà, năm nay không thể trồng màu được”.
Người thì trồng màu không được bởi đất bị nhiễm mặn do nước biển tràn vào đành bỏ đất hoang, người thì xuống giống cây màu đang phát triển tốt thì nước mặn tràn vào thiệt hại nhiều hơn. Gia đình ông Phạm Văn Nghĩa, ấp Đông Thành xuống giống được 0,6ha hành tím. Đầu năm 2021, nước biển dâng tràn ngập cả rẫy hành; gia đình tranh thủ thu hoạch 0,15ha hàng tím mới 50 ngày tuổi (hành đến độ thu hoạch là 65 ngày tuổi), số còn lại chỉ mới 40 ngày tuổi bị thiệt hại hoàn toàn. Ông Nghĩa nói: “con nước tháng trước đã cuốn trôi nhà tôi rồi, đến con nước ngày 13/01 này, nước biển dâng tràn ngập hoàn toàn rẫy hành tím, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Ước thiệt hại hơn 80 triệu đồng vốn đầu tư (chưa tính công lao động)”.
Người dân ấp Hồ Thùng thu hoạch hành tím non nhằm giảm thiệt hại do nước biển tràn vào.
Ông Trần Quốc Đoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải cho biết, để khắc phục tình trạng nước biển dâng, huyện có kế hoạch đầu tư xây dựng tuyến đê bao cục bộ nhằm ngăn nước biển tràn vào đất liền gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân thuộc vùng sạt lở của hai ấp Đông Thành và Hồ Thùng, xã Đông Hải. Tuy nhiên, nếu thi công tuyến đê bao nói trên thì một số người dân có đất công trình đi qua phải chịu mất đi một phần đất. Do đó, người dân bị mất đất không thống nhất, nên công trình không thi công được.
Nước biển dâng tràn vào bờ gây thiệt hại hoa màu của người dân ấp Đông Thành, xã Đông Hải.
Với tác động ảnh hưởng của môi trường, biến đổi khí hậu như hiện nay gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của người dân sinh sống ven biển của hai ấp Đông Thành và Hồ Thùng. Công trình đê bao được thi công, thì người dân có đất nằm trong phạm vi công trình đi qua mất đi một phần đất để thi công công trình và những phần đất còn lại sẽ được bảo vệ an toàn với hiện tượng nước biển dâng. Nếu công trình không được thi công, thì sẽ mất dần đi tất cả phần đất còn lại thuộc khu vực ven biển nằm ngoài đê Hải - Thành - Hòa của ấp Đông Thành và ấp Hồ Thùng. Và phần đất chưa bị biển xâm thực thì cũng bị nước biển tràn vào gây nhiễm mặn không thể sản xuất được. Chính quyền và người dân địa phương cần có sự đồng thuận và đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất để có được công trình hiệu quả, bảo vệ an toàn tài sản, đảm bảo cuộc sống lâu dài cho người dân trong vùng.
Gia cố cột, trụ dây chằng cột đo tốc độ gió của Nhà máy điện gió nhằm tránh thiệt hại do sóng biển tràn vào làm sạt lở.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.