23/10/2020 11:04
Cần có những buổi nói chuyện về định hướng nghề nghiệp, phân luồng cho HS bậc THCS, THPT.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục thường xuyên - Dân tộc - Khảo thí (Sở GD-ĐT), những năm gần đây, việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên (HS-SV) luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Hàng năm, Sở GD-ĐT phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh ở các trường THPT, THCS. Ngoài ra, một số trường tổ chức cho HS tham quan tại trường nghề, thực hiện tuyên truyền về điều kiện học tập tại trường nghề, nhu cầu việc làm của xã hội…
Đồng thời, các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện từng bước thực hiện nhiệm vụ vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề, đầu tư một số phòng thực hành về điện dân dụng, điện công nghiệp, phòng máy vi tính phục vụ nhu cầu học tập của học viên. Thực hiện liên kết với trường nghề để phát triển đào tạo nghề, qua đó, giúp các em bước đầu có định hướng về nghề nghiệp cho bản thân.
Sinh viên Lê Hữu Phước, lớp Cao đẳng 3 - Điện công nghiệp (khóa học 2017-2020), Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh chia sẻ: thời gian học THPT, em cũng như nhiều bạn được thầy cô định hướng học nghề, vừa ít tốn chi phí vừa thuận lợi khi tìm việc làm và em thấy việc này phù hợp với hoàn cảnh gia đình em. Hơn nữa, em có 02 người anh cũng từng lựa chọn học nghề và đã có việc làm, thu nhập ổn định tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải nên sau khi tốt nghiệp THPT, em chọn học nghề điện công nghiệp. Cùng học nghề với em có 05 bạn học chung lớp 12 và một số bạn học cùng trường THPT.
Hiệu quả từ việc lựa chọn học nghề đã được khẳng định sau nhiều năm các cấp, các ngành chung tay thực hiện tuyên truyền phân luồng HS-SV. Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng phòng Công tác HS-SV (Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh) cho biết: học nghề là con đường ngắn nhất và ít tốn kém để các em có nghề nghiệp, có việc làm và thu nhập cũng không thấp hơn sinh viên tốt nghiệp đại học, sau này nếu muốn học để nâng cao trình độ cũng không bị giới hạn. Ngoài ra, HS-SV học tại Trường còn được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định của Nhà nước như: học bổng khuyến khích học nghề, miễn, giảm học phí, nội trú, tín dụng đối với HS. Hơn nữa, chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, trường còn phối hợp các công ty, doanh nghiệp thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm nên hàng năm có trên 95% HS-SV của trường có việc làm cao ngay sau khi tốt nghiệp và hầu hết đều làm việc đúng chuyên môn được đào tạo.
Nhằm góp phần thực hiện phân luồng HS, đối tượng tuyển sinh đầu vào tại Trường Cao đẳng Nghề không đòi hỏi học lực khá, giỏi ở bậc phổ thông, mức học phí phù hợp nên nhiều HS lựa chọn tham gia học nghề. Nhưng do hiệu quả mang lại, những năm gần đây, trường nghề không phải chỉ dành riêng cho HS có học lực trung bình mà nhiều HS có học lực khá giỏi cũng đăng ký vào học nghề. Sau khi ra trường, tùy nhu cầu công việc, các em muốn học để nâng cao trình độ vẫn không bị giới hạn.
Tuy được chú trọng và được sự chung tay của các ngành trong định hướng, phân luồng đào tạo nghề, cụ thể, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 10/5/2017 về tăng cường thực hiện công tác phân luồng, đào tạo nghề cho HS sau THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 nhưng kết quả phân luồng HS vẫn chưa được như mong muốn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân về nhận thức xã hội, một số nơi chất lượng giáo dục nghề nghiệp chưa cao, nhiều trường chưa chú trọng công tác tuyên truyền định hướng nghề nghiệp phù hợp cho HS nên các em và gia đình chưa mặn mà với định hướng học nghề.
Cô Trần Thị Nga, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Dân Thành (thị xã Duyên Hải) cho biết: phân luồng đào tạo nghề cho HS là chủ trương đúng, tuy nhiên đôi khi khó thực hiện tại trường phổ thông. Điển hình như khi tôi còn công tác tại Trường THPT Duyên Hải, năm học 2018-2019, khi tổ chức thi tuyển sinh lớp 10, số HS không đậu vào hệ THPT được trường chọn ra khoảng 30 em có hộ khẩu tại xã Dân Thành và Trường Long Hòa tham gia học tại phân hiệu của trường tại Dân Thành (khi chưa tách trường). Vào đầu năm học, trường tổ chức họp phụ huynh, có đề xuất phụ huynh đăng ký cho con học nghề song song với học văn hóa, trong đó, trường phối hợp mời giáo viên dạy nghề đến dạy tại trường nhưng không có phụ huynh đăng ký. Chỉ sau khi tốt nghiệp THPT, một số HS lựa chọn học nghề, chủ yếu là HS nam chọn học ngành điện vì dễ có cơ hội việc làm, thu nhập khá tốt do địa phương có Công ty Nhiệt điện Duyên Hải. Tuy nhiên, số này không nhiều do đa số HS và gia đình các em đều muốn vào đại học.
Do đó, để làm tốt công tác phân luồng HS cần chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường học, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông.
Ông Thạch Tha Lai, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: công tác phân luồng HS không chỉ riêng ngành GD-ĐT mà cần sự chung tay của xã hội, cùng với đó là huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo với nhà trường, tạo thêm lực lượng lao động có tay nghề tốt. Đặc biệt, trong hướng nghiệp cho HS, cần phân biệt rõ, phân luồng đào tạo nghề, định hướng cho HS lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, nhu cầu lao động của xã hội chứ không phải phân hóa HS, gây tâm lý trong các em là học lực yếu, không đậu được đại học mới chọn con đường học nghề. Vì vậy, để việc phân luồng HS đạt hiệu quả cao hơn, cần tăng cường thông tin định hướng xã hội, nâng cao chất lượng công tác dự báo, hướng nghiệp…
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.