19/05/2022 08:25
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đầu năm học 2021 - 2022, ngành GD-ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho học sinh (HS), giáo viên. Trong học kỳ I, HS các cấp chỉ được học trực tuyến và học trên truyền hình, không thể học trực tiếp, ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng.
Sang học kỳ II, dịch bệnh đã dần ổn định, đến nay, các hoạt động giáo dục diễn ra bình thường, các trường tập trung củng cố kiến thức HS, phân loại học lực từng đối tượng nhằm có phương pháp giảng dạy phù hợp, giúp các em củng cố kiến thức cơ bản. Tuy nhiên, chất lượng đạt được không đồng đều giữa các trường và giữa những HS. Vì vậy, thời gian gần cuối năm học, ngành GD-ĐT, các trường đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm duy trì và củng cố chất lượng.
Thực hiện Quyết định số 1794/QĐ-UBND, ngày 31/8/2021 của UBND tỉnh Trà Vinh ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, tất cả các bậc học kết thúc năm học trước ngày 11/6/2022.
Để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, Sở GD-ĐT ban hành Công văn số 584/SGDĐT-VP, ngày 19/4/2022 về kiểm tra học kỳ II và Công văn số 671/SGDĐT-VP, ngày 04/5/2022 về việc phối hợp chỉ đạo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Trong đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tùy chức năng, thẩm quyền phối hợp, chỉ đạo Phòng GD-ĐT, các trường học nỗ lực thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 như: huy động trẻ đến trường, khắc phục tốt tình trạng HS bỏ học giữa chừng, bảo đảm chất lượng học tập năm học 2021 - 2022, tổ chức kiểm tra học kỳ đảm bảo nghiêm túc, công bằng, đúng thời điểm kiểm tra theo quy định của biên chế năm học…
Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học tận dụng “thời gian vàng” tập trung tổ chức dạy học trực tiếp cho HS tại trường học để hoàn thành chương trình, ôn tập, kiểm tra đánh giá định kỳ bảo đảm chất lượng học tập của HS và kết thúc năm học theo khung kế hoạch thời gian năm học. Từng trường học rà soát thực tế kết quả đã đạt được trong học kỳ I, có biện pháp cụ thể thực hiện đạt các chỉ tiêu được giao. Quán triệt quan điểm trên, ngay từ khi vào học trực tiếp, các trường đã thực hiện phân loại HS, củng cố kiến thức đối với HS yếu, kém.
Tại Trường THCS Long Hiệp, huyện Trà Cú có 586 HS, với 16 lớp, là trường vùng nông thôn, đông đồng bào Khmer nên khá nhiều HS không đủ thiết bị học trực tuyến. Thầy Lê Văn Biểu, Hiệu trưởng Trường cho biết, Việc dạy trực tuyến tất nhiên không chất lượng bằng dạy trực tiếp, hơn nữa, nhiều HS của trường không có thiết bị học trực tuyến nên ảnh hưởng nhiều đến việc học tập. Một số trường hợp gia đình chưa quan tâm, phối hợp nên dù giáo viên trường cố gắng hướng dẫn, đưa phiếu bài tập nhưng một số em không tự học, bị “hỏng” kiến thức vào đầu năm học. Vào học trực tiếp, Ban Giám hiệu Trường động viên giáo viên nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, sắp xếp thời gian dạy phụ đạo thêm cho những HS yếu. Tùy từng môn học mà giáo viên, tổ bộ môn có hướng bồi dưỡng phù hợp, giúp các em củng cố kiến thức, thầy trò cùng nỗ lực đảm bảo kết thúc năm học đạt yêu cầu.
Thầy Lê Văn Biểu thông tin thêm, những năm học trước, mỗi học kỳ đều có 01 tuần dự phòng chấm thi nhưng năm nay phải tận dụng nhiều nhất thời gian trên lớp để ôn tập cho HS. Theo hướng dẫn của Phòng GD-ĐT huyện Trà Cú, dự kiến từ ngày 30/5 đến ngày 04/6, trường sẽ cho HS kiểm tra học kỳ II, sau đó giáo viên tranh thủ tuần cuối năm hoàn thành hồ sơ, kết quả điểm của HS, đến 11/6 kết thúc năm học theo đúng khung Kế hoạch thời gian năm học.
Theo bà Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đối với HS THCS, THPT, việc học trực tuyến cơ bản đảm bảo, kiến thức các em tiếp thu khá tốt, điều lãnh đạo ngành lo lắng là chất lượng HS bậc tiểu học, nhất là HS lớp 1, lớp 2. Nguyên nhân do cả học kỳ I, các em học trên tivi nên nhiều em nắm kiến thức chưa tốt. Tùy sự quan tâm của gia đình và sự linh hoạt của từng trường mà kiến thức giữa những HS không đồng đều nên sau khi kết thúc năm học như khung thời gian năm học, các trường cần lập danh sách những HS yếu, tổ chức cho giáo viên ôn tập phụ đạo thêm, nhất là đối với khối 1, khối 2. Từ đó, giúp HS đủ kiến thức tối thiểu, đủ điều kiện lên lớp, hạn chế tối đa HS lưu ban, tránh ngồi nhầm lớp, thực hiện đúng theo Luật Giáo dục năm 2019, quy định giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc (100% HS tiểu học được đến trường).
Giờ học của HS Trường Tiểu học Hòa Thuận A.
Mấy tuần gần đây, dịch bệnh được kiểm soát, nhiều trường đã linh hoạt tập trung thêm thời gian ôn tập cho HS, có kế hoạch phụ đạo phù hợp cho từng đối tượng giúp HS kiểm tra học kỳ II đạt kết quả tốt. Trường Tiểu học Hòa Thuận A, huyện Châu Thành có 884 HS, với 27 lớp, nhiều HS hoàn cảnh gia đình khó khăn, một số em được hỗ trợ thiết bị học tập nhưng tùy hoàn cảnh gia đình, việc học trên truyền hình và học trực tuyến đối với một số em hiệu quả không cao. Khi vào học trực tiếp, giáo viên trường thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các em củng cố kiến thức học kỳ I và dạy chương trình học kỳ II.
Cô Chung Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường cho biết: hiện nay HS từ khối 2 đến khối 5 đọc viết khá tốt, tuy một số em tính toán còn chậm. Riêng khối lớp 1 còn một số em chưa đọc, viết được, bởi để dạy HS lớp 1 cần dạy đủ từng bài, phải học từ âm, vần, rồi ghép vần thành chữ… dạy từ từ HS mới nhớ bài chứ không thể nhồi nhét thêm hay tinh giảm chương trình học như những lớp khác sẽ làm HS không tiếp thu kịp. Vì vậy, để đạt yêu cầu ở mức tối thiểu với HS lớp 1 (các em phải đọc viết được), giáo viên dành thêm thời gian rèn luyện thêm cho HS. Trường hợp những em quá yếu, sau kiểm tra học kỳ II, kết thúc năm học, trường sẽ tập trung kèm tiếp cho các em, đảm bảo đạt chuẩn tối thiểu để lên lớp 2 các em mới có thể tiếp tục học được.
Trước tình hình chất lượng không đồng đều giữa các HS, việc phân công giáo viên tiếp tục bồi dưỡng cho HS sau kết thúc năm học là điều cần thiết. Tin rằng, với tinh thần trách nhiệm của người thầy, việc bồi dưỡng, nâng kém cho HS yếu sẽ được thực hiện đảm bảo yêu cầu để bước sang năm học 2022 - 2023, chất lượng học tập được ổn định, nâng lên.
Bài, ảnh: ANH KHOA
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.