02/12/2024 14:32
Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể và cá nhân tiêu biểu trong công tác xóa nghèo ở xã Ngãi Hùng và xã Tân Hòa.
Để thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg, ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ và hiện thực hóa mục tiêu không còn hộ nghèo vào cuối năm 2025, huyện Tiểu Cần đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai nhiều giải pháp thực hiện quyết liệt và đồng bộ. Trong đó, UBND huyện đã ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện; chỉ đạo các xã - thị trấn thành lập 11 Ban quản lý và 80 Ban phát triển ấp, khóm để tạo sự nhất quán trong quá trình tổ chức thực hiện các phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đối với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và Nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững; gắn với nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.
Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và thể thao huyện tập trung xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử về các chính sách có liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, các mô hình kinh tế hiệu quả, gương điển hình tiên tiến, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp thu kiến thức khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi phương thức sản xuất, mô hình kinh tế có hiệu quả và nắm bắt thông tin về thị trường để có định hướng đúng trong sản xuất, kinh doanh, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Sau khi tiếp cận các nguồn vốn phân bổ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, với tổng kinh phí hơn 12,765 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương gần 10,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 1,5 tỷ đồng và vốn huy động 0,7 tỷ đồng; Ban chỉ đạo huyện đã lập kế hoạch phân kỳ đầu tư và giao nhiệm vụ cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Y tế và UBND các xã Ngãi Hùng, Tân Hòa, Long Thới, Hiếu Tử, Hiếu Trung, Tân Hùng và Tập Ngãi trực tiếp quản lý, triển khai thực hiện các dự án, Tiểu dự án về Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; hỗ trợ việc làm bền vững; hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng; truyền thông về giảm nghèo đa chiều; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.
Qua khảo sát nhu cầu thực tế của các nhóm đối tượng thuộc diện hưởng lợi; các ngành, địa phương đã tham mưu cho UBND huyện phê duyệt đầu tư 05 dự án nuôi bò sinh sản, 01 dự án nuôi ếch thương phẩm, 02 dự án chăn nuôi vịt gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm (hơn 2,9 tỷ đồng) cho 136 hộ hưởng lợi.
Trong đó, có 03 hộ nghèo, 103 hộ cận nghèo, 01 hộ gia đình chính sách, 01 hộ khó khăn, 28 hộ có mức sống trung bình tại địa bàn các xã Phú Cần, Ngãi Hùng, Hiếu Tử, Hiếu Trung, Long Thới, Hùng Hòa. Đồng thời phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức mở 02 lớp tập huấn tăng cường kiến thức, năng lực cho cộng tác viên y tế về đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em cho cộng tác viên y tế; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quản lý bệnh suy dinh dưỡng cấp tính trẻ em cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã phụ trách chương trình dinh dưỡng (102 người dự); mở 04 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (117 phụ nữ); tổ chức 18 lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác giảm nghèo cho 963 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã, ấp/khóm; 31 cuộc đối thoại về chính sách có liên quan đến công tác giảm nghèo (1.660 người dự); tổ chức cho cán bộ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đi học tập kinh nghiệm các mô hình giảm nghèo bền vững trong và ngoài tỉnh...
Theo đó, đến giữa năm 2024, các ngành, địa phương đã giải ngân thực hiện các mô hình, dự án gần 05 tỷ đồng; còn lại hơn 3,5 tỷ đồng dự kiến giải ngân dứt điểm vào cuối năm 2024, đạt 100% nguồn vốn phân bổ cho giai đoạn 2021 - 2024, với tổng số tiền là 8,575 tỷ đồng.
Cùng với các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; huyện Tiểu Cần còn lập hồ sơ hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 81 của Chính phủ cho 2.706 học sinh, với kinh phí hơn 750 triệu đồng; hỗ trợ chi phí đi lại, khám, chữa bệnh, tiền ăn cho 529 lượt người nghèo, với kinh phí gần 173 triệu đồng; in và cấp phát 38.590 thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng, với kinh phí hơn 31 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền điện cho 746 lượt hộ nghèo, với số tiền hơn 531 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng 59 căn nhà Đại đoàn kết từ Quỹ An sinh xã hội cho hộ nghèo, cận nghèo không có khả năng lao động, hoàn cảnh khó khăn, với kinh phí gần 2,8 tỷ đồng và giải quyết cho 295 hộ vay xây dựng nhà ở theo Nghị quyết số 04, Nghị quyết số 14 và Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh, với tổng số tiền gần 13,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn còn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện khảo sát, lập dự án đầu tư vốn ưu đãi theo hình thức tín chấp gần 190 tỷ đồng cho 5.775 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời đầu tư cho 4.062 hộ vay giải quyết việc làm, 348 tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài, 409 hộ xây dựng nhà ở, 5.836 hộ vay cho nhu cầu nước sạch, vệ sinh môi trường và 357 hộ vay phục vụ học tập trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp nghề trong và ngoài tỉnh, với tổng số tiền gần 311 tỷ đồng. Qua đó, giúp các nhóm đối tượng thuộc diện hưởng lợi trên địa bàn huyện được tiếp cận, sử dụng đầy đủ các gói dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục đào tạo, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin - viễn thông... Đây được xem là đòn bẩy, là động lực tác động mạnh mẽ, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở có thêm niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh chỉ đạo, chăm lo của Đảng, Nhà nước; từ đó phát huy tốt tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, toàn huyện có 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 76% và tỷ lệ lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 36,84%. Bình quân hàng năm có khoảng 3.500 lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm; đáng chú ý từ năm 2021 đến nay toàn huyện có 876 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 91,96%; bảo hiểm xã hội đạt 32,10% so với lực lượng lao động toàn huyện. Tỷ lệ người dân được sử dụng điện, sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 82,46%.
Đối với lĩnh vực giáo dục, bình quân hàng năm có 100% trẻ em 5 tuổi, 100% học sinh tiểu học và 99,5% học sinh THCS được đến trường. Hiện tại, toàn huyện có 25/45 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2. Hơn 95,5% hộ xây dựng được nhà ở đạt chuẩn 3 cứng trở lên; không còn hộ nghèo là đối tượng gia đình chính sách khó khăn về nhà ở. Hơn 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được sử dụng các dịch vụ thông tin, viễn thông, internet.
Có thể khẳng định rằng, nhờ triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời, đồng bộ 03 Chương trình MTQG (xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), gắn với các chính sách an sinh xã hội nên tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện được kéo giảm đáng kể.
Nếu như 2021 huyện Tiểu Cần còn 319 hộ nghèo, chiếm 1,08% và 1.244 hộ cận nghèo, chiếm 4,22% thì đến cuối năm 2023 toàn huyện chỉ còn 163 hộ nghèo, chiếm 0,55% và 720 hộ cận nghèo, chiếm 2,44%. Tức là chỉ trong 03 năm đầu triển khai thực hiện, huyện Tiểu Cần đã kéo giảm 156 hộ nghèo (77 hộ Khmer) và giảm 524 hộ cận nghèo. Đến nay, ước tính tổng thu nhập bình quân đầu người đạt gần 90 triệu đồng/năm; tăng hơn 14 triệu đồng so với năm 2021. Dự kiến đến cuối năm 2025 trên địa bàn huyện sẽ không còn hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ cơ bản.
Kết quả đó cũng đã góp phần cho 100% xã trong huyện hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao (trong đó có 01 xã NTM kiểu mẫu); 02 thị trấn Tiểu Cần và thị trấn Cầu Quan đạt chuẩn đô thị văn minh và huyện Tiểu Cần được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023.
Tuy nhiên, việc phấn đấu để hiện thực hóa mục tiêu “không còn hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản vào cuối năm 2025” và “không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng vấp phải không ít khó khăn thách thức cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Bởi, trên thực tế vẫn còn một bộ phận người dân ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khmer có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng; chưa thực sự nỗ lực, phấn đấu trong lao động, sản xuất để vươn lên trong cuộc sống. Do đó, vấn đề đặt ra là phải tăng cường hơn nữa công tác tiếp cận, tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để từng người dân thay đổi cả nhận thức và hành động, cùng phấn đấu vì mục tiêu: không chỉ giảm nghèo, thoát nghèo bền vững, mà còn phải thực hiện cho bằng được khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
Bài, ảnh: THANH QUANG
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.