05/02/2024 10:14
Chị Sơn Thị Đa Ni với mô hình sản xuất nhang nghệ.
Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm Hóa học tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2009, chị Đa Ni được nhận vào làm việc tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Trà Vinh với nhiệm vụ nhân viên phòng thí nghiệm. Trong quá trình công tác tại Trường, chị Đa Ni vừa làm vừa học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nhận bằng Thạc sĩ kỹ thuật hóa học vào năm 2018.
Năm 2021, chị Đa Ni bắt đầu nghiên cứu và hình thành ý tưởng sản xuất nhang nghệ. Chị Đa Ni chia sẻ: là người dân tộc Khmer theo đạo Phật, hàng ngày tôi thắp hương bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà trong gia đình, khi sử dụng nhang mua ngoài chợ đốt lên có nhiều khói gây khó chịu cho mắt và phổi. Lo sợ ảnh hưởng sức khỏe cho các thành viên trong gia đình nên tôi nghĩ đến việc làm nhang hạn chế thấp nhất chất hóa học độc hại để dùng trong gia đình. Do gia đình có trồng 03 công nghệ trắng khi thu hoạch chỉ bán củ nghệ còn thân cây và lá nghệ bỏ đi thấy phí nên tôi nảy sinh ý tưởng làm nhang nghệ.
Thế là vợ chồng chị tìm hiểu cách làm nhang trên các phương tiện truyền thông, tìm mua máy se nhang… Ban đầu chị Đa Ni làm nhang từ bột củ nghệ nên khi đốt nhang không cháy, sau đó chị đã nghiên cứu và nghiền thân cây và lá nghệ trắng, nghệ vàng thêm bột làm chất kết dính theo tỷ lệ thích hợp thì thấy đạt hiệu quả, nhang khi đốt có mùi thơm rất dễ chịu.
Ý tưởng sản xuất nhang nghệ ban đầu của chị Đa Ni là chỉ làm để sử dụng trong gia đình nhưng thấy đạt hiệu quả, không có chất độc hại, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Được sự ủng hộ của chồng là anh Trần Del, chị Đa Ni đã mạnh dạn mở rộng sản xuất để bán cho người dân trong xóm. Vì đây là sản phẩm mới lạ, giá bán cũng khá đắt (39.000 đồng/hộp/100gram) nên ban đầu sản phẩm nhang nghệ chưa được người dân ủng hộ. Không nản chí, chị Đa Ni dùng kiến thức chuyên ngành để phân tích độ độc hại của nhang thông thường cũng như đa dạng hình thức giới thiệu sản phẩm mới của gia đình (qua mạng xã hội) đến người tiêu dùng.
Theo chị Đa Ni, để có lợi nhuận cao hầu hết các nhà sản xuất nhang đều cho thêm chất hóa học, chất tạo màu, chất tạo mùi, bột đá, chất chống ẩm mốc, chất làm cháy… Do đó, sau khi thắp nhang sẽ sinh ra khói có mùi khó chịu, gây cay mắt. Khi tiếp xúc lâu ngày với nhang hóa học sẽ bị tổn thương niêm mạc hoặc dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Năm 2023, chị Đa Ni xin nghỉ làm việc ở trường để chuyên tâm thực hiện mô hình khởi nghiệp của gia đình. Hiện tại, nhang nghệ của gia đình chị đã được người dân địa phương đón nhận. Bên cạnh đó, chị Đa Ni còn bán hàng qua các trang mạng xã hội. Trong 03 năm thực hiện mô hình khởi nghiệp sản xuất nhang nghệ, trừ các khoản chi phí gia đình chị Đa Ni lời khoảng 85 triệu đồng. Chị Đa Ni cho biết thêm, hiện tại gia đình đang tăng cường sản xuất để chuẩn bị sản phẩm cung cấp cho thị trường vào dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Sản phẩm nhang nghệ của chị Sơn Thị Đa Ni.
Mô hình sản xuất nhang nghệ của chị Đa Ni còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 02 lao động tại địa phương. Bà Sơn Thị Mít ngụ ấp Nguyệt Lãng B cho biết: tôi phụ việc cho gia đình cô Đa Ni được 03 năm nay, công việc của tôi là cắt nhỏ lá nghệ khô để dễ cho vào máy xay nghiền thành bột, mỗi ngày cắt được từ 15 - 17kg, thu nhập khoảng 150.000 - 200.000 đồng/ngày.
Nhang nghệ của gia đình chị Đa Ni được làm từ nguyên liệu tự nhiên nên được khách hàng tin tưởng. Sản phẩm nhang nghệ được kiểm nghiệm tại Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy trong thành phần nhang không có các chất: S, KNO3, H3PO4; trong thành phần khói nhang không có HF, CO, H2S, NO2, SO2 nên rất thân thiện với môi trường, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, sản phẩm nhang nghệ của gia đình chị Đa Ni được xét duyệt sản phẩm OCOP (3 sao) vào cuối năm 2023. Với ý tưởng khởi nghiệp nhang nghệ, chị Đa Ni tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Trà Vinh” và đạt giải Ba.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.