14/04/2025 15:51
Em Lâm Thanh Vũ và Hồng Thị Bích Vân đoạt giải Nhất tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2024 - 2025. Ảnh: NX
Phấn khởi với kết quả đạt được, em Lâm Thanh Vũ bày tỏ: sách lá Buông là một di sản văn hóa đặc sắc, chứa đựng các giá trị lịch sử, tôn giáo và tri thức truyền thống của dân tộc Khmer. Tuy nhiên, loại hình di sản này đang đối mặt với nhiều thách thức và có nguy cơ bị mai một theo thời gian. Vì vậy, việc bảo tồn sách lá Buông không chỉ có ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần quảng bá văn hóa, du lịch địa phương.
Nhiều năm tham gia học tiếng Khmer, chữ Pali tại chùa Phnô Đôn (chùa Cò), xã Đại An, Lâm Thanh Vũ được tiếp cận với sách lá Buông, hiểu được giá trị lịch sử, văn hóa của sách và mong muốn tìm ra các biện pháp bảo tồn hiệu quả để duy trì giá trị của sách lá Buông, tránh bị mai một theo thời gian. Đồng thời, qua đây, đưa ra mô hình phát triển du lịch gắn với giới thiệu giá trị văn hóa của chùa Phnô Đôn, một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Trà Vinh, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa của cộng đồng người Khmer, đặc biệt là sách lá Buông.
Em Lâm Thanh Vũ tìm hiểu sách lá Buông tại chùa Phnô Đôn. Ảnh do nhân vật cung cấp
Từ ý tưởng đó, Lâm Thanh Vũ đã trình bày với thầy Phạm Bình Nguyên, giáo viên dạy Ngữ văn của trường, thầy rất vui khi em có ý tưởng thực hiện dự án này. Từ tháng 4/2024, được sự hướng dẫn của thầy, Thanh Vũ cùng bạn Bích Vân thực hiện các phương pháp nghiên cứu như: nghiên cứu thực tiễn, thu thập tài liệu từ chùa Phnô Đôn; thực hiện phỏng vấn, khảo sát, so sánh, đối chiếu. Trong đó, chú trọng nghiên cứu thực trạng sử dụng sách lá Buông trước đây và hiện nay, đề xuất giải pháp bảo tồn sách lá Buông. Đồng thời, khảo sát tiềm năng phát triển mô hình du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa tại Chùa Phnô Đôn và xây dựng mô hình phát triển du lịch địa phương.
Em Lâm Thanh Vũ cho biết: quá trình thực hiện dự án nghiên cứu, em vừa học vừa sắp xếp thời gian thực hiện khảo sát, thu thập thông tin, được các vị sư ở chùa tận tình hỗ trợ nên khá thuận tiện. Từ dự án này, em hiểu thêm nhiều điều và càng trân trọng giá trị lịch sử từ sách lá Buông. Việc bảo tồn sách lá Buông gắn với du lịch không chỉ giúp quảng bá di sản đến du khách mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, làm nổi bật hình ảnh Trà Vinh, thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao nhận thức cộng đồng về việc gìn giữ văn hóa truyền thống.
Sách lá Buông tại Chùa Phnô Đôn xã Đại An. Ảnh: THANH VŨ
Em Bích Vân bày tỏ: em không giỏi chữ Khmer như bạn Thanh Vũ nên quá trình thực hiện, em chủ yếu hỗ trợ làm phiếu khảo sát, thu thập phiếu và nghiên cứu một số lý thuyết có liên quan. Nhờ thực hiện dự án mà em biết được sách lá Buông có thể được phân loại thành nhiều thể loại khác nhau: Kinh sách Phật giáo, sách y học cổ truyền, sách lịch sử và dân gian. Quy trình tạo ra sách lá Buông cũng nhiều bước kỳ công, đòi hỏi kỹ thuật cao, giúp chữ luôn giữ nguyên sau thời gian dài nên rất có giá trị và văn hóa, lịch sử.
Qua việc tìm hiểu và nghiên cứu về sách lá Buông, các em đề xuất giải pháp lưu trữ tài liệu trên sách lá Buông bằng công nghệ số hóa, chụp lại tất cả tài liệu tại các chùa Nam Bộ và lưu trữ trên đĩa cứng hoặc công bố trên các trang web. Sau khi số hóa, có nhóm chuyên gia đọc, phân tích và phân loại các tài liệu, giúp tái hiện bức tranh văn hóa Khmer và bảo tồn di sản lâu dài.
Việc bảo tồn sách lá Buông không chỉ giúp duy trì giá trị văn hóa mà còn là một phần quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc Khmer nên được ban giám khảo đánh giá cao và dự án đạt giải Nhất. Hy vọng kết quả nghiên cứu của dự án tiếp tục được phát huy, góp phần bảo tồn sách lá Buông gắn với phát triển du lịch tại chùa Phnô Đôn, kết hợp giữa việc gìn giữ di sản và phát triển kinh tế tại địa phương đông đồng bào Khmer như xã Đại An.
NGỌC XOÀN
Biển, đảo Việt Nam không chỉ là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn, phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc lan tỏa tình yêu và trách nhiệm với biển đảo trở thành nhiệm vụ quan trọng, góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng và phát triển bền vững đất nước. Vừa qua, vòng thi đấu trực tiếp cấp tỉnh cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” do Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh Sát biển 3 (BTL Vùng CSB 3) phối hợp với sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức thành công đã để lại nhiều ấn tượng, ý nghĩa sâu sắc trong mỗi học sinh, thầy cô giáo và các tầng lớp nhân dân.