01/03/2022 08:04
Bà Nguyễn Thị Yến Phượng (trái) cùng Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Khóm 3, Phường 1 tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện.
Từ ngày 01/01/2022, theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Đồng nghĩa, mức đóng BHXH tự nguyện sẽ thay đổi. Trước đây, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 154.000 đồng/tháng (22% x 700.000 đồng), ngân sách Nhà nước hỗ trợ 10% (15.400 đồng), người tham gia đóng 138.600 đồng. Sang năm 2022, mức đóng BHXH tự nguyện tăng lên 330.000 đồng/tháng (22% x 1,5 triệu đồng), tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện của năm 2021. Điều đó, làm một số người băn khoăn khi tiếp tục tham gia. Tuy nhiên, nhiều người chưa nhận thức được, mức lương hưu được hưởng sau này được tính trên mức tiền mỗi người đóng vào, nếu số tiền tham gia cao thì mức hưởng cũng tăng tương ứng. Hơn nữa, người tham gia BHXH tự nguyện khi nghỉ hưu được cơ quan BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh theo Luật BHYT, với mức 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh phát sinh (chỉ phải chi trả 05%).
Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, cùng với điều chỉnh tăng mức đóng tối thiểu, mức hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng lên theo tỷ lệ phần trăm (%). Đối với người tham gia thuộc hộ nghèo mức hỗ trợ đóng 30% tương ứng số tiền hỗ trợ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng (tăng 52.800 đồng); với hộ cận nghèo mức hỗ trợ đóng 25%, số tiền hỗ trợ tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng (tăng 44.000 đồng) và các đối tượng khác mức hỗ trợ 10%, số tiền hỗ trợ tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng (tăng 17.600 đồng).
Ngoài ra, nếu người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng trước khi tăng mức chuẩn hộ nghèo nông thôn được quy định theo phương thức đóng 03 tháng, 06 tháng,12 tháng hoặc đóng 01 lần cho nhiều năm về sau, thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng trước đây.
Theo bà Nguyễn Thị Yến Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Phường 1, thành phố Trà Vinh: thực hiện ký kết phối hợp giữa Hội LHPN và BHXH trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, Hội LHPN Phường 1 ra mắt mô hình “Tổ phụ nữ tham gia BHYT, BHXH tự nguyện”. Khi đó, các chi hội trưởng tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, người dân trên địa bàn tham gia và đạt một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, khi mức chuẩn hộ nghèo tăng, mức đóng BHXH tự nguyện tăng hơn 02 lần, dẫn đến nhiều người e ngại. Do đó, bản thân tôi và các thành viên của tổ luôn vận động, thuyết phục người tham gia hiểu, mức đóng tăng thì sau này mức hưởng cũng tăng tương ứng.
Bà Thạch Thị Kim Cương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Khóm 3, Phường 1 cũng là nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT là người tích cực trong vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Năm 2021, bà vận động 21 người tại địa phương tham gia BHXH tự nguyện, trong đó một số gia đình có 02 - 03 người cùng tham gia. Bà Thạch Thị Kim Cương cho biết, ban đầu tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện, mỗi người đóng 138.600 đồng/tháng nên tôi vận động được nhiều người ủng hộ, đầu năm 2022, nghe thông báo mức đóng tăng lên 297.000 đồng/người nên một vài người băn khoăn, chưa tiếp tục tham gia. Tôi đã trao đổi với chuyên viên BHXH tỉnh, tìm hiểu thêm những lợi ích của BHXH tự nguyện để vận động, giải thích cho mọi người hiểu, tiếp tục tham gia và một số người đã đồng thuận, một số người xin bảo lưu lại, khi suy nghĩ cẩn thận hoặc kinh tế gia đình có nâng cao hơn sẽ tiếp tục tham gia.
Trong đó, bà Trịnh Thị Hồng Phương là người chủ động tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho cả 02 vợ chồng. Bà Trịnh Thị Hồng Phương chia sẻ: tôi nghe nói nếu số tiền đóng hàng tháng tăng thêm thì khi hưởng lương hưu cũng căn cứ vào đó mà tiền được nhận cũng tăng theo. Hiện 02 vợ chồng đã lớn tuổi, ở nhà giữ cháu, được 02 đứa con quan tâm, hàng tháng cho tiền sinh hoạt phí và trích một phần đóng BHXH tự nguyện. Các con cũng hiểu lợi ích của tham gia BHXH tự nguyện và đồng thuận để tôi tiếp tục tham gia.
Một thực tế cho thấy, nhiều người làm việc tự do, nội trợ không được đóng BHXH nên không được hưởng chế độ hưu trí. Vì thế, có không ít người cuộc sống bấp bênh khi về già, phải nhờ cậy con cháu. Năm 2008, chính sách BHXH tự nguyện được BHXH Việt Nam triển khai với mục đích giúp người dân an cư tuổi già. Việc tham gia loại hình bảo hiểm này là hoàn toàn tự nguyện, giúp những người lao động tự do có lương hưu hàng tháng, bảo đảm đời sống sau khi hết tuổi lao động, bớt phải phụ thuộc vào con cháu. Việc tính lương hưu được BHXH thực hiện dựa trên mức đóng của người tham gia, có cộng thêm phần chênh lệch do trượt giá theo chỉ số giá tiêu dùng nhằm đảm bảo đời sống người dân, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội cho tất cả mọi người.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.