07/02/2022 15:03
Đảng viên Thạch Nan chăm sóc hành lá.
Đến thăm mô hình kinh tế của đảng viên Thạch Nan, sinh năm 1984, ấp Trì Phong, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành trong một chiều của ngày đầu năm. Vừa chăm sóc hành lá, anh Nan vừa kể: trước đây, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng lúa, chi tiêu mọi thứ trong nhà khi mới ra riêng lập nghiệp còn thiếu trước hụt sau, có lúc mượn vốn của người thân để trang trải cuộc sống. Với quyết tâm phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống, anh bàn với vợ mua bò về nuôi. Ban đầu thiếu vốn anh được cha mẹ hai bên hỗ trợ mua 01 con bò cái về nuôi, đến nay đã sinh sản được 04 con, bình quân xuất bán từ 01 - 02 con, lợi nhuận trên 10 triệu đồng. Năm nay, do tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò nên giá bò sụt giảm, anh bán được 01 con hơn 20 triệu đồng. Song song với chăn nuôi, gần 10 năm qua, anh mạnh dạn chuyển đổi 4.000m² đất trồng lúa sang trồng thâm canh cây màu với các chủng loại như hành lá, xà lách, ớt chỉ thiên, rau muống xoay vòng từ 03 - 04 vụ/năm, mỗi vụ anh lợi nhuận từ 05 - 10 triệu đồng/1.000m².
Theo anh Nan, trồng màu tuy cực công chăm sóc, nhưng có nguồn thu nhập ổn định. Tuy giá nông sản trong năm 2021 bị sụt giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cộng thêm đầu ra bấp bênh, trong khi đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầu vào tăng gấp đôi so với những năm trước, nhưng anh vẫn có thu nhập thường xuyên. Đặc biệt, thời điểm trong và sau tết Nguyên đán, giá nông sản không ngừng biến động ảnh hưởng không ít đến thu nhập và lợi nhuận của người trồng màu. Cụ thể như cải xà lách từ 15.000 đồng/kg nay giảm còn 3.000 đồng/kg, ớt chỉ thiên từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, còn 12.000 - 15.000 đồng/kg, hành lá từ 25.000 đồng/kg giảm còn 15.000 đồng/kg,… với 4.000m² của gia đình, anh trồng 2.000m² hành lá, 1.000m² ớt chỉ thiên và 1.000m² cải xà lách. Hiện anh đang thu hoạch hành lá và cải xà lách, trung bình từ 200 - 300kg/ngày, giá bán dao động từ 3.000 - 16.000 đồng/kg. Anh Nan cho biết: thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, giá cải xà lách 3.000 đồng/kg mà không có người mua. Thời điểm sau Tết, giá cải xà lách đầu ra ổn định, anh vẫn tranh thủ thu hoạch 150 - 200kg/ngày giao cho thương lái và giải quyết việc làm cho 02 lao động tham gia thu hoạch cải.
Ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Nan tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Với vai trò là Tiểu đội trưởng dân quân ấp Trì Phong, thành viên tổ Covid cộng đồng, anh Nan luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người đảng viên gương mẫu.
Cùng với chí hướng thúc đẩy kinh tế gia đình trên mảnh đất quê hương, đảng viên Trần Văn Tính, sinh năm 1990, ấp Ô Chích B, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành đã chuyển đổi đất lúa sang mô hình vườn - ao - chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Tính cho biết: 06 năm trước, anh làm thuê tại nhà hàng tiệc cưới, do gia đình đơn chiết, cha bệnh nặng nên anh nghỉ việc tập trung chăm lo 1,9ha đất trồng lúa - dừa. Hai năm gần đây, anh mạnh dạn chuyển 0,7ha đất trồng lúa sang đào ao nuôi cá phi, cá lóc, cá trê 01 đợt/năm, lợi nhuận 10 triệu đồng/đợt, kết hợp trồng 04 vụ màu (khổ qua, bầu, bí, mướp và rau cải các loại), lợi nhuận từ 03 - 05 triệu đồng/vụ/1.000m² và nuôi 10 con bò sinh sản, xuất bán 04 con/năm, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Riêng năm 2021 bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giá bán nông sản sụt giảm, lợi nhuận giảm 50% so với năm trước; xuất bán 02 con bò thu nhập 30 triệu đồng để mua phân, thuốc trang trải trồng trọt.
Anh Trương Minh Tâm (phải) tham quan rẫy dưa hấu An Tiêm của đảng viên Trần Văn Tính (trái).
Anh Tính cho biết thêm: ngoài 1.000m² dưa hấu trồng bán trong dịp Tết, anh trồng thêm 3.000m² khổ qua phục vụ thị trường trong và sau Tết, giá bán dao động từ 10.000 - 14.000 đồng/kg, lợi nhuận ước đến cuối vụ đạt 60 triệu đồng. Đối với khổ qua là cây trồng ngắn ngày nhưng có thời gian thu hoạch kéo dài gần 01 tháng kết thúc, vì vậy anh có nguồn thu nhập ổn định trong và sau Tết. Nhận thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi sang trồng thâm canh cây màu mang lại lợi nhuận gấp 03 - 04 lần so với độc canh cây lúa, sau Tết anh tiếp tục chuyển 4.000m² đất trồng lúa còn lại sang trồng màu nhằm nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Không chỉ dừng lại ở đó, với vai trò là Bí thư Chi đoàn ấp, anh còn tiên phong trong các phong trào hoạt động của Đoàn, Hội và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác với đoàn viên trong ấp cùng nhau phát triển vươn lên làm giàu.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.