06/07/2021 07:38
Tín ngưỡng thờ Mẫu
Xuất phát từ cội nguồn nền văn minh nông nghiệp lúa nước, người Việt cổ ở lưu vực Sông Hồng quan niệm rằng đất, nước, lúa… có cốt lõi uyên nguyên, mang yếu tố âm, mang sẵn khả năng sinh sôi nẩy nở, đảm bảo cho con người có cuộc sống ấm no, đầy đủ lâu bền. Do vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu hình thành từ khá sớm và luôn ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa, tinh thần của họ, mà Mẹ Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, bà Chúa Kho… là những ví dụ. Như một dạng văn hóa tiềm thức, tín ngưỡng thờ Mẫu đã theo chân những thế hệ lưu dân người Việt trên đường di dân về phương Nam và một bộ phận trong số đó đã dừng chân trên đất Trà Vinh.
Trong quá trình di dân, trước khi đến vùng đất Nam Bộ, đa phần người Việt có thời gian dừng chân trên dãy đất miền Trung với thời gian đủ dài đề giao lưu, tiếp biến (tiếp nhận và biến đổi) để rồi dung nạp vào hành trang văn hóa, vào tín ngưỡng thờ Mẫu những vị nữ thần có nguồn gốc Chăm, đặc biệt là hình tượng Pô Inô Nôgar…
Vào đến đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở Trà Vinh, trong quá trình chung sống với những tộc người anh em, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt lại tiếp nhận thêm hình ảnh bà Thiên Hậu (người Hoa), bà Đất, bà Nước, bà Lúa, bà Đen, bà Om… (người Khmer). Do vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân Trà Vinh có những khác biệt nhất định và mới mẻ hơn, bao dung hơn, hòa đồng hơn so với các phiên bản gốc ở lưu vực Sông Hồng, ở dãy đất miền Trung cũng như ở các tỉnh khác trong khu vực Nam Bộ.
Ở miền Bắc, Mẫu được thờ ở các ngôi đền, ở miền Trung ở các tháp Chăm thì ở Nam bộ tín ngưỡng này gắn với các ngôi miễu. Miễu là cách gọi thông dụng của miếu (dịch ra từ chữ CUNG - Thiên Hậu cung, Chúc Xứ cung). Theo số liệu khảo sát điền dã của chúng tôi vào năm 1998, toàn tỉnh 243 ngôi miễu hoặc vị trí từng có miễu. Trong đó, 147 ngôi miễu thờ Mẫu Chúa Xứ, 48 ngôi miễu thờ Mẫu Thiên Hậu, số còn lại thờ Mẫu Chúa Động, Mẫu Cố Hỷ, Mẫu Linh Sơn…
Khởi nguyên, miễu là nơi thờ Mẫu thuần nhất. Miễu chỉ thờ đối tượng duy nhất là Mẫu và Mẫu chỉ được thờ ở một nơi duy nhất là miễu. Dần dần, theo thời gian, ở Trà Vinh xuất hiện một hiện tượng khá phổ biến là nhiều đại biểu của các tín ngưỡng dân gian và tôn giáo khác được đưa vào phối tự trong cùng một ngôi miễu. Nhiều nhất là các vị Phật, đặc biệt là Phật bà Quan âm, được đưa vào thờ chung theo dạng “trước miễu, sau chùa” hoặc “trước chùa, sau miễu”; hai vị Mẫu Chúa Xứ và Thiên Hậu được thờ chung; ngoài ra còn có Ngọc đế, Quan Thánh đế, Tây Vương Mẫu, Bổn Đầu Công (người Hoa), Neakta, Arak (người Khmer)… riêng ngôi miễu ở thị trấn Mỹ Long, Mẫu Chúa Xứ được phối tự với Đức Ông Nam Hải (Cá voi).
Lễ hội miễu
Lễ hội miễu là lễ hội Vía bà được ấn định vào một ngày âm lịch cố định trong năm, tùy đối tượng được thờ và cũng có thể có sự xê dịch nhất định, tránh trùng với các ngôi miễu chung quanh, tạo sự dễ dàng trong giao lưu, qua lại. Nếu hầu hết các ngôi miễu mở hội Vía bà vào ngày 22, 23/3 và 22, 23/4 âm lịch thì miễu bà Thiên Hậu chợ Phố (xã Phong Phú, huyện Cầu Kè) lại mở ngày Rằm tháng Ba, còn miễu bà Chúa Xứ Mỹ Long lại chọn ngày 10, 11, 12 tháng Năm âm lịch, trùng với ngày lễ Tế Đức Ông Nam Hải (Lễ hội Cúng biển hay còn gọi Lễ hội Nghinh ông).
Lễ hội miễu ở Trà Vinh xoay quanh các lễ thức chính như sau:
- Lễ Mộc dục (Tắm bà) diễn ra vào chiều ngày 22 âm lịch. Tượng bà sau một năm bị nhện giăng bụi ám, cần được lau rửa và thay bộ trang phục mới, trang điểm thật đẹp đẽ trước khi vào lễ hội.
- Lễ Túc yết được tiến hành sau 22 giờ đêm 22 âm lịch, hàm ý giữ những người có trách nhiệm ngay tại ngôi miễu, tránh việc chè chén say sưa, tránh chuyện chăn gối để giữ mình thanh sạch, trước khi thay mặt dân làng thực hiện các nghi lễ dâng cúng thánh mẫu.
- Lễ Chánh tế được cử hành vào lúc 04 giờ sáng ngày 23 âm lịch. Vị chủ tế dẫn đầu ban quản trị, các bậc kỳ lão nam nữ hai hàng tựu vị trước điện thờ. Lễ vật bao gồm con heo trắng (nếu là Mẫu Chúa Xứ) hoặc heo quay (nếu là Mẫu Thiên Hậu) cùng mâm xôi, mâm trái cây, mâm cau trầu, mâm mỹ phẩm (nước hoa, xà bông thơm, gương, lược…). Vị chủ tế sẽ đọc bài chúc văn ca ngợi công đức, cầu mong sự phò hộ độ trì của thánh mẫu đối với dân làng cho năm mới phong thuận vũ điều, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.
Ngoài nghi thức Vía bà, tại lễ hội miễu từng nơi còn có thể có các nghi thức khác tùy theo sự phối tự như lễ Tế Tiền vãng, lễ Tế Thần nông, lễ Cầu an, lễ Cúng Neakta, lễ Thỉnh Ông Bổn…
Một hoạt động vừa là nghi thức cúng tế vừa là sinh hoạt văn hóa văn nghệ mang tính đặc trưng của lễ hội miễu là bóng rỗi, địa nàng. Màn múa hát bóng rỗi, địa nàng diễn ra tại khoảng không gian ngay trước án thờ Mẫu, trong suốt thời gian từ sau lễ Túc yết kết thúc dến trước lễ Chánh tế bắt đầu. Bóng rỗi là nghi thức điển hình nhất chứng tỏ nguồn gốc Chămpa của Mẫu Chúa Xứ (sau này, bóng rỗi cũng xuất hiện trong lễ Vía bà Thiên Hậu). Bởi lẽ, theo tín ngưỡng của người Chăm “Bà bóng pajao có nhiệm vụ nhảy múa dâng lễ vật lên thần linh, nhập đồng tiên tri mọi việc vì hàng năm, bà bóng pajao vẫn có dịp giao cảm với thần linh trong giác ngủ triền miên (người Chăm Hồi giáo Tây Nam phần Việt Nam. Nguyễn Văn Luận. Bộ Giáo dục và Thanh niên xuất bản. Sài Gòn 1974, trang 50). Những bài hát bóng rỗi, chặp địa nàng trong lễ hội miễu thường không có bài bản cố định mà là màn tự ứng khẩu theo thể thơ lục bát biến thể hoặc song thất lục bát biến thể, có nội dung giới thiệu tên tuổi tín chủ dâng lễ vật, cầu phước lộc cho tín chủ và cầu mưa thuận gió hòa cho xóm làng.
Trong bối cảnh xã hội phong kiến với nhiều điều cấm kỵ, xem việc trình diễn thân thể (múa) là điều tối hạ đẳng thì ngoài ý nghĩa của nghi thức cúng tế, màn bóng rỗi, địa nàng trong lễ hội miễu còn là dịp để con người thể hiện khát vọng thoát tục, là không gian diễn xướng trình diễn và bảo tồn các điệu múa dân gian truyền thống người Việt. Chính vì vậy, bao giờ màn múa bóng rỗi, địa nàng cũng thu hút đông đảo người xem và được xem là một hoạt động đặc trưng không thể thiếu của lễ hội miễu.
Thông thường, tại các lễ hội miễu, việc đãi đằng ăn uống diễn ra suốt hai ngày lễ hội. Ngoài các phẩm vật sau dâng cúng thánh mẫu, người dân địa phương còn mang đến nhiều loại lương thực, thực phẩm có tính đặc sản của quê hương, cùng nhau chế biến để cùng nhau ăn uống vui vẻ và đãi đằng khách thập phương về trẩy hội. Khác với việc đãi đằng tại lễ hội Kỳ yên (cúng đình) rất chú trọng thứ bậc trên dưới thì việc ăn uống tại lễ hội miễu không phân biệt ngôi thứ, chủ khách, bởi tất cả đều là cháu con của thánh mẫu.
Dễ dàng nhận ra trong các lễ thức của lễ hội miễu đều mang dáng dấp của tín ngưỡng phồn thực, thể hiện khát vọng của người nông dân về đất đai, mùa màng tốt tươi, sinh sôi nẩy nở, đảm bảo cho cuộc sống no đủ lâu bền. Đồng thời, lễ hội miễu diễn ra vào thời điểm đánh dấu sự chuyển mùa của thời tiết. Mùa khô nông nhàn sắp sửa đi qua, mùa mưa gieo cấy sắp bắt đầu. Lễ hội miễu còn đáp ứng nhu cầu gặp gỡ nhằm cố kết cộng đồng làng xã, trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất và nhu cầu vui chơi giải trí của người dân địa phương trước khi đi vào mùa vụ mới.
TRẦN DŨNG
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.