30/07/2020 10:21
Ông Thạch Sao tham gia ngày hội khui heo đất của địa phương năm 2020.
Gia đình ông Thạch Sao, ấp Nguyệt Lãng A nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình học tập tiêu biểu. Ông Thạch Sao cho biết: “Tôi sinh ra trong gia đình nghèo lại vào thời chiến tranh nên không được học hành nhiều, khi lập gia đình và lần lượt 02 đứa con ra đời, vợ chồng tôi đã quyết tâm tạo điều kiện để các con được đến trường”. Không phụ lòng mong đợi của cha mẹ 02 người con ông Thạch Sao đều học hết bậc THPT. Người con trai lớn Thạch Sang đang là nghiên cứu sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Con trai út Thạch Lương cũng tốt nghiệp THPT, hiện là Ấp Đội trưởng, đại biểu HĐND xã Bình Phú.
Riêng ông Thạch Sao, dù lớn tuổi nhưng vẫn tham gia các phong trào ở địa phương, với vai trò Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp và người có uy tín trong vùng dân tộc ông thường vận động con cháu trong xóm nỗ lực học tập, vận động người dân tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật do địa phương tổ chức… nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, nên những mô hình kinh tế của gia đình ông đều đạt hiệu quả. Hiện với 0,35ha ruộng lúa, 0,4ha vườn cây ăn trái (bưởi, xoài, ổi, nhãn) và 02 con bò sinh sản, gia đình ông thu nhập trên 40 triệu đồng/năm.
Ý thức được tầm quan trọng của việc học nên gia đình ông Nguyễn Văn Nam ở ấp Phú Đức luôn tạo điều kiện để 04 người con được học hành và người con trai trưởng đã tốt nghiệp trung cấp và đã có việc làm ổn định, 02 người con kế của ông Nam đang là sinh viên Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Trà Vinh.
Là nông dân cũng là hội viên Hội KH nên cả hai vợ chồng ông Nam thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt của Chi hội KH ấp, tích cực tham gia các lớp học cộng đồng góp phần nâng cao kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tăng thu nhập cho gia đình. Thực hiện mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, mỗi năm gia đình ông Nam tiết kiệm khoảng 02 triệu đồng từ việc nuôi heo đất KH.
Bà Sơn Thị Chính, Chủ tịch Hội KH xã Bình Phú cho biết: giai đoạn 2016-2020, được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của Hội KH huyện, Đảng ủy, UBND xã cùng với sự kết hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể ở xã mà công tác KH, KT, XDXHHT của xã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Phong trào thi đua KH, KT ngày càng hiệu quả thông qua việc phát triển các mô hình học tập như “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”. Công tác tuyên truyền được lồng ghép trong các hội nghị của xã, các ban, ngành, đoàn thể để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc XDXHHT. Xã có Trung tâm học tập cộng đồng với phương châm “cần gì học nấy” đã tổ chức 398 cuộc tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, các lớp tuyên truyền về pháp luật, vệ sinh môi trường, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình… thu hút đông đảo người dân tham gia. Ngoài ra, phối hợp tổ chức 27 lớp dạy nghề ngắn hạn như: chăn nuôi, trồng trọt, đan đát, tạo dáng cây cảnh... cho trên 800 lượt người dân nông thôn.
Đến nay, xã Bình Phú có 2.845/3.664 hộ đăng ký được công nhận “gia đình học tập”; 02/02 dòng họ được công nhận dòng họ học tập; 10/10 ấp và 109/138 tổ đăng ký được công nhận “cộng đồng học tập”; 04 trường và 02 cơ quan được công nhận danh hiệu “đơn vị học tập”.
Ông Lâm Khởi Long, đại diện 09 hộ gia đình trong dòng họ Lâm ấp Phú Phong cho biết: nhằm động viên, khuyến khích tinh thần học tập cho con cháu, mỗi gia đình trong dòng họ Lâm đã góp quỹ KH (100.000 đồng/hộ/tháng), được 10,8 triệu đồng/năm để khen thưởng con cháu có thành tích khá, giỏi. Tính đến nay, số tiền quỹ góp được 54 triệu đồng (kết thúc năm học, những cháu học giỏi sẽ được thưởng 250.000 đồng, các cháu thi đỗ vào các trường đại học được tặng suất học bổng trị giá 500.000 đồng và 400.000 đồng dành cho các cháu đậu cao đẳng, trung cấp).
Việc triển khai, xây dựng các mô hình học tập ở xã Bình Phú thời gian qua đã tạo động lực khuyến khích mỗi người dân học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Sự đồng tình, ủng hộ, phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp Nhân dân tạo sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, góp phần tạo nên cả xã hội học tập. Có thể nói, đây là một trong những yếu tố góp phần XDNTM ở địa phương.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.