28/04/2021 07:08
Cử tri đề nghị tăng mức trợ cấp cho các đối tượng NCC được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 09/4/2013 của Chính phủ.
Ngày 23/02/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) trả lời tại Công văn số 412/BLĐTBXH-VP: Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn quan tâm chăm lo thực hiện tốt công tác NCC. Hệ thống chính sách pháp luật ưu đãi NCC từng bước được hoàn thiện; đối tượng NCC được mở rộng; chế độ ưu đãi ngày được nâng cao gắn liền với bảo đảm công bằng và đồng thuận xã hội. Hàng năm, ngân sách Nhà nước dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi cho 9,2 triệu NCC. Nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp tích cực thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần NCC. Việc thực hiện các chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân NCC phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội (KT - XH) của đất nước, đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi và công lao đối với Tổ quốc.
Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với NCC, Bộ LĐ-TB-XH chủ trì trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh Ưu đãi NCC (số 02/2020/UBTVQH14, ngày 09/12/2020), trong đó quy định các chính sách đối với 13 nhóm đối tượng NCC và các chế độ, định mức hỗ trợ đã được sửa đổi, bổ sung so với quy định tại Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, ngày 16/7/2012. Chế độ chính sách đối với NCC và thân nhân của NCC được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện KT - XH của đất nước, theo chế độ đóng góp, công lao cống hiến, hy sinh của đối tượng và cân đối trong mặt bằng chính sách nói chung.
Đối với người tham gia cách mạng, kháng chiến nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì được xem xét, giải quyết chế độ ưu đãi theo quy định, trong đó bao gồm cả những người tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến năm 1954. Ngoài ra, những đối tượng này còn được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg, ngày 14/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ nếu có đủ điều kiện theo quy định.
Đối với liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền hàng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp 500.000 đồng/năm, kinh phí hỗ trợ này để thực hiện thờ cúng liệt sĩ, không phải tiền trợ cấp bảo đảm cho mức sống của người thờ cúng liệt sĩ. Nếu người thờ cúng liệt sĩ có hoàn cảnh đời sống khó khăn hoặc người già neo đơn... thuộc diện đối tượng theo các quy định pháp luật về bảo trợ xã hội, người cao tuổi, bảo hiểm y tế thì được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội khác.
Bộ LĐ-TB-XH tiếp thu ý kiến của cử tri để phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với NCC và gia đình người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện phát triển KT - XH của đất nước.
Cử tri đề nghị xem xét hỗ trợ hàng tháng cho vợ thương binh loại 4 khi đối tượng thương binh loại 4 từ trần, để tạo điều kiện cho vợ thương binh loại 4 có điều kiện thờ cúng được chu đáo.
Ngày 23/02/2021, Bộ LĐ-TB-XH trả lời tại Công văn số 425/BLĐTBXH-VP: trợ cấp ưu đãi NCC xác định theo mức độ cống hiến, hy sinh của mỗi diện đối tượng và từng bước được mở rộng, nâng cao căn cứ và điều kiện phát triển KT - XH của đất nước và khả năng cân đối ngân sách Nhà nước.
Theo quy định hiện hành, quy định chế độ trợ cấp tuất đối với thân nhân của thương binh loại 1 (suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 81% trở lên) và thương binh loại 2 (suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 61 - 80%) là phù hợp; nhiều đối tượng khác như: người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng và kể cả thương binh 3/4 (suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 41 - 60%) khi từ trần thân nhân cũng chưa được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Căn cứ điều kiện KT - XH hiện nay, kiến nghị giải quyết trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thương binh 4/4 từ trần là chưa thực sự khả thi.
Cử tri kiến nghị cần có chế độ hỗ trợ hàng tháng và chế độ mai táng phí đối với đối tượng đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến.
Ngày 23/02/2021, Bộ LĐ-TB-XH trả lời tại Công văn số 388/BLĐTBXH-VP: việc thực hiện các chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân NCC phải phù hợp với điều kiện KT - XH của đất nước, đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi và công lao của họ đối với Tổ quốc. Ngày 09/12/2020, tại phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi NCC (sửa đổi), trong đó tại các Điều 35, 36 và 37 Mục 10 quy định điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế và thân nhân của họ, không quy định chế độ trợ cấp hàng tháng đối với nhóm đối tượng này do điều kiện hiện nay chưa thể thực hiện được.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) và các bộ, cơ quan liên quan xem xét, tham mưu quy định các thủ tục hành chính về giải quyết chế độ trợ cấp đối với các đối tượng nêu trên phù hợp với các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Cử tri đề nghị cần xem xét quy định chế độ chính sách cho phù hợp với từng đối tượng có thời gian bị tù đày ít năm và nhiều năm.
Ngày 23/02/2021, Bộ LĐ-TB-XH trả lời tại Công văn số 426/BLĐTBXH-VP: xuất phát từ thực tiễn quá trình xem xét, xác nhận người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày cho thấy, có những trường hợp trong hồ sơ chỉ thể hiện ngày, tháng, năm bị địch bắt tù và nơi bị tù không thể hiện cụ thể thời gian bị tù, đày. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp thời gian bị tù không dài nhưng mức độ đối tượng bị tra tấn tại nhà tù lại khốc liệt hơn. Do vậy, việc xây dựng chính sách thụ hưởng đối với người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày căn cứ vào thời gian tù, đày là chưa thực sự khả thi. Căn cứ điều kiện hiện nay, việc giải quyết chế độ ưu đãi giáo dục đối với con của người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là chưa thực sự phù hợp.
KIM LOAN (tổng hợp)
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.