19/04/2022 08:22
Em Kim Phi Rô (bên trái) và Thạch Keo Rịch Thi tác giả máy sát khuẩn.
Thạch Keo Rịch Thi và Kim Phi Rô bày tỏ: thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ngăn ngừa lây lan dịch bệnh là vô cùng cần thiết. Trong đó, rửa tay sát khuẩn là một trong những việc làm cần thiết của thông điệp 5K mà Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện. Tuy nhiên, có lần đến trạm y tế khám bệnh, em và nhiều người phải đứng xếp hàng chờ rửa tay sát khuẩn trước khi vào bên trong để khám. Ai cũng phải dùng tay bấm lấy nước sát khuẩn, các em nhận thấy điều này sẽ dễ xảy ra lây nhiễm chéo.
Từ đó 02 em nghĩ ra ý tưởng để làm sao không phải dùng tay bấm tiếp xúc với bình xịt sát khuẩn mà vẫn lấy được nước rửa tay, hạn chế lây nhiễm bệnh với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế người dân vùng nông thôn. Từ kiến thức được học, các em tiến hành ngay nghiên cứu làm “Máy rửa tay sát khuẩn”.
Sản phẩm máy sát khuẩn của 02 em chỉ gồm 01 cảm biến hồng ngoại, 01 bét phun sương, 01 máy bơm mi-ni, 01 mạch tạo trễ, 02 chai dung dịch sát khuẩn, 03 mét ống nhựa đường kính 21mm, 03 mét ống nhựa 27mm, 08 co chữ T 27mm, 06 co chữ L 27mm, 01 co chữ T 21mm, 06 co chữ L 21mm, 02 mét dây điện, 01 hộp nhựa… Các em tiến hành nối các linh kiện: mạch tạo trễ nối với cảm biến hồng ngoại, máy bơm mi-ni, bét phun sương nối với chai dung dịch sát khuẩn và gắn vào hộp nhựa.
Sau gần 01 tháng tìm tòi, tháo ráp thực hiện ý tưởng, máy sát khuẩn của 02 em được thử nghiệm vài lần, kết quả đạt được khả quan và sản phẩm được hoàn thiện như mong muốn. Học sinh Kim Phi Rô chia sẻ thêm: “Máy rửa tay sát khuẩn” của 02 em có thêm ưu điểm nếu không có điện vẫn sử dụng được. Bởi 02 em tạo một bên là cảm biến tự động, nối với mạch điện dùng để lấy nước sát khuẩn khi đưa tay vào. Bên còn lại dùng thủ công, nếu không có điện sẽ dùng chân đạp vào bàn đạp vẫn lấy được nước sát khuẩn rửa tay, không cần dùng tay bấm tiếp xúc để tránh lây nhiễm chéo qua bàn tay.
Thầy Thạch Minh, giáo viên hướng dẫn cho biết: ý tưởng làm “Máy rửa tay sát khuẩn” xuất phát từ thực tế cuộc sống. Sản phẩm được thử nghiệm thực tế và đưa vào trường học sử dụng rất hiệu quả với các linh kiện vật liệu dễ kiếm, rẻ tiền, thiết kế nhỏ gọn, dễ di chuyển. Điểm mới của sản phẩm so với các sản phẩm hiện có trên thị trường là vừa sử dụng cảm biến từ nguồn điện vừa có thể dùng thủ công nếu không có điện.
Chiếc “Máy rửa tay sát khuẩn” của 02 em được đưa vào sử dụng hàng ngày tại Trường THCS Ngọc Biên và hiệu quả thực tế được ghi nhận, giáo viên, học sinh rất hứng thú với sản phẩm được làm ra từ ý tưởng sáng tạo của học sinh nhà trường. Khi mang sản phẩm tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, sản phẩm “Máy rửa tay sát khuẩn” được Ban Giám khảo đánh giá cao và đạt giải Nhì dành cho học sinh bậc THCS.
Phấn khởi với thành tích đạt được của học sinh, thầy Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Biên cho biết: là trường vùng sâu, có khoảng 75% học sinh Khmer, Ban giám hiệu, giáo viên trường đã rất nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Phấn đấu duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Những năm trước, học sinh trường cũng được giáo viên hướng dẫn tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học nhưng sản phẩm không được đánh giá cao, nhiều năm chỉ đạt 01 giải Khuyến khích. Năm nay, trường có học sinh đạt giải Nhì cuộc thi cấp tỉnh, không chỉ khẳng định sự nỗ lực của học sinh vùng sâu, động viên tinh thần cho học sinh đạt giải mà cả tập thể giáo viên trường đều phấn khởi, tạo động lực để những năm tiếp theo trường tiếp tục phát động học sinh tham gia cuộc thi, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của trường.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.