05/01/2022 16:17
Giám đốc BHXH tỉnh Bùi Quang Huy.
Để hiểu thêm về việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện từ 01/01/2022 có những thay đổi, ảnh hưởng như thế nào đối với người tham gia BHXH tự nguyện, ông Bùi Quang Huy, Giám đốc BHXH tỉnh Trà Vinh trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.
Thưa ông, được biết vào ngày 01/01/2022 mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng so với trước đây. Vậy xin ông cho biết cụ thể mức tăng như thế nào?
Ông Bùi Quang Huy:
Tại khoản 1 Điều 87 Luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyện hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Theo đó, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì mức chuẩn hộ nghèo thấp nhất được nâng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng. Đồng nghĩa với việc mức lựa chọn đóng thấp nhất của người tham gia BHXH tự nguyện được áp dụng theo chuẩn hộ nghèo là 1.500.000 đồng kể từ ngày 01/01/2022. Nghĩa là, mỗi tháng người tham gia BHXH tự nguyện phải lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 1.500.000 đồng nhân với tỷ lệ 22% trừ đi tỷ lệ % Nhà nước hỗ trợ đóng theo từng đối tượng khác nhau như sau:
- Hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 30%, tương ứng là 99.000 đồng/tháng;
- Hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 25%, tương ứng là 82.500 đồng/tháng;
- Hộ khác (không phải hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo) được Nhà nước hỗ trợ 10%, tương ứng là 33.000 đồng /tháng.
Như vậy, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu từ ngày 01/01/2022, cụ thể như sau:
- Người thuộc hộ nghèo mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng thấp nhất là 231.000 đồng/tháng.
- Người thuộc hộ cận nghèo mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng thấp nhất là 247.500 đồng/tháng.
- Người không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (hay còn gọi là hộ khác) mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng thấp nhất là 297.000 đồng/tháng
Với sự thay đổi này thì phương thức đóng BHXH tự nguyện sẽ được thực hiện ra sao?
Ông Bùi Quang Huy:
Thứ nhất, việc áp dụng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn 1.500.000 đồng là thay đổi mức lựa chọn đóng, không ảnh hưởng đến phương thức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện có thể linh hoạt thay đổi phương thức đóng hàng tháng, 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm.
Thứ hai, đối với những người đã và đang tham gia BHXH tự nguyện việc áp dụng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn 1.500.000 đồng được điều chỉnh sau khi kết thúc phương thức lựa chọn đóng trước đó mà thấp hơn 1.500.000 đồng.
Lưu ý: Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng hoặc đóng cho nhiều năm về sau trước ngày 01/01/2022 thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng. Khi hết hạn phương thức đóng đã lựa chọn trước đó mà có mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp hơn 1.500.000 đồng/tháng sẽ phải điều chỉnh lại mức thu nhập làm căn cứ đóng thấp nhất bằng 1.500.000 đồng theo quy định trên.
Ví dụ: Ông A đã chọn mức 700.000 đồng tham gia BHXH tự nguyện theo phương thức 05 năm và ông đã đóng từ tháng 12/2021. Như vậy, ông A đã đóng BHXH từ tháng 12/2021 đến tháng 11/2026. Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/11/2026, ông A không phải đóng bù do chênh lệch chuẩn hộ nghèo 1.500.000 đồng. Đến tháng 12/2026 trở đi ông A phải chọn lại mức đóng BHXH tự nguyện nhưng không được thấp hơn 1.500.000 đồng.
|
Xin ông cho biết thêm việc thay đổi mức đóng BHXH tự nguyện có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của tham gia không, thưa ông?.
Ông Bùi Quang Huy:
Việc thay đổi mức đóng BHXH tự nguyện kể từ ngày 01/01/2022 sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia. Quyền lợi hưởng BHXH của người tham gia là dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, việc thay đổi chuẩn nghèo tăng thì người tham gia sẽ được hưởng lợi từ việc tăng mức đóng của mình. Hơn nữa, mức hỗ trợ của Nhà nước cũng cao hơn. Trước đây mức chuẩn hộ nghèo là 700.000 đồng thì nhà nước hỗ trợ tối đa là 46.200 đồng/tháng, tối thiểu là 15.400 đồng/tháng. Đầu năm 2022 mức hỗ trợ này tối đa sẽ là 99.000 đồng/tháng và tối thiểu là 33.000 đồng/tháng. Khi tính hưởng chế độ, thời gian đóng 1.500.000 đồng sẽ được hưởng trên mức 1.500.000 đồng thay vì 700.000 đồng. Như vậy, khi tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng càng cao thì người tham gia sẽ được hưởng quyền lợi càng cao.
Theo thống kê, tính đến ngày 28/12/2021, tỉnh Trà Vinh có 18.225 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 3,05% lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt và vượt chỉ tiêu Tỉnh ủy Trà Vinh giao về BHXH tự nguyện năm 2021 (theo Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 19/01/2021 là 03% lực lượng lao động trong độ tuổi).
Hiện nay, BHXH, BHYT trở nên thiết thân đối với mọi người. Đặc biệt, thời gian qua, chính sách BHXH, BHYT ngày càng khẳng định vai trò là trụ cột an sinh xã hội trong tình hình dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, người dân không thuộc diện tham gia BHXH, BHYT bắt buộc nên quan tâm dành ưu tiên tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để được hưởng chính sách an sinh xã hội. Trong điều kiện khó khăn, được hưởng chính sách an sinh xã hội từ việc tham gia BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng với gia đình, xã hội; cuộc sống của bản thân khi về già sẽ an nhàn, hạnh phúc hơn.
HỒNG ANH (thực hiện)
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.