10/05/2021 17:05
Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa cũng như suốt hai cuộc kháng chiến, Đình Vĩnh Trường được xem là địa chỉ đỏ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc không chỉ riêng xã Hòa Thuận, mà còn của phong trào cách mạng thị xã Trà Vinh (nay là thành phố Trà Vinh) cũng như cả tỉnh Trà Vinh. Ngày nay, trong sinh hoạt đời thường hàng ngày, người Vĩnh Trường vẫn còn giữ được nhiều giá trị văn hóa tinh thần truyền thống đáng được khảo sát, nghiên cứu và bảo tồn, trong đó rõ nét nhất là Lễ hội Kỳ yên.
Lễ Hội Kỳ yên đình Vĩnh Trường.
Lễ hội Kỳ yên là hội làng truyền thống của người Việt, được tiến hành tại ngôi đình làng. Đối với đời sống tinh thần của người Việt, chúng ta có thể nhìn kiến trúc và thái độ của cư dân địa phương đối với ngôi đình mà phần nào đánh giá được mặt bằng dân trí, nền nếp gia phong, nền nếp sinh sống của cả ngôi làng ấy. Ngôi Đình Vĩnh Trường được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, vài thập niên sau khi thành lập làng, với kiến trúc tre lá đơn giản. Đến đầu thế kỷ XX, Hương chủ Trần Đắc Châu vận động tài lực trong Nhân dân tôn tạo lại, tường xây, mái lợp ngói âm dương.
Nhìn chung, cũng giống như hầu hết các ngôi đình truyền thống, đình Vĩnh Trường nằm cặp lộ giao thông, mặt nhìn về hướng bắc, theo thế “ngưỡng vọng triều đình”, bao gồm Vỏ ca (nơi hát bội, hội họp dân làng), trung điện (còn gọi là đình trung, nơi diễn ra các nghi thức chính), hậu điện (còn gọi là hậu cung, nơi đặt án thờ Thần), nhà tiền vãng (nơi thờ những người có công với làng), nhà khói (còn gọi là nhà bếp, nơi nấu nướng và khoản đãi dân làng). Phía trước Vỏ ca, qua một khoảng sân rộng là án thờ Thần Nông và miếu thờ Thanh Long, Bạch Hổ. Qua nhiều lần trùng tu, đình Vĩnh Trường cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống nhưng không còn Vỏ ca, mái đình trung lợp fibro ximăng chứ không còn lợp ngói, phía ngoài án thờ Thần Nông nay dựng thêm một Đài Tử sĩ.
Đình Vĩnh Trường có sắc phong Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh vào năm Tự Đức đệ ngũ niên (1852). Trước ngày giải phóng, sắc Thần được gởi tại nhà ông Chủ Châu, mỗi năm đến dịp Kỳ yên, các bậc hương chức hội đình đều lân trống, cờ xí long trọng rước sắc về đình (gọi là lễ “Thỉnh sắc”). Sau đó, tiến hành nghi thức “Khán sắc”, nhằm bố cáo với dân làng rằng sắc Thần vẫn còn và là sắc thật. Sau khi ông Chủ Châu qua đời, sắc được rước về gởi nhà ông Trần Văn Hành (người đứng ra trùng tu ngôi đình), đến khoảng cuối thập niên 1980, sắc được lưu giữ tại án thời Thần trong hậu điện. Kỳ yên 1993, khi tiến hành nghi thức “Khán sắc”, những người có trách nhiệm mới phát hiện sắc thần đình Vĩnh Trường đã bị đánh cắp (?).
Hội Kỳ yên đình Vĩnh Trường được tiến hành trong hai ngày Rằm và Mười sáu tháng Ba âm lịch, là thời điểm cuối mùa khô (mùa nghỉ ngơi) chuyển sang mùa mưa (mùa gieo cấy) của cư dân nông nghiệp. Ngày Rằm gọi là Túc yết, ngày Mười sáu chánh lễ gọi là Đoàn cả. Túc yết có nghĩa là toàn thể ban Hương chức hội đình (nay gọi là Ban Trị sự hay Ban Quý tế) tề tựu tại đình nhằm tránh chuyện gối chăn, giữ mình thanh sạch, chờ giờ ra mắt Thần. Chiều ngày Rằm, Ban Trị sự chỉ tiến hành một lễ thức là tế Tiền vãng (Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ). Do Vĩnh Trường là làng ngã ba sông, có nhiều người sinh sống bằng nghề đi sông, đi biển nên vật phẩm tế Tiền hiền phải là các loại đặc sản biển, ngày nay, phong tục này không được duy trì.
Lễ thức chính của lễ hội Kỳ yên đình Vĩnh Trường là lễ Chánh tế, được tiến hành vào khoảng 8 - 9 giờ ngày Mười sáu tháng Ba cũng là lúc thủy triều bắt đầu lớn. Đầu tiên, vị Chánh bái dẫn đầu Ban Trị sự và các bậc kỳ lão mang trà, rượu cùng các vật phẩm khác ra tế Thần nông, tế Thanh long, Bạch hổ. Sau đó, các nghi thức tập trung diễn ra tại đình trung và hậu điện mà vật phẩm dâng cúng bắt buộc là con bò hoặc con heo dạng toàn sinh toàn sắc (bò, heo trắng để nguyên con), thay cho nghi thức hiến tế. Ngày nay thịt bò thường được mua ngoài chợ với số lượng vừa đủ dùng và heo có thể được thay bằng cái đầu heo cho tiện. Dưới sự hướng dẫn của Chánh bái, trong nền nhạc Nghinh thiên tiếp giá do giàn nhạc lễ tấu lên, sáu học trò lễ có nhiệm vụ mang rượu, trà, hương đăng, hoa quả… từ ngoài đình trung do vị Bồi bái cắt đặt vào hậu điện, trước án thờ Thần, có vị Chánh bái đợi sẵn để dâng cúng Thần. Giữa ba tuần rượu, vị Bồi bái hoặc Hương văn đọc bài Chúc văn ca ngợi công đức “bảo ngã lên dân” của vị Thần Thành hoàng, cung thỉnh các vị thần tiên phật, người khuất mày khuất mặt khác cùng về phối hưởng vật phẩm dâng cúng và phò trợ cho dân làng một mùa vụ mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, sinh sôi nẩy nở.
Ngày nay, dù các sinh hoạt mang tính vật chất ít nhiều đã chi phối nếp ăn ở nhưng người dân Vĩnh Trường, dù giàu hay nghèo, dù thành đạt hay thất bại, dù ở nguyên quán hay tha phương cầu thực, xứ lạ quê người, kể cả định cư nước ngoài vẫn coi ngày hội Kỳ yên đình làng là một sinh hoạt văn hóa truyền thống cần gìn giữ và bản thân có trách nhiệm phải tới dự, không đợi ai mời mọc hay nhắc nhở. Từ sáng ngày Rằm tháng Ba, hàng chục nam nữ thanh niên, các bà có tuổi đã tề tựu tại nhà khói để lo chuyện bếp núc, nấu nướng, che trại dựng rạp. Đến chiều, người mỗi lúc một đông. Người ta đến để chung tay phụ vài việc lặt vặt cho các nghi thức cúng tế cũng như ngày hội vui diễn ra trôi chảy, người ta đến còn để gặp gỡ, thăm hỏi nhau sau một năm làm ăn, lao động vất vã. Nam thanh nữ tú trong làng và các làng lân cận xem đây là dịp vui chơi, là dịp để gặp gỡ, tìm hiểu lẫn nhau. Và biết đâu, sau mỗi mùa Kỳ yên vui tươi sẽ chẳng là một mùa cưới hạnh phúc.
Đến với đình làng Vĩnh trường trong ngày hội Kỳ yên, nghiêng mình cung kính tưởng nhớ người đi trước trong các nghi thức cúng tế; vui với các hoạt động vui chơi, giải trí của ngày hội; ăn miếng cơm cộng đồng để giữ gìn, cố kết tình đoàn kết, tương thân tương trợ lẫn nhau và cũng để thêm chút tự hào truyền thống văn hóa đẹp đẽ của một “làng cựu” ngay sát cửa ngõ thành phố Trà Vinh.
Bài, ảnh: TRẦN DŨNG
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.