31/07/2022 11:38
Sau thời gian phát động, cuộc thi đã nhận được 358 hồ sơ dự án đến từ 62 địa phương trên cả nước. Trải qua vòng tuyển chọn sơ loại, Ban Giám khảo vừa công bố đã chọn ra 110 dự án lọt vào vòng bán kết. Trong đó, đơn vị Tỉnh Đoàn Trà Vinh có 03 dự án gồm: dự án Sản xuất giấy kraft từ xơ dừa của nhóm tác giả Võ Trung Hậu; dự án Sâm bố chính ngâm mật ong của nhóm tác giả Trần Phạm Anh Bình (cùng đơn vị Trường Đại học Trà Vinh) và dự án Nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh công nghệ cao của tác giả Nguyễn Minh Toàn (đơn vị Huyện Đoàn Cầu Ngang).
Anh Võ Minh Nhựt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Trà Vinh cho biết: tổ chức cuộc thi này, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mong muốn tạo cơ hội để các doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận, nắm bắt kịp thời những ý tưởng hay, sáng tạo và các mô hình kinh doanh tiềm năng. Từ đó có thể đầu tư, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề cho doanh nghiệp. Cuộc thi còn là cơ hội để doanh nghiệp tìm và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị…
Về đối tượng, cuộc thi dành cho thanh niên Việt Nam trong độ tuổi từ 18 - 35, có ý tưởng, đề án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào 03 lĩnh vực: phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát huy tài nguyên bản địa thông qua trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến, làng nghề, thiết bị nông nghiệp; bảo vệ môi trường. Trong đó, khuyến khích các dự án ý tưởng ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tận dụng tài nguyên bản địa; bảo tồn văn hóa dân tộc thông qua phát triển ngành nghề, sản phẩm truyền thống, khai thác du lịch cộng đồng.
Anh Võ Minh Nhựt cho biết thêm: 03 dự án của tỉnh Trà Vinh lọt vào vòng bán kết cuộc thi lần này đều bám sát các tiêu chí do ban tổ chức đưa ra. Trong đó, dự án Sản xuất giấy kraft từ xơ dừa, nhóm tác giả nhận thấy nguồn xơ dừa hiện nay trên địa bàn tỉnh khá dồi dào và rẻ tiền. Trong tương lai, sản phẩm sẽ có khả năng thay thế các sản phẩm làm từ nhựa và ni-lông với các đặc tính như: có khả năng hút ẩm, thấm dầu tốt, màu sắc tự nhiên, độ bền cao, độ dày linh hoạt để đa dạng các sản phẩm như: túi giấy, giấy vẽ, giấy carton, giấy đựng thực phẩm… Đặc biệt, giấy kraft từ xơ dừa được làm từ tự nhiên nên an toàn khi sử dụng, thân thiện môi trường, dễ phân hủy và có thể tái sử dụng.
Sản phẩm Sâm bố chính ngâm mật ong. Ảnh: ANH BÌNH
Đối với dự án Sâm bố chính ngâm mật ong, anh Trần Phạm Anh Bình, nhóm trưởng cho biết: sâm bố chính có tác dụng giúp người dùng bổ khí, bổ huyết, giảm ho, trừ đờm. Bên cạnh, sản phẩm này có thể trị được các chứng như: cơ thể suy nhược (hư lao), ăn ngủ kém, thần kinh suy nhược, hoa mắt, chóng mặt, ho, viêm họng, viêm phế quản. Cùng với đó, sâm ngâm với mật ong còn có nhiều giá trị về sức khỏe khác và giúp phục hồi nhanh sức khỏe sau khi bệnh.
Anh Trần Phạm Anh Bình kỳ vọng, dự án được hình thành nhằm thương mại hóa sản phẩm giúp sản phẩm tiếp cận nhiều hơn đến người tiêu dùng. Ngoài ra, còn phát triển sản phẩm thành hàng hóa đặc trưng của tỉnh. Đồng thời phát triển cây sâm bố chính tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng, giúp mang lại lợi ích cho người nông dân.
Trong khi đó, nói về dự án nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh công nghệ cao, anh Nguyễn Minh Toàn, đến từ xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang cho biết: phát huy những lợi thế và tiềm năng của vùng, việc đầu tư xây dựng cơ sở với công nghệ mới, hiện đại sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho nhà đầu tư. Sản phẩm của cơ sở đảm bảo về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường về tôm sạch và bảo vệ được môi trường nuôi, giúp nghề nuôi tôm từng bước phát triển bền vững.
Nói về mục tiêu của dự án, anh Nguyễn Minh Toàn khẳng định: việc nuôi tôm công nghệ cao sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Khi sản xuất, cơ sở sẽ đưa ra mô hình quản lý mới góp phần giải quyết về mặt kỹ thuật cho nhu cầu phát triển nhanh nghề nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, bền vững hơn.
Bên cạnh, dự án này còn hướng đến mục tiêu tạo nguồn sản phẩm có giá trị cao, sản phẩm sạch cho xuất khẩu để tăng nguồn ngoại tệ về cho đất nước. Đặc biệt, dự án góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp phát triển kinh tế vùng nông thôn; đồng thời thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản nói riêng và phát triển nông nghiệp nói chung trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
BÁ THI
Audio: Ngọc Diễm
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.