15/02/2021 10:31
Mô hình trồng cam sành của nông dân Khmer ấp Ô Rồm.
Ông Hà Thanh Sơn, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cấp ở địa phương, tinh thần nỗ lực phấn đấu vươn lên, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng phát triển. Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, giai đoạn 2018-2019, tỉnh được Trung ương phân bổ 46 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề, tạo việc làm, đến nay đã giải ngân cho 1.430 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với số tiền 46,107 tỷ đồng và năm 2020, được phân bổ thêm 07 tỷ đồng đang triển khai thực hiện. Các chính sách như: chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định số 102/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán theo Quyết định số 755/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ xây dựng nhà hỏa táng cho các chùa phật giáo Nam tông Khmer đã và đang triển khai thực hiện. Đến nay, tổng số hộ dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 714 hộ, với số tiền 23,092 tỷ đồng, tổng dư nợ đến tháng 8/2020 là hơn 48,164 tỷ đồng.
Giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer ở xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải. 04 năm qua, từ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, giai đoạn 2016 - 2020, đã có 200 hộ của xã được hưởng lợi, tổng số vốn gần 02 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ vốn từ 10 - 15 triệu đồng. Nhờ có đồng vốn từ dự án kết hợp với kinh phí tích lũy của gia đình, nhiều hộ phát triển mô hình sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Điển hình như vợ chồng anh Thạch Ngọc Thành và chị Thạch Thị Sóc Kha, ở ấp La Bang Chùa, xã Đôn Châu, trước năm 2016 thuộc diện hộ nghèo. Thấy được hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, xã đã hỗ trợ vốn cho vợ chồng anh Thành 11 triệu đồng để mua 01 con bò sinh sản về nuôi. Anh Thạch Ngọc Thành bày tỏ niềm vui: sự hỗ trợ của Nhà nước xem như giúp cần câu cho gia đình tôi kiếm được con cá, từ con cá có thể nuôi sống cả gia đình. Đến nay đàn bò của gia đình tôi đã tăng lên 05 con và cuối năm 2019 địa phương xét cho gia đình được thoát nghèo, tôi rất đồng tình.
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong vùng đồng bào Khmer đã giúp nhiều hộ nghèo ở xã xã Đôn Châu thoát nghèo.
Song song với công tác giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào Khmer, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian qua luôn được tỉnh chú trọng. Với kinh phí 250,693 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn xây dựng 308 công trình, duy tu, bảo dưỡng 122 công trình; thực hiện 261 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình cho 2.722 hộ và tổ chức mở 186 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng cho 11.633 lượt người.
Nhờ thực hiện tốt chính sách dân tộc trên địa bàn, kết hợp với sức phấn đấu nỗ lực vươn lên của đồng bào Khmer, đời sống của đồng bào Khmer trên địa bàn ấp Ô Rồm, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè không ngừng được cải thiện. Ấp có 435 hộ dân, với 1.708 nhân khẩu, trong đó đồng bào Khmer chiếm trên 88%. Từ ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao cách đây 05 năm, nhưng đến nay ấp chỉ còn 09 hộ nghèo, 20 hộ cận nghèo; có 287 hộ khá, giàu, số còn lại có mức sống trung bình.
Ông Lê Hoàng Dinh, Bí thư Chi bộ ấp Ô Rồm cho biết: để phù hợp với tình hình và đặc thù của địa phương có đông đồng bào Khmer, những năm qua, Chi bộ đã vận động các hộ dân trên địa bàn thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, từ đó nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây có múi và một số cây trồng khác. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ việc chuyển đổi sản xuất, ấp Ô Rồm đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu, như hộ ông Thạch Phên, ông Thạch Pha, ông Thạch Sa Mít... được đánh giá là một trong những hộ có thu nhập cao từ mô hình sản xuất lúa, trồng cây ăn trái.
Trong năm 2020, Chi bộ, Ban Nhân dân ấp Ô Rồm đã vận động 25 hộ dân chuyển đổi 30ha đất kém hiệu quả sang trồng cam sành, bưởi mang lại giá trị kinh tế cao, nâng tổng số đến nay có 82ha vườn cây ăn trái. Song song đó, ấp còn vận động các hộ dân thành lập 05 tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao với trên 80 thành viên tham gia, nâng tổng số đến nay ấp có 08 tổ với trên 120 thành viên, với diện tích trên 200ha; 04 tổ trồng cây ăn trái, có trên 60 thành viên với diện tích 45ha; 02 tổ trồng màu, có trên 15 thành viên với diện tích trên 02ha. Để đảm bảo cho việc sản xuất, trồng màu của các thành viên được tốt hơn ấp đã kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho 202 hộ vay vốn với lãi suất ưu đãi, với tổng số vốn trên 3,5 tỷ đồng.
Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với mô hình giảm nghèo, chuyển đổi nghề để có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống là mục tiêu chủ yếu được ấp đặt ra. Anh Thạch Phonl, thành viên tổ sản xuất lúa chất lượng cao của ấp Ô Rồm cho biết: khi tham gia vào tổ hợp tác, bản thân tôi mới cảm nhận được cái lợi ở tinh thần tập thể. Lúa cùng một loại giống như nhau, tập trung xuống giống đồng loạt ở trên một diện tích rộng lớn nên mang lại năng suất cao hơn. Việc sản xuất và tiêu thụ cũng tiện lợi và hiệu quả hơn, thương lái đến thu mua với giá cao hơn. Tham gia tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao, bình quân mỗi héc-ta lúa tôi thu được lãi từ 31 - 32 triệu đồng/ha, cao hơn khoảng 04 - 05 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường.
Từ những nỗ lực thực hiện chính sách dân tộc trong vùng đồng bào Khmer, đã góp phần khơi nguồn lực phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đó, một số chính sách đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ cao, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, đời sống vật chất và tinh thần, truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer. Đồng bào dần thay đổi cả về nhận thức và hành vi, từ chỗ biết được, hiểu được đi đến làm theo và ủng hộ thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Kết quả thực hiện về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng - Tổng số công trình hạ tầng được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã khó khăn, vùng dân tộc thiểu số (năm 2019-2020): 129 công trình các loại. - Tỷ lệ 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa đạt chuẩn; tỷ lệ 80% ấp có đường trục giao thông được cứng hóa đạt chuẩn. - Tỷ lệ 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. - Tỷ lệ 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; Tỷ lệ 80% xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới. - Tỷ lệ khoảng 76% công trình thủy lợi nhỏ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm. - Tỷ lệ 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo. * Kết quả thực hiện mục tiêu đưa các địa bàn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn: - Có 25% xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (06/24 xã). - Có 9,61% ấp đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (05/52 ấp). |
Bài, ảnh: SỐC KHA - SÂM BÁT
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.