16/12/2022 09:02
Cô Trần Thị Thùy Linh hướng dẫn học sinh Trần Minh Tâm tìm hiểu những sản phẩm làng nghề truyền thống trong tài liệu GDĐP lớp 6.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình Giáo dục địa phương (GDĐP) được đưa vào giảng dạy thời gian gần đây giúp trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp, giáo dục quốc phòng - an ninh... Qua đó, học sinh hiểu biết thêm về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phù hợp với lứa tuổi, góp phần nâng cao phẩm chất, năng lực của người học, nâng cao hiệu quả đổi mới dạy và học chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Tài liệu GDĐP là một trong những căn cứ cần thiết để giáo viên và học sinh được tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức quan trọng về sự phát triển lịch sử, văn hóa, văn học, đặc điểm tự nhiên, xã hội và thực tế cuộc sống của địa phương gắn với văn hóa, chuẩn mực đạo đức trong cộng đồng dân cư của tỉnh. Hiện tài liệu GDĐP của Trà Vinh được đưa vào giảng dạy đối với lớp 1 và lớp 6, các lớp còn lại đang trong quá trình biên soạn, thẩm định, hoàn chỉnh mới được cấp phép xuất bản.
Trong tài liệu GDĐP tỉnh Trà Vinh lớp 6 có 12 bài về: vị trí địa lý, địa giới hành chính của tỉnh; điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên; thắng cảnh, lễ hội truyền thống của Trà Vinh; truyện dân gian; các làng nghề truyền thống, đa dạng sinh thái rừng ngập mặn; truyền thống đoàn kết của tỉnh… được phân bổ 35 tiết học, có vị trí tương đương các môn học khác.
Cô Trần Thị Thùy Linh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú đảm nhận dạy tài liệu GDĐP lớp 6. Cô chia sẻ, tài liệu GDĐP cơ bản gần gũi với cuộc sống, nhất là những nội dung liên quan đến thắng cảnh, lễ hội truyền thống của tỉnh nên học sinh rất hào hứng. Học sinh có thể kể được tên các thắng cảnh, các lễ hội của tỉnh và nói lên ý nghĩa của những lễ hội đó. Sau đó, giáo viên giảng cụ thể để học sinh nắm vững thêm.
Việc trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... trong tài liệu GDĐP giúp bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, góp phần xây dựng văn hóa, đạo đức học sinh.
Học sinh Trần Minh Tâm, lớp 6B chia sẻ: em thích học về các thắng cảnh và lễ hội của tỉnh. Trong đó, em đã được đến thắng cảnh Ao Bà Om và cảm nhận rất đẹp, gần gũi với thiên nhiên. Ngoài những bài địa lý của chương trình chung, khi học GDĐP, em biết rõ hơn về vị trí của tỉnh Trà Vinh, những lễ hội truyền thống giúp em mở rộng hơn kiến thức, nhất là về lễ hội của đồng bào Khmer tại địa phương như: Lễ hội Ok Om Bok, tập tục đi chùa, dâng bông…
Học sinh Hồ Ngọc Đan Thy, lớp 6/1, Trường THCS Lý Tự Trọng (thành phố Trà Vinh) chia sẻ: qua 05 bài học của chương trình GDĐP lớp 6 từ đầu năm học đến nay, em ấn tượng về các danh lam thắng cảnh của tỉnh. Em được gia đình cho đi Ao Bà Om, biển Ba Động, chùa Âng… có dịp em muốn đi thực tế các chùa có nhiều thắng cảnh khác trong tỉnh, vừa biết được những cảnh đẹp vừa biết văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.
Đan Thy cũng như nhiều học sinh khác biết thêm những nghề truyền thống độc đáo của tỉnh như: dệt chiếu, làm đồ dùng sinh hoạt gia đình thu nhỏ, tạo nên sản phẩm thủ công mỹ nghệ tuyệt vời. Em cho biết: trong lớp có bạn biết những sản phẩm thủ công mỹ nghệ này nhưng em và nhiều bạn chưa biết. Vì vậy, nếu không được học chương trình GDĐP thì các em sẽ không biết được những sản phẩm, món ăn đặc sắc trong tỉnh.
Ngoài ra, chương trình GDĐP còn đưa vào dạy các hoạt động hướng nghiệp kiến thức về thị trường lao động, ngành nghề, các ngành kinh tế mũi nhọn, tiềm năng phát triển… Từ đó giúp học sinh có ý thức sớm hòa nhập với môi trường đang sống, có trách nhiệm trong tìm hiểu, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa quê hương, địa phương, có kiến thức, kỹ năng nền tảng trong quá trình lập thân, lập nghiệp sau này.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.