15/10/2020 00:05
Vườn cây có múi của Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phúc, xã Đại Phúc, huyện Càng Long.
Các bộ, ngành Trung ương trả lời kiến nghị
Cử tri kiến nghị xem xét ban hành Luật Dân tộc vì hiện nay, trên lĩnh vực tôn giáo có Luật Tín ngưỡng tôn giáo còn lĩnh vực dân tộc chỉ mới thực hiện theo các chủ trương, chính sách…
Theo Công văn số 1025/UBDTCSDT, ngày 13/8/2020 của Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Dân tộc ghi nhận và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh, tiếp tục nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới. Hiện, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành tham mưu với Chính phủ trình QH ban hành Nghị quyết (NQ) số 88/2019/QH14 phê duyệt Đồ án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Tại kỳ họp thứ 9, QH đã ban hành NQ số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các bộ, ngành cơ quan có liên quan tham mưu trình Chính phủ kế hoạch triển khai thực hiện NQ số 120, theo đó xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (dự kiến sẽ trình trong quý IV/2020) để triển khai thực hiện từ năm 2021.
Đề nghị quy định mức phụ cấp chế độ hoạt động của cán bộ ấp, khóm đều nhau, không nên phân biệt địa bàn ấp, khóm có dân số dưới 350 hộ dân và ấp, khóm có dân số trên 350 hộ dân.
Ngày 05/8/2020, Bộ Nội vụ trả lời ý kiến của cử tri tại Công văn số 3936/BNV như sau: về quy định mức phụ cấp chế độ hoạt động của cán bộ ấp, khóm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Nghị định này quy định ngân sách Nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; đồng thời, tại khoản 2, Điều 13 Thông tư số 13/2019/TT-BNV, ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã quy định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố ngoài mức quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6, Điều 2, Nghị định số 34 do UBND tỉnh trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 3, Điều 21, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước.
Chính phủ xem xét tăng mức trợ cấp cho cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố nhằm đảm bảo cuộc sống.
Ngày 07/8/2020, tại Công văn số 4014/BNV-CQĐP, Bộ Nội vụ trả lời cử tri: về lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã, theo quy định hiện hành, công chức cấp xã được hưởng lương theo trình độ đào tạo tương tự như công chức từ cấp huyện trở lên; cán bộ cấp xã ngoài hưởng lương theo trình độ đào tạo còn được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Như vậy, việc quy định lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ là phù hợp với quy định về lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên.
Về trợ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, theo quy định tại khoản 5, khoản 6, Điều 2, Nghị định số 34 và khoản 2, Điều 12, khoản 2, Điều 13 Thông tư số 13/2019/TT-BNV, ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn một số quy định về cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì việc trợ cấp (hỗ trợ) đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Đề nghị xem xét thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) theo nhóm hộ gia đình kể cả đối tượng học sinh để giảm khó khăn cho hộ gia đình có nhiều người tham gia BHYT, vì hiện nay theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, ngày 17/10/2018 của Chính phủ, học sinh tham gia BHYT theo nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng là 30% và không thuộc đối tượng tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình nên không được giảm trừ mức đóng.
Ngày 21/8/2020, tại Công văn số 4457/BYT-VPB1, Bộ Y tế trả lời, theo quy định của Luật BHYT, mỗi người dân chỉ có thể tham gia BHYT theo 01 nhóm đối tượng nhằm tránh xáo trộn, trùng lặp, thuận lợi cho việc quản lý đối tượng tham gia BHYT. Tại Điều 12, Luật BHYT quy định, các đối tượng tham gia BHYT theo thứ tự từ trên xuống dưới, trong đó học sinh, sinh viên thuộc nhóm 4 (nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng); đồng thời, tại khoản 2, Điều 13 Luật BHYTquy định “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”. Do đó, học sinh, sinh viên không thể tham gia BHYT theo nhóm 5 (nhóm hộ gia đình) được, quy định này phần nào cũng chưa tạo được mọi điều kiện thuận lợi nhất đảm bảo quyền lợi cho học sinh sinh viên được giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế (nhất là học sinh, sinh viên thuộc đối tượng các hộ gia đình có từ 04 thành viên trở lên). Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, QH xem xét đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHYT trong thời gian tới.
Đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Đại Ngãi để tạo điều kiện phát triển KT - XH các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 17/7/2020, tại Công văn số 6960/BGTVT-KHĐT, Bộ Giao thông vận tải trả lời: dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi có chiều dài tuyến khoảng 15,2km, bao gồm 07 cầu (gồm 02 cầu chính là cầu Đại Ngãi 1 dài 2.240m và cầu Đại Ngãi 2 dài 860m; 05 cầu trung và nhỏ) và đường dẫn vào cầu với tổng mức đầụ tư khoảng 8.140 tỷ đồng. Ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1478/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 8087/BKHĐT-KTĐN, ngày 31/10/2019 gửi Đại sứ quán Nhật Bản đề nghị cấp vốn vay ODA cho dự án.
Mặt khác, do cầu Đại Ngãi có quy mô lớn, vị trí xây dựng trên khu vực địa chất phức tạp, lớp bùn dày, gần cửa biển nên Bộ Giao thông vận tải có Văn bản số 9697/BGTVT-KHĐT, ngày 15/10/2019 gửi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề nghị cung cấp khoản tài trợ không hoàn lại để các chuyên gia Nhật Bản nhiều kinh nghiệm hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Hiện nay, JICA Hà Nội đang triển khai các thủ tục phía bạn để công tác lập báo cáo này. Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi dự kiến sẽ bắt đầu triển khai vào cuối năm 2020 nhằm mục tiêu vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản trong tài khóa 2021 và bắt đầu triển khai thi công vào đầu năm 2023.
Những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương
Cử tri kiến nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát giá nông sản, xử lý tình trạng phá giá nông sản, giúp người dân ổn định sản xuất vì hiện nay giá nông sản của người dân bán ra thấp, mua vào giá cao, người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng chịu thiệt thòi.
Vấn đề này, lãnh đạo Sở Công thương trả lời: việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc chủ yếu vào thị trường và do thị trường quyết định, do sản xuất nhỏ lẻ không theo chuỗi giá trị diễn ra phổ biến. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Trà Vinh còn nhiều khó khăn nhất định, trước giá cả nông sản không ổn định và mất giá. Một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thiếu sự liên kết, hoặc có liên kết nhưng thiếu sự bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu liên kết theo hình thức thương thảo, thuận mua vừa bán. Phần lớn sản phẩm nông sản của người nông dân phải tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian phân phối nên giá bán bấp bênh.
Thực tế cho thấy, trong nền cơ chế thị trường, muốn sản xuất hiệu quả, bền vững, kiểm soát được giá nông sản thì phải có mối liên kết và đảm bảo hài hòa về lợi ích của các nhân tố tham gia trong chuỗi giá trị (người sản xuất, người chế biến, người phân phối tiêu thụ và người tiêu dùng). Tổ chức sản xuất phải theo nhu cầu của thị trường và theo năng lực của người sản xuất, sản xuất phải theo chuỗi giá trị, liên kết để bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Cần nghiên cứu theo dõi tình hình thị trường, xác định cây trồng vật nuôi phù hợp, gắn với nhu cầu thị trường, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học và kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh đối với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Bên cạnh đó, cần phải phát triển doanh nghiệp đầu mối, xây dựng mô hình doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân, từng bước xây dựng chuỗi giá trị, trong đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là hỗ trợ, là cầu nối để giúp các bên tạo dựng niềm tin và thực hiện đúng các cam kết, đúng hợp đồng ban đầu, hiện tại nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản còn rất lớn, đặc biệt là các sản phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn.
Nâng cao hiệu quả các mô hình hợp tác xã kiểu mới để khuyến khích người dân tham gia.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã (HTX), Sở đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với địa phương hỗ trợ HTX củng cố, kiện toàn nhân sự, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản trị, sản xuất kinh doanh, dịch vụ cho Hội đồng quản trị, Ban điều hành HTX; Đồng thời rà soát lại thế mạnh, năng lực cung ứng, thị trường đầu ra và phương thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của các HTX. Để qua đó, phối hợp với sở, ngành liên quan mời gọi doanh nghiệp đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX tiếp cận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Mặt khác, hướng dẫn HTX tổ chức lại khâu sản xuất theo hướng sản xuất an toàn, nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao; song song đó, huy động các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, các chính sách ưu đãi để tiếp tục hỗ trợ cho các HTX đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị bảo quản, sơ chế nông sản gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chứng nhận OCOP nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, có giá trị gia tăng cao, hướng tới những thị trường mới, tiềm năng.
Về phía địa phương cần thể hiện tốt hơn vai trò của mình trong phát triển HTX nhất là HTX kiểu mới. Đối với các HTX phải chủ động nắm bắt thông tin, chính sách, giá cả thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp; thực hiện liên kết sản xuất, sản xuất theo hướng an toàn để sản phẩm đảm bảo nhu cầu thị trường và đầu ra cho sản phẩm, nâng dần hiệu quả hoạt động của HTX để người dân thấy, biết sẽ tham gia.
KIM LOAN
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.