18/09/2024 15:27
Thầy Nguyễn Hữu Bảo Long (bìa trái) Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Càng Long cùng giáo viên kiểm tra máy móc tại phòng thực nghiệm của Trung tâm.
Theo tổng hợp từ Phòng Giáo dục Dân tộc - Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo), trong số hơn 4.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9 không vào học lớp 10 phổ thông, có 2.253 học sinh vào học tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên (tăng 375 học viên so với năm học 2023 - 2024); 99 học sinh tham gia học tại Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh (đợt 1); 12 học sinh học lớp 10 tư thục tại Trung - Tiểu học Việt Anh 5; 274 học sinh chuyển trường tham gia học tập lớp 10 ngoài tỉnh, 321 em theo gia đình đi làm rời khỏi địa phương, còn lại 1.140 học sinh không nhập học tại địa phương (trong đó có 28 học viên tốt nghiệp THCS hệ phổ cập giáo dục lớn tuổi, 147 em học nghề tự do tại địa phương).
Theo đồng chí Đinh Thái Vĩnh Trà, Trưởng Phòng Giáo dục Dân tộc - Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục: thực hiện công tác đổi mới, nâng cao chất lượng giáo giáo dục gắn với phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, 02 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 tại tất cả các Trường THPT trong tỉnh (trừ Trường THPT Hòa Minh và THPT Long Khánh, do 02 trường này thuộc xã đảo). Những học sinh không đậu vào học hệ THPT sẽ có hướng đi khác, trong đó, đa số học tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các em học ít môn hơn so với giáo dục phổ thông, vẫn thi tốt nghiệp THPT nhưng thuận lợi hơn nếu các em có nhu cầu đăng ký học thêm trung cấp nghề được Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh phối hợp tổ chức tại trung tâm.
Những năm gần đây, các Trung tâm giáo dục thường xuyên (Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề) trong tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản, trang thiết bị dạy học được trang bị trong từng năm học đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức dạy và học chương trình giáo dục thường xuyên. Đồng thời, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của ngành từng bước ổn định về số lượng và nâng dần về chất lượng.
Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Càng Long, đầu năm học 2024 - 2025, Trung tâm đã tuyển 453 học sinh lớp 10. Theo thầy Nguyễn Hữu Bảo Long, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Càng Long: cơ sở vật chất của đơn vị hiện nay cơ bản đảm bảo với các phòng học, phòng thực nghiệm, phòng máy tính, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa, đội ngũ giáo viên nhiệt tình, trách nhiệm, có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, thực hiện tốt quy chế, sinh hoạt chuyên môn. Học viên dù tiếp thu kiến thức có phần chậm hơn học sinh hệ phổ thông tiếp thu chậm nhưng Trung tâm có nhiều giải pháp tăng giờ dạy, dạy nâng kém trái buổi để giúp các em tiếp thu kiến thức kịp thời nên chất lượng giáo dục được nâng lên. Cụ thể, nhiều năm qua, 100% học viên Trung tâm đậu tốt nghiệp lớp 12.
Ngoài học văn hóa, hàng năm có khoảng 50% học viên của Trung tâm đăng ký tham gia học nghề do Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh phối hợp tổ chức. Qua 02 năm học, các em sẽ được cấp bằng trung cấp nghề, sau khi tốt nghiệp lớp 12, các em đủ điều kiện để xin việc làm, những em có bằng trung cấp nghề nếu có nhu cầu học liên thông lên cao đẳng nghề sẽ tiếp tục tham gia học tại Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh, sau 01 năm học, các em sẽ có bằng cao đẳng nghề, được Trường giới thiệu việc làm, sớm có cơ hội việc làm, có thu nhập ổn định.
Được biết, hiện nay các Trung tâm Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với các trường nghề, công ty trong và ngoài tỉnh trong giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học viên. Qua đây, triển khai đa dạng, linh hoạt nội dung giáo dục văn hóa với dạy nghề, góp phần xây dựng xã hội học tập, đáp ứng sự phát triển của xã hội. Riêng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Càng Long, nhằm thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS, UBND huyện Càng Long đã có chủ trương đầu tư 35 tỷ đồng để xây mới thêm 10 phòng học và khối nhà làm việc, phòng chức năng, thư viện tại Trung tâm. Hiện nay, tuy còn gặp một số khó khăn nhưng cơ bản Trung tâm đảm bảo các điều kiện cho năm học 2024 - 2025.
Theo đồng chí Thạch Tha Lai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: thực hiện chủ trương định hướng, phân luồng học sinh học nghề sau THCS, Sở Giáo dục và Đào tạo cơ bản thực hiện phân luồng 70 - 75% học sinh vào học THPT, số còn lại sẽ vào học tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Như vậy, các cơ sở Giáo dục thường xuyên này sẽ tăng số lượng học sinh. Với định hướng đó, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ tham mưu đầu tư thêm về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy học. Riêng năm học 2024 - 2025, cơ sở vật chất tại các Trung tâm đã được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Năm học mới 2024 - 2025, với quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, các cơ sở giáo dục trong tỉnh, trong đó có các Trung tâm Giáo dục thường xuyên tiếp tục củng cố đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; chủ động bố trí thời gian thực hiện chương trình giáo dục văn hóa với dạy nghề bảo đảm tính khoa học, phù hợp yêu cầu thực tiễn tại từng địa phương.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN - NGUYỆT HÂN
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.