23/11/2023 07:48
Anh Thạch Liêm (trái) thao tác sửa máy nổ tại gia đình.
Thông qua các giải pháp, trong 10 tháng năm 2023, xã Phong Phú đã giải quyết việc làm mới cho 414 lao động. Trong đó, 30 người lao động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, vượt 200% kế hoạch năm; 384 người lao động trong ngoài tỉnh. Xã đã xây dựng 01 dự án vay vốn vốn giải quyết việc làm cho 18 hộ, với số tiền 850 triệu đồng để chăn nuôi và mua bán nhỏ. Các ngành đã tham gia phối hợp cùng địa phương tổ chức 04 lớp đào tạo nghề ngắn hạn: sửa máy nổ, kỹ thuật xây dựng và nuôi thủy sản - trồng màu, có 119 học viên tham gia.
Ngoài ra, các ngành đoàn thể của địa phương như Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh xã thông qua nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã đầu tư cho hội viên vay vốn để sản xuất như dự án nuôi bò, trồng màu, mua bán nhỏ…
Nông dân Thạch Liêm, ngụ ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú phấn khởi, cho biết: gia đình làm nông, nên có đến 04 máy nổ dùng để sử dụng bơm nước, chạy máy cộ lúa, máy xới tay… Trước đây, khi máy bị hỏng hóc, thường sửa chữa những phần nào mình biết, nhờ kinh nghiệm do anh em hướng dẫn nhau. Sau khi tham gia khóa học sửa máy nổ do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cầu Kè tổ chức; đến cuối tháng 10/2023 đã kết thúc khóa học, bản thân được tiếp cận nhiều kiến thức có tính chuyên môn cao, từ đó kết hợp với kinh nghiệm của bản thân đã nâng cao tay nghề cho việc sửa chữa máy nổ tại gia đình. Thời gian tới, nếu có điều kiện, bản thân sẽ mở 01 cơ sở nhỏ tại nhà để phục vụ sửa chữa máy nổ cho người dân tại địa phương.
Xã Phong Phú có thế mạnh là sản xuất nông nghiệp đồng bào Khmer chiếm trên 71%/tổng dân số xã; bình quân trên địa bàn xã cứ 01 hộ làm nông nghiệp có từ 01 - 02 máy nổ các loại phục vụ bơm tát và cày xới đồng ruộng… Do đó, nhờ việc hỗ trợ đào tạo nghề sửa chữa máy nổ có ý nghĩa rất lớn cho người dân trên địa bàn Phong Phú.
Nông dân Tống Anh, ngụ cùng ấp Đồng Khoen và là một trong 29 học viên lớp sửa máy nổ vừa hoàn thành khóa học, chia sẻ: ở xã hiện nay chưa có cơ sở (tiệm) sửa chữa máy nổ; khi nông dân có máy bị hư mà kêu thợ từ ngoài huyện hay ở Cầu Quan (huyện Tiểu Cần) vào tới đồng ruộng để sửa máy rất khó; thường nông dân phải chở nguyên máy nổ đi sửa… Qua lớp học này, có thể nói, anh em làm nông nghiệp đã vững tay nghề trong sửa chữa máy nổ cho gia đình cũng như cùng nhau hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm khi máy móc có hư hỏng.
Tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ vay ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cho các ngành, đoàn thể được xã Phong Phú phát huy rất hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Phú cho biết: đến cuối tháng 10/2023, tổng dư nợ cho vay của Hội với các hội viên đạt trên 22 tỷ đồng/890 hộ vay.
Riêng trong năm 2023, Hội đã đầu tư 01 dự án nuôi bò, tổng vốn 700 triệu đồng/14 hộ và gần 400 triệu đồng hỗ trợ vay giải quyết việc làm, cất nhà… Nhờ có nguồn vốn “tiếp sức” nên một số lao động khi bị ảnh hưởng việc làm tại các công ty, xí nghiệp đã được tiếp cận vốn vay để có điều kiện tham gia lao động sản xuất, chăn nuôi tại gia đình.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.