24/12/2024 11:17
Thí sinh Trà Vinh dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024. Ảnh minh họa: BTV
Kỳ thi năm nay gồm 13 môn thi: Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật. Trong đó, đây là năm đầu tiên môn Tiếng Nhật được tổ chức.
Năm nay cũng là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) áp dụng phương thức vận chuyển đề thi qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ trên phạm vi toàn quốc. Công tác vận chuyển đề thi diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Ngày mai, 25/12, thí sinh sẽ thi viết các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật và thi lập trình trên máy vi tính đối với môn Tin học.
Ngày 26/12, thí sinh tiếp tục thi viết các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học; thi nói các môn Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật và thi lập trình trên máy vi tính đối với môn Tin học.
Nội dung thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đối với các môn thi ngoại ngữ: Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật thi theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và Công văn số 4171/BGDĐT-GDTrH, ngày 26/8/2022 của Bộ GD- ĐT hướng dẫn thực hiện chương trình chuyên sâu các môn chuyên cấp THPT.
Từ năm học 2023 - 2024, Bộ GD- ĐT thực hiện quy chế mới, tăng tỷ lệ giải của Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT bảo đảm phù hợp với quy định của các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Theo đó, có 60% đạt giải từ giải Khuyến khích trở lên; trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.
Đồng thời, Bộ GD- ĐT bổ sung giấy chứng nhận trong kỳ thi. Giấy chứng nhận học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT được cấp cho các thí sinh tham dự kỳ thi nhưng không đoạt giải, điều này giúp các em có được thông tin lưu giữ lâu dài cho cá nhân.
Bộ GD- ĐT cũng tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra để thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước; nâng cao trách nhiệm chuyên môn của các chuyên gia khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên các học viện, viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học và giáo viên trường TTHPT tham gia tổ chức thi.
Hằng năm, Bộ GD- ĐT tổ chức hai kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, gồm: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT (gọi tắt là kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia) và kỳ thi chọn học sinh THPT vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực (gọi tắt là kỳ thi chọn đội tuyển Olympic).
Các kỳ thi nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy - học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời, phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.
Dự kiến thời gian công bố kết quả kỳ thi là cuối tháng 01/2025.
Theo baotintuc.vn
Biển, đảo Việt Nam không chỉ là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn, phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc lan tỏa tình yêu và trách nhiệm với biển đảo trở thành nhiệm vụ quan trọng, góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng và phát triển bền vững đất nước. Vừa qua, vòng thi đấu trực tiếp cấp tỉnh cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” do Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh Sát biển 3 (BTL Vùng CSB 3) phối hợp với sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức thành công đã để lại nhiều ấn tượng, ý nghĩa sâu sắc trong mỗi học sinh, thầy cô giáo và các tầng lớp nhân dân.